Anh ra giá đòi châu Âu cải tổ
Mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron đã cảnh báo nước này có thể rời Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này không có những cải tổ mà London mong muốn.
Anh ra giá đòi châu Âu cải tổ
Mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron đã cảnh báo nước này có thể rời Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này không có những cải tổ mà London mong muốn.
Thủ tướng Anh David Cameron đòi hỏi một số cải tổ đối với EU để đổi lại việc không rời khối – Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên đó lại là điều mà các lãnh đạo châu Âu cho là khó đáp ứng.
Theo AFP, ông Cameron tự tin rằng có thể đạt được một thoả thuận với EU để đảo ngược cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức vào cuối năm 2017 về việc rời khối mà giới quan sát gọi là “Brexit”.
Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng vận động để Anh rời khối 28 nước thành viên này nếu các yêu cầu của ông không được đáp ứng. Hồi đầu tuần ông đã phát biểu với đám đông: “Đây là một quyết định lớn của đất nước, có lẽ là lớn nhất trong thời đại của chúng ta”.
“Những người rành rẽ đều sẽ nói rằng trong thâm tâm ông David Cameron không hề muốn rời châu Âu vì ông biết rõ điều đó sẽ buộc Anh phải trả giá về kinh tế lẫn tài chính |
Loïc de la Mornais (nhà báo Đài France 3) |
Anh gây khó hay đã dịu giọng?
Phát biểu của ông Cameron được đưa ra sau khi ông gửi một bức thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đưa ra các yêu cầu cải tổ khối EU.
Trong số các yêu cầu này có đề xuất các thành viên mới của EU không được hưởng quyền đi lại tự do trong khối cho đến khi trở nên giàu hơn, cũng như hạn chế phúc lợi xã hội đối với lao động nhập cư từ các nước EU khác trong bốn năm đầu tiên ở Anh.
Tuy nhiên, theo Reuters, các quan chức EU nói yêu cầu của London rằng các công dân EU phải đợi bốn năm mới có phúc lợi ở Anh gây ra quan ngại về phân biệt đối xử giữa các công dân trong khối. Đây là một điều không mấy dễ chịu đối với nhiều nước, nhất là các nước nghèo ở khu vực Đông Âu, nơi người dân đổ dồn sang Anh.
Một người phát ngôn của Uỷ ban châu Âu đã gọi ý tưởng này của ông Cameron là “hết sức khó khăn”. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng “một số yêu cầu là khó khăn, một số yêu cầu khác ít khó khăn hơn” nhưng nhấn mạnh bà khá tự tin về một thoả thuận sẽ đạt được.
Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Olli Rehn cũng kỳ vọng Anh sẽ đạt được một thoả thuận với EU mặc dù một số yêu cầu bị coi là “khó khăn”.
Bộ trưởng Anh về các vấn đề châu Âu David Lidington thừa nhận các quan ngại giữa các nước EU khác về vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ở Anh cáo buộc ông Cameron xuống nước đối với các yêu cầu của mình sau khi ông nói rằng ông “cởi mở với các giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề di dân”.
Nhiều báo Anh cũng miêu tả phát biểu của ông Cameron là một sự nhượng bộ đối với các yêu cầu về lao động EU nhập cư.
Theo AFP, một số nhà phân tích cũng đồng ý điều này. Nhà nghiên cứu John Springford thuộc Trung tâm cải tổ châu Âu nói: “Lá thư gửi EU cho thấy Anh đang tìm kiếm một sự thoả hiệp”.
Quan hệ kiểu mới với EU?
Thủ tướng Anh Cameron cũng muốn có các cải tổ khác về ba vấn đề ít gây tranh cãi hơn. Đó là cải thiện tính cạnh tranh, có sự công bằng hơn giữa các nước thuộc và không thuộc khối đồng euro và các vấn đề về chủ quyền như việc không đặt Anh vào mục tiêu của EU hình thành một liên minh gắn kết.
“Chúng tôi cũng muốn thấy một thoả thuận mới mà trong đó nhóm các nghị viện quốc gia đứng cùng nhau và bác các luật của EU không phù hợp với lợi ích của nước họ” – ông Cameron nói về yêu cầu của Anh.
Lãnh đạo Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farage khẳng định “rõ ràng là ông Cameron không nhắm đến bất cứ cuộc đàm phán thực chất nào”.
“Bài phát biểu của ông ấy là cách để vẽ ra một mối quan hệ kiểu mới với EU chứ không đơn thuần là một đề nghị” – ông Farage nhận định. Kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế, ông Maurice Obstfeld tỏ ra quan ngại về nhiều vấn đề đe dọa sự hội nhập kinh tế của châu Âu, trong đó có khủng hoảng người di cư và việc Anh muốn rời EU.
Bài phát biểu của ông Cameron được đưa ra gần ba năm sau khi ông cam kết tổ chức trưng cầu ý dân về việc có ở lại EU hay không trước sức ép của một số nhân vật trong Đảng Bảo thủ hoài nghi về EU và những nhân vật trong UKIP phản đối EU.
Theo AFP, Chủ tịch Tusk sẽ bắt đầu tham vấn với các nước thành viên EU về đề xuất của Anh trong tuần tới. Tháng 12 này cũng được cho là sẽ có sự căng thẳng tại hội nghị cấp cao châu Âu ở Brussels (Bỉ), nơi các yêu cầu của Anh sẽ được thảo luận.
Tuy nhiên, như Reuters cho biết, ông Cameron kỳ vọng sẽ có diễn biến tốt cho Anh trong hội nghị này.
Rời đi là thua thiệt? Theo Reuters, chủ tịch Công ty tài chính UBS (Thuỵ Sĩ) Axel Weber cho rằng nếu Anh rời EU thì vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu của London sẽ không bị lung lay nhưng việc tiếp cận thị trường sẽ khó khăn hơn. Hiện nhiều ngân hàng quốc tế coi Anh là nơi để tiếp cận thị trường chung châu Âu và là một nơi để bán các sản phẩm và dịch vụ tài chính khắp khu vực này. |