Huỷ sạch đàn heo nhiễm chất cấm: kẻ chịu, người không, còn bạn?
Cục Chăn nuôi cho rằng nếu các địa phương mạnh dạn tiêu huỷ cả đàn heo ở các trang trại tái phạm sử dụng chất cấm thì các trang trại có sử dụng chất cấm sẽ chùn tay
Huỷ sạch đàn heo nhiễm chất cấm: kẻ chịu, người không, còn bạn?
Cục Chăn nuôi cho rằng nếu các địa phương mạnh dạn tiêu huỷ cả đàn heo ở các trang trại tái phạm sử dụng chất cấm thì các trang trại có sử dụng chất cấm sẽ chùn tay (Tuổi Trẻ ngày 13-11).
Người chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai ký cam kết không sử dụng chất cấm – Ảnh: H.Mi |
Giải pháp tiêu huỷ cả đàn heo có khả thi không? Tuổi Trẻ ghi nhận nhiều ý kiến của chuyên gia, ngành chức năng và người trong cuộc.
* Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN):
Coi chừng đền bù thiệt hại
Biện pháp tiêu huỷ cả đàn heo là khá cực đoan và không dễ thực hiện trong thực tế, bởi các kiểm tra lô heo có chất tạo nạc hiện nay chỉ định tính là có hoặc không với nhiều sai số.
Muốn biết chính xác hơn cần phải lấy mẫu đưa đi phân tích trong các phòng thí nghiệm để ra kết quả định lượng cụ thể hàm lượng chất tạo nạc là bao lâu và mất thời gian.
Chưa thể chỉ vì có kết quả định tính mà tiêu huỷ cả đàn heo được, phải chờ kết quả định lượng. Nhiều phân tích cho thấy kiểm tra định tính có chất tạo nạc nhưng định lượng lại không.
Do đó nếu áp dụng máy móc biện pháp này có thể dẫn đến việc các cơ quan chức năng bị chủ hàng kiện phải đền bù thiệt hại sau đó. Vì vậy, cách răn đe tốt nhất vẫn là đưa hành vi sử dụng chất cấm vào khung xử lý hình sự.
Ông Trần Văn Quang |
* Ông Trần Văn Quang (chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai):
Sẽ khó cho các địa phương
Theo tôi, phương án xử lý tiêu huỷ cả đàn heo ở các trại tái phạm sẽ gây khó khăn cho địa phương. Ở Đông Nam bộ, trang trại nuôi quy mô lớn, số lượng nhiều nên tổ chức tiêu hủy 500-700 con sẽ vô cùng khó khăn cho địa phương.
Hiện nay quy định về chi phí tiêu huỷ chưa rõ ràng. Cách làm này không khéo sẽ gây ra những băn khoăn như chỗ tiêu huỷ ở đâu hoặc lãng phí, ô nhiễm môi trường…
Theo tôi, nếu có quy định xử phạt trên tổng giá trị đàn heo có sử dụng chất cấm sẽ đủ sức răn đe và lan toả. Lúc đó các trang trại thấy bị xử phạt quá nặng sẽ chùn tay và không dám sử dụng chất cấm.
Mặt khác, nếu thấy việc sử dụng chất cấm gây ảnh hưởng đến giống nòi thì có quy định để hình sự hoá và xử lý để răn đe. Xử phạt như hiện nay đã bị trang trại kiện lên kiện xuống. Vì vậy, tôi cho rằng tiêu hủy cả đàn heo lớn là không khả thi.
Ông Lã Văn Kính |
* Ông Lã Văn Kính (viện phó Viện Chăn nuôi, giám đốc Phân viện chăn nuôi Nam bộ):
Tôi ủng hộ tiêu huỷ
Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi kéo dài gần 10 năm qua, giờ đây việc sử dụng chất cấm được phát hiện phổ biến nên đây là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước làm mạnh tay, cứng rắn đối với các trang trại sử dụng chất cấm để lập lại trật tự trong chăn nuôi, bảo vệ người làm ăn chân chính.
Cá nhân tôi ủng hộ việc tiêu huỷ đàn heo tái phạm sử dụng chất cấm. Kinh phí tổ chức tiêu hủy đàn heo bắt chủ trang trại chịu hoàn toàn vì chính họ gây ra. Làm như vậy sẽ răn đe mạnh hơn.
Để chấn chỉnh việc nuôi heo có sử dụng chất cấm, chúng ta cũng cần làm chặt chẽ hơn ở khâu lưu thông thịt ngoài thị trường. Tuyên truyền, phổ biến đến người bán thịt, bắt họ ký cam kết và phải biết họ mua nguồn heo ở đâu để có cơ sở truy xuất nguồn gốc, xử phạt khi phát hiện chất cấm.
Hiện nay hàng xuất khẩu chúng ta truy xuất được nguồn gốc thì làm mạnh thêm khâu lưu thông thịt ra thị trường để chấn chỉnh, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng.
* Ông Nguyễn Tấn Hậu (người chăn nuôi ở xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, Đồng Nai):
Cứ phạt rồi tiêu hủy họ mới sợ
Chính vì không làm quyết liệt nên việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay mới tràn lan như vậy. Khi phát hiện đàn heo có sử dụng chất cấm, cơ quan thú y buộc nuôi cách ly để xem đàn heo có còn tồn dư chất cấm không.
Nhà nước lại không có chuồng nuôi đàn heo của trại vi phạm nên lại giao cho trại vi phạm có trách nhiệm giám sát đàn. Như vậy có ai dám chắc heo đang giám sát tồn dư chất cấm không bị đánh tráo?
Theo tôi, các đàn heo 500 – 1.000 con bị phát hiện sử dụng chất cấm khó có thể nói rằng họ vô ý vì họ phải tổ chức cho ăn chất cấm và biết mình tiêu thụ đàn heo đó ở đâu. Vì vậy, tôi ủng hộ chuyện phát hiện trại nào vi phạm là cứ xử phạt rồi tiêu huỷ luôn, chứ để nuôi cách ly vừa tốn kém vừa khó kiểm soát. Kinh phí tổ chức tiêu hủy phải do chủ trại vi phạm chịu trách nhiệm.
* Ông Nguyễn Xuân Dương (phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT): Đã xử lý hết mức với hành vi hay chưa? Tôi cho rằng những quy định hiện hành trong điều 36 nghị định 119 là đủ sức răn đe với hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm nếu xử lý triệt để theo mức phạt hiện quy định là nông hộ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phạt 5 – 10 triệu đồng, trang trại phạt 10 – 20 triệu đồng, cơ sở sản xuất 70 – 140 triệu đồng. Trường hợp vi phạm lần 2 thì tiêu huỷ toàn bộ vật nuôi của cơ sở chăn nuôi, nếu cơ sở có 1.000 con heo mà tiêu huỷ hết thì sạt nghiệp, nếu tái phạm nghiêm trọng thì Bộ luật hình sự cũng đã có quy định. Rõ ràng mức phạt như vậy đủ sức răn đe. Vấn đề là các cơ quan thực thi đã xử phạt hết mức với hành vi hay chưa. Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng tới làm rõ như thế nào là tái phạm nghiêm trọng để đề xuất với ban soạn thảo dự thảo Luật hình sự sửa đổi. * Ông Phạm Tiến Dũng (trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ NN&PTNT): Nên hình sự hoá hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm Trong quy định về xử lý chất cấm hiện hành, khi phát hiện heo nuôi bằng chất cấm sẽ theo dõi tiếp đến khi nào âm tính với chất cấm thì cho giết mổ. Thực tế chất cấm trong thực phẩm chỉ ở mức tồn dư, tích luỹ lâu dài, di truyền qua các thế hệ, có chết cũng là chết từ từ, không thể định lượng là hậu quả nghiêm trọng ngay sau khi hành vi sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi bị phát hiện. Chất cấm tồn dư trong thịt là tác nhân gây nhiều căn bệnh nguy hiểm. Điều này đã rõ, nhưng các bộ Y tế, Khoa học – công nghệ… cần thêm ý kiến để tiến tới hình sự hóa tội buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó đề nghị không quy định hàm lượng cho phép mà cứ có vết chất cấm là xác định có hành vi. Quy định hiện hành xử phạt hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm là phạt hành chính tới 140 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm, kèm các hành vi bổ sung như tiêu huỷ, thu hồi hoặc đình chỉ hoạt động của cơ sở 1 – 3 tháng. Tuy nhiên, tôi cho rằng với chất cấm nên quy định khi phát hiện thì không cho phép chuyển đổi mục đích mà yêu cầu tiêu huỷ, hàng nhập khẩu có chất cấm phải tái xuất, nếu không thì người sản xuất kinh doanh có thể lợi dụng, tiếp tục đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi, thực phẩm. Những hành vi này, theo tôi, đề nghị chuyển sang nhóm tội hình sự. |
* Ông Trần Quốc Thắng (giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, H.Củ Chi, TP.HCM): Con heo có tội gì mà tiêu hủy? Phải xem công tác quản lý nhà nước đã tuyên truyền, đưa ra hết cách chưa? Con heo có tội gì mà giờ đây quản không được lại đòi mang ra tiêu huỷ? Thế giới có 20 nước đang sử dụng chất tăng trưởng nhưng người ta có biện pháp quản lý để người sử dụng ở liều lượng cho phép giúp heo tăng trưởng và quy định có thời gian để loại thải chất tồn dư. Còn một số trại nuôi heo ở VN bị phát hiện sử dụng quá liều nên đã gây ảnh hưởng đến người nuôi chân chính. Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước phải dùng hết các biện pháp hành chính để vừa tuyên truyền, vừa răn đe mới tính đến việc tiêu huỷ các đàn heo có quy mô lớn. Hầu như địa phương nào cũng nắm được danh sách trại nuôi, vậy phải có người kiểm tra định kỳ, đột xuất và yêu cầu các trại cam kết. Chẳng hạn họ phải cam kết nếu có sử dụng chất cấm thì phải cách ly, bấm tai và ngưng cấp giấy kiểm dịch trong một thời gian… Khi đó trại nào vi phạm, không cấp giấy kiểm dịch thì heo không xuất chuồng được sẽ khiến họ sợ. Cũng cần nói thêm là có trại mua cám của công ty về cho heo ăn đã vô tình “dính” phải chất cấm. Trường hợp họ thật tình là nạn nhân của công ty cám mà chúng ta tiêu huỷ đàn 100 con thôi thì trại họ mất 400 triệu đồng. Chúng ta đủ sức dùng biện pháp hành chính nên tôi thấy không cần phải tiêu huỷ. |