‘Cổ tích’ của cô học trò nghèo
“Chỉ kịp để lại cho cô giáo và bạn học một bức thư, em theo người lạ lên thành phố giúp việc nhà. Lúc ấy em chỉ nghĩ làm sao để có tiền chữa bệnh cho bà và lo cho cậu.
‘Cổ tích’ của cô học trò nghèo
“Chỉ kịp để lại cho cô giáo và bạn học một bức thư, em theo người lạ lên thành phố giúp việc nhà. Lúc ấy em chỉ nghĩ làm sao để có tiền chữa bệnh cho bà và lo cho cậu.
Em không nghĩ mình sẽ được đi học lại nhưng… phép màu đã xuất hiện”, Thạch Thị Pho La (quê Trà Vinh) xúc động kể.
14 tuổi, nuôi ngoại và cậu
“Mẹ có bầu em được 2 tháng thì ba bỏ đi. Lên lớp 1 mẹ em có gia đình mới. Em ở với bà ngoại. Ngoại bán rau kiếm tiền nuôi em và cậu bị khuyết tật bẩm sinh (36 tuổi) sống qua ngày. Hằng ngày em lo cơm nước, giặt giũ, chăn vịt, để phụ thêm cho ngoại… Dù nghèo nhưng ngoại vẫn nói em phải đi học. Cuộc sống nghèo khó nhưng yên ổn cho tới học kỳ 2 năm lớp 9. Tin ngoại bị ung thư khiến ngoại, em và cậu đều suy sụp”, Thạch Thị Pho La (HS lớp 11, Trung tâm GDTX Q.Tân Bình, TP.HCM, quê Trà Vinh) mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những tâm sự buồn như thế.
Làm việc 1 tháng ở xưởng sản xuất chả lụa tại TP.HCM, em nhận được 1,8 triệu đồng. Nhận lương, em chạy ngay ra bến xe gửi tiền về quê kịp ngày đưa ngoại đi làm phẫu thuật. Gần 2 tuần sau đó em bị bệnh phải truyền nước vì làm việc quá sức…”, La nhớ lại.
14 tuổi, La phải bươn chải kiếm tiền nuôi 3 miệng ăn, trong đó 2 người bệnh tật đau ốm cần số tiền lớn hằng tháng để chữa chạy. “Nhiều hôm đi trên đường chân em như muốn quỵ xuống vì mệt mỏi và kiệt sức nhưng em tự nhủ, nếu bây giờ mình kiệt sức thì ai lo cho ngoại và cậu”.
Nghỉ việc ở xưởng chả lụa, La được người quen giới thiệu tới giúp việc nhà cho gia đình ông Nguyễn Văn Lý (Q.Tân Bình). Công việc chính của La là đi chợ, nấu cơm, rửa chén, đưa rước 2 đứa cháu nội của ông Lý đi học. Những lúc ông Lý và bà Hồng (vợ ông Lý) đau bệnh cũng do một tay La săn sóc.
Cảm kích từ chữ hiếu
Nhớ lại lúc bị bệnh, bà Hồng nói mà rơm rớm nước mắt: “Lúc tôi bệnh một tay cháu lo cơm nước giặt giũ. Tôi không tự tắm rửa được, cháu nó tắm rửa cho tôi chu đáo không khác gì người thân. Nhìn con bé tận tình tôi thấy thân thuộc như mình vừa tìm được đứa con gái thất lạc nhiều năm nay”.
Có lẽ cũng vì cảm nhận được sự tận tâm ấy mà vợ chồng ông Lý quyết định cho La đi học trở lại tại Trung tâm GDTX, Q.Tân Bình. “Đối với em việc đi học lúc đó giống như một phép màu…”, La nước mắt lưng tròng nói.
“Mấy ngày đầu tiên ông chủ nhà dẫn em đi học để em biết đường. Ông còn mua cho em sách vở, dạy em học tiếng Anh mỗi ngày (ông Lý là giáo viên dạy tiếng Anh – NV)”, La kể. La còn được ông bà chủ tạo điều kiện làm gia sư cho đứa cháu và trả thêm thù lao để La có thêm tiền phụ giúp gia đình. “Chúng tôi thương quý con bé không chỉ vì nó chăm chỉ hiếu học mà còn vì tôi chưa thấy đứa trẻ nào có hiếu với ngoại, với cậu như vậy. Ngoài 4 tiếng đi học ở trường, La chăm chỉ cặm cụi làm việc nhà chẳng khi nào sơ sót. Đặc biệt là con bé rất ham học. Rảnh lúc nào là thấy cầm sách lúc ấy. Hầu như chẳng bao giờ chúng tôi thấy con bé than thở một lời”, ông Lý cho hay.
Lương tháng của La được 2,5 triệu đồng. “Lãnh tiền xong là em đạp xe ra bến gửi ngay về cho ngoại điều trị bệnh”, La nói.
Ông Lý tâm tư: “Mấy năm nay con bé làm việc cật lực để chữa bệnh cho bà giai đoạn cuối. Một mình làm không xuể nên con bé phải vay mượn nhiều. Hồi tháng trước ngoại La mất rồi. Bây giờ con bé mắc nợ hơn 20 triệu đồng và hằng tháng còn phải gửi tiền về quê cho cậu. Thấy con bé mới học lớp 11 mà đã phải gồng gánh nhiều, rất tội”.
Từ lúc lớn lên La chưa từng một lần được ba mẹ dắt đi chơi. 19 năm nay La chưa từng tự mua một bộ quần áo mới, một món đồ gì cho riêng mình. Nhưng với cô bé: “Được như bây giờ em nghĩ rằng mình là người may mắn”
Lam Ngọc