‘Đường mẫu’ phá sản
159 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM được 24 quận, huyện ký cam kết chịu trách nhiệm thực hiện “những tuyến đường mẫu” từ năm 2012. Tuy nhiên, đến nay hầu hết vẫn nhếch nhác.
‘Đường mẫu’ phá sản
159 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM được 24 quận, huyện ký cam kết chịu trách nhiệm thực hiện “những tuyến đường mẫu” từ năm 2012. Tuy nhiên, đến nay hầu hết vẫn nhếch nhác.
Theo kế hoạch xây dựng tuyến đường văn minh – mỹ quan đô thị được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” TP.HCM ban hành, yêu cầu không được phép lấn chiếm vỉa hè để sử dụng vào mục đích khác ngoài việc dành cho người đi bộ… Nhưng, thực tế ghi nhận trên những tuyến đường mẫu thì…
“Cửa hàng di động”
Dọc đường Nguyễn Trãi đoạn từ Nguyễn Văn Cừ về hướng Q.5, cứ tầm 16 giờ là hàng chục “cửa hàng di động” bán mũ bảo hiểm, giỏ xách, quần áo… tràn ra hai bên đường. Đoạn trước cổng Trường đại học Sài Gòn bị chiếm dụng biến thành một khu “chợ” nhỏ.
Tương tự, tại các tuyến đường khu vực quanh Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Q.5, Q.10, Q.11) tình trạng lấn chiếm vỉa hè còn thê thảm hơn. Đường Nguyễn Chí Thanh có hàng loạt tiệm sửa xe, buôn bán phụ tùng xe gắn máy lấn chiếm toàn bộ vỉa hè khiến người đi bộ phải xuống dưới lòng đường. Đường Thuận Kiều, vỉa hè bị chiếm dụng toàn bộ làm bãi giữ xe, quán cà phê, tiệm tạp hoá, xe đẩy bán hàng rong; thậm chí có nhiều bảng hiệu ngang nhiên đặt hẳn dưới lòng đường, không còn chỗ cho người đi bộ.
Đường Trần Hưng Đạo (trước Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình), toàn bộ vỉa hè biến thành bãi giữ xe. Dưới lòng đường, xe taxi, xe hơi dừng đỗ lộn xộn, hàng rong, đồ ăn, quần áo tràn lan. Đường Lý Thường Kiệt đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến ngã tư Lữ Gia – Tô Hiến Thành hai bên với vô số cửa hàng vật liệu xây dựng, sắt thép bày tràn ra vỉa hè. Đoạn bên hông Nhà thi đấu Phú Thọ, từ đường Lữ Gia đến đường 3 Tháng 2, thuộc Q.11, cứ tầm 8 giờ sáng, hàng chục tấm bạt được trải ra bày bán giày dép, ba lô, túi xách… cạnh những xe đẩy bán đồ ăn, rác vứt bừa bãi quanh các bồn cây cảnh dọc vỉa hè.
Tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa (từ Q.Bình Thạnh qua Q.Phú Nhuận, Q.3 và kéo dài đến Q.Tân Bình), cứ 17 giờ là các hàng quán nhậu san sát nhau lấn chiếm vỉa hè, xe gắn máy có nơi dựng hẳn xuống lòng đường. Ăn theo các quán nhậu là hàng rong, hát rong với những dàn loa khủng, mở nhạc rất ồn ào. Chị Nguyễn Thanh Mai, nhà ở đường Trường Sa (Q.3), bức xúc: “Cứ tối mà đi dọc con đường này thì thật khốn khổ, không còn vỉa hè để đi, trong khi xe cộ lưu thông rất đông, rất nguy hiểm”.
Truy trách nhiệm người đứng đầu quận, huyện
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), nhìn nhận: “Công tác chấn chỉnh, lập lại trật tự an toàn trong quản lý, sử dụng vỉa hè của chính quyền quận, huyện, phường, xã chưa tốt, thiếu giải pháp căn cơ dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường trên các tuyến đường mẫu để kinh doanh, mua bán diễn ra ở nhiều nơi với mức độ phổ biến, gây mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị”.
Trong khi đó tại Q.5, sau hơn nửa tháng kiên trì, PV vẫn chỉ nhận được câu trả lời là lãnh đạo UBND Q.5 bận họp và không giải đáp về vấn đề này. Tại Q.10, ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND quận, cho biết: “Nguyên nhân một phần do sự thiếu quyết liệt của lực lượng trật tự đô thị và UBND các phường. Để khắc phục, quận quyết định đưa công tác này vào chỉ tiêu thi đua hằng năm của các đơn vị. Nếu không làm được thì người đứng đầu các đơn vị liên quan sẽ bị truy trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết sau một thời gian thực hiện trật tự lòng lề đường có nhiều tuyến khu vực trung tâm như Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi, Lê Duẩn (Q.1), Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu (Q.3)… có chuyển biến, thông thoáng hơn; nhưng nhìn chung trên toàn địa bàn TP tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, cản trở lưu thông vẫn còn khá phổ biến, gây nhếch nhác.
“Đây là chủ trương lớn của TP. Nếu các quận, huyện không quyết liệt dẫn đến phá sản các tuyến đường kiểu mẫu thì không thể chấp nhận được. Trong thời gian qua, TP cũng đã phê bình nhiều quận, huyện thả nổi trật tự lòng lề đường. TP sẽ tiếp tục truy trách nhiệm chủ tịch UBND quận, huyện lơ là trong vấn đề này”, ông Tín khẳng định.
Kinh nghiệm từ Q.1
Tại Q.1, UBND quận lồng ghép chương trình “đường thông, hè thoáng” với thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Ông Lưu Trung Hoà, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết UBND 10 phường trên địa bàn thực hiện điều tra cơ bản, thống kê lập danh sách từng trường hợp lấn chiếm; trong đó nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh, người thường trú hay tạm trú… để phối hợp giải quyết thoả đáng từng trường hợp, đúng quy định pháp luật, theo từng đối tượng.
Bên cạnh đó, tiến hành sắp xếp mua bán có thời gian trong vạch sơn quy định tại một số tuyến đường không ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho các đối tượng hộ nghèo, nếu vi phạm sẽ kiên quyết giải toả. Để giải quyết tình trạng lấn chiếm, UBND quận giao công an các phường tham mưu UBND phường phối hợp thực hiện chuyển hoá các tuyến đường trên địa bàn và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cảnh sát khu vực.
|
Hải Nam – Tân Phú