Nhập nhèm chất lượng tôn thép: ‘Cuộc chơi’ không cân sức
Ông Phùng Văn Hiếu (45 tuổi), Giám đốc một công ty chuyên thiết kế, giám sát các công trình dân dụng ở TP.Nha Trang (Khánh Hoà) khẳng định với Thanh Niên, hầu hết các nhà máy cán tôn giá rẻ trên địa bàn hiện nay đều nhập từ Trung Quốc.
Ông Hiếu cho hay, nếu ông chấp nhận dùng loại tôn Trung Quốc (TQ) này cho các công trình, thì lợi nhuận về túi sẽ bằng 1/3 số tiền nhận thầu.
“Không những tôi chỉ phải bỏ tiền mua tôn TQ giá thấp, mà còn được hưởng số tiền vênh từ tôn thiếu dem”, ông Hiếu tiết lộ. Vị giám đốc này cho biết thêm: Tôn chính hiệu trong nước khi xuất khỏi nhà máy thì đều qua máy in tên, thương hiệu sản phẩm, ngày tháng, nơi sản xuất, các chỉ số ISO… Còn tôn TQ giá rẻ thì đều cho nhập nguyên từng cuộn với trọng lượng hàng tấn. Khi về tới nhà máy tư nhân, họ mới dùng máy in, in lên thân tôn tên một thương hiệu nào đó mà họ tự nghĩ ra. Trường hợp khách cực thân quen thì chủ cơ sở sẽ đáp ứng yêu cầu in tên hãng tôn nổi tiếng trong nước lên để làm tôn nhái.
Vẫn theo ông Hiếu, chất lượng tôn không phải phụ thuộc hoàn toàn vào độ dày của tôn mà còn phụ thuộc vào độ dày của nước sơn và chất lượng sơn phủ trên bề mặt tôn. Theo đó, tôn nhập từ TQ thường chỉ được phủ một lớp sơn vô cùng mỏng và chất lượng sơn cũng chỉ ở hạng xoàng. Như dân trong nghề thì chỉ có họ mới biết được một tấn sơn sẽ phủ được bao nhiêu mét tôn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Duy Thanh, Giám đốc Nhà máy cán tôn Long Phát nằm trên đường Phan Đình Phùng (TP.Kon Tum) cho biết, có nghe thông tin tôn TQ nhập vào tỉnh Kon Tum mấy năm nay, nhưng do bán các loại tôn có thương hiệu Việt như tôn Hoa Sen, Phương Nam, Đông Á… nên không quan tâm lắm. Có điều ông Thanh khẳng định, trong vòng hai năm nay, sản lượng tôn của Nhà máy Long Phát bán ra thị trường giảm trên dưới 30% so với năm 2013 trở về trước.
Đại diện một hãng tôn uy tín đạt thương hiệu quốc gia cho hay: Từ khi tôn nhãn hiệu Global Steel giá rẻ xuất hiện trên thị trường tỉnh Kon Tum đã ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng đầu ra của hãng tôn này. Đơn cử như từ năm 2013 trở về trước, nhà máy bán ra thị trường từ 100.000 – 120.000 tấn tôn/tháng, còn 2014 trở lại đây, chỉ bán được 40.000 – 50.000 tấn tôn/tháng.
Qua khảo sát, hầu hết các nhà máy cán tôn tại Kon Tum đều nhập tôn in chữ Global Steel. Loại tôn này giá chỉ bằng khoảng 60% giá tôn của tôn Hoa Sen. Tôn loại này khi chào hàng quảng cáo có độ dày và đảm bảo chất lượng nhưng thực chất thì thường phai màu, độ bền thấp hơn nhiều so với tôn Hoa Sen và các thương hiệu uy tín khác. Theo các chuyên gia, thực chất, tất cả các cơ sở bán tôn nhãn Global Steel đều nhập phôi từ TQ rồi về in nhãn Global Steel.
Phân biệt không khó
Nhân viên kỹ thuật của một hãng tôn uy tín trong nước cho biết: Để phân biệt tôn “xịn” và hàng dỏm cũng không khó, trong đó dễ nhất là đo độ dày hoặc cân ký. Theo đó, chỉ cần cân ký là có thể biết được ngay: thông thường tôn 2,5 dem của một hãng tôn uy tín thì 1 m nặng 2,16 kg, còn tôn hàng nhái, có xuất xứ từ Trung Quốc chỉ nặng khoảng 1,9 kg tức là nhẹ hơn so với tôn chất lượng khoảng 12,1%. Còn tôn 3 dem chất lượng thường nặng 2,61 kg/m, tôn Global Steel chỉ 2,52 kg/m (đơn vị tính tỷ trọng là kg/m).
Trao đổi với phóng viên, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, ông Huỳnh Thơ cho hay, có nghe thông tin hàng tôn có xuất xứ từ TQ xuất hiện trên thị trường Kon Tum. Tuy nhiên, đơn vị chưa nghe các thương hiệu Việt đăng ký kinh doanh tôn trên địa bàn tỉnh phản ánh lại. Ngoài ra, nếu nhìn bằng mắt thường đơn vị cũng không phân biệt được tôn nào chất lượng hay không, mà phải có đối chứng từ các hãng tôn thương hiệu Việt phối hợp. “Hiện chi cục đang có kế hoạch để làm rõ điều này”, ông Huỳnh Thơ cho hay.
Tôn thép Trung Quốc gian lận ảnh hưởng rất xấu đến thép trong nước Tình trạng nhập tôn thép TQ với giá quá rẻ gia tăng rất đột biến. Cả năm 2014, có khoảng 750.000 tấn thì năm nay, 9 tháng đầu năm đã có 1,078 triệu tấn tôn thép TQ nhập vào. Tôn thép VN 9 tháng đầu năm nay cũng chỉ tiêu thụ được 1,6 triệu tấn thì như vậy tôn thép TQ đã chiếm tới hơn 67% thị phần ở VN rồi. Nên nó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các DN sản xuất tôn thép, nhất là các DN tôn thép tập trung ở các tỉnh phía nam. Đây thực sự là cuộc chiến không cân sức vì tôn thép TQ nhập vào với giá quá rẻ, chất lượng kém, lại gian lận nên chiếm lĩnh thị phần. Các DN của VN không tăng được sản lượng, không tăng được doanh thu trong khi giá bán giảm, chi phí tăng mà công suất không khai thác hết được do bị cạnh tranh không lành mạnh như vậy. Đúng là như vậy, hoàn toàn có thể chống được nếu cơ quan quản lý thị trường của ngành công thương hay cơ quan quản lý chất lượng của Bộ Khoa học – Công nghệ tập trung xử lý thì xử lý được hết. Nhất là có chế tài mạnh để răn đe. Nhưng quả thật là việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan, chúng tôi cho là vẫn chưa thật quyết liệt, đồng bộ nên kết quả xử lý cũng chưa mạnh. Chúng tôi không kêu gọi bảo hộ, sẵn sàng cạnh tranh bình thường nhưng trên cơ sở phải rõ ràng, minh bạch về chất lượng, nhãn hiệu chứ cạnh tranh với sản phẩm gian lận về thuế, gian lận chất lượng, nhãn mác thì DN nào cạnh tranh được. Hà Nguyễn (thực hiện) |
Phạm Anh