Loay hoay tìm truyện cho tranh
Một số hoạ sĩ, nhà nghiên cứu truyện tranh cho rằng truyện tranh VN chỉ mới đạt phần “tranh” mà chưa đầu tư đúng mức cho phần “truyện”, dẫn tới việc chưa lôi cuốn độc giả.
Loay hoay tìm truyện cho tranh
Một số hoạ sĩ, nhà nghiên cứu truyện tranh cho rằng truyện tranh VN chỉ mới đạt phần “tranh” mà chưa đầu tư đúng mức cho phần “truyện”, dẫn tới việc chưa lôi cuốn độc giả.
So với 10 năm trước, truyện tranh VN hiện nay đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về in ấn, kỹ thuật vẽ tranh, cộng với một đội ngũ họa sĩ đông đảo, có tay nghề cao: bộ đôi Thành Phong – Nguyễn Mỹ Anh (Long thần tướng), Kim Khánh (Trạng Quỳnh – Trạng Quỷnh), nhóm B.R.O (Học sinh chân kinh), nhóm Demensional Art (Đất rồng), Lê Linh, Gia Huy, Lê Tài, Bá Hiền (Thần đồng đất Việt), nhóm: Nguyễn Vũ Trung Kiên, Trần Tùng Dương, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Quốc Tùng và Lê Mạnh Cương (Next – bước kế tiếp)… Tuy nhiên nhìn chung hiện nay số đầu sách truyện tranh VN không nhiều, lại quá nghèo nàn về nội dung. Nội dung quanh đi quẩn lại vẫn xoay quanh những nhân vật lịch sử, dã sử, cổ tích mà thiếu những câu chuyện gắn với cuộc sống hiện đại.
Truyện tranh thiếu truyện
Năm 2006, NXB Trẻ đã cho ra đời bộ truyện tranh Bim và những chuyện thần kỳ. Bộ truyện là sự kết hợp hai tên tuổi được ưa thích trong lĩnh vực viết và vẽ cho bạn đọc nhỏ tuổi là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và hoạ sĩ Mai Rừng, được coi là nỗ lực lớn để kéo độc giả đến với truyện tranh Việt. Thạc sĩ – hoạ sĩ Lê Thắng thẳng thắn: “Bim và những chuyện thần kỳ chưa thành công như kỳ vọng, trong khi bộ truyện Dũng sĩ Hesman của tác giả Hùng Lân lại được say mê đón đọc. Bốn tập đầu được hoạ sĩ Hùng Lân phóng tác từ phim hoạt hình Voltron – Defender of the Universe, sau đó ông tự sáng tác thêm 155 tập nữa với nội dung khá hấp dẫn. Nghiền ngẫm, xem truyện tranh của các hoạ sĩ VN nổi tiếng vẽ trước đây, tôi thấy đa phần vẽ đều đẹp, tạo hình chuẩn nhưng do chưa được quan tâm đúng mức đến kịch bản, sự diễn xuất của nhân vật đơn điệu nên truyện tranh thiếu cái hồn tự nhiên, chưa gần gũi với cảm xúc của độc giả”.
Thạc sĩ – designer Quách Hồng Phúc, giảng viên bộ môn kịch bản (Viện Truyện tranh và hoạt hình VN), lý giải nguyên nhân một số bộ truyện tranh VN “hụt hơi”: “Chúng ta vẫn chưa thay đổi tư duy xem trọng cốt truyện mà nghĩ rằng chỉ cần vẽ đẹp là đủ. Vì vậy nhiều truyện tranh ra lò được 2 – 3 tập phải đứt gánh giữa đường vì nội dung quá dở. Hình ảnh là điều thôi thúc đầu tiên khiến người ta chú ý đến một tập truyện nhưng nội dung mới chính là điều quyết định nhất khiến độc giả gắn bó qua nhiều tập truyện”. Hoạ sĩ Trang Đức Huy, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyện tranh cũng đồng tình: “Theo tôi truyện và tranh như hai con thuyền cùng song hành, phải bổ sung cho nhau để tạo ra tác phẩm hay”.
Mò kim đáy biển
Do kịch bản cho truyện tranh có những đặc trưng riêng, mà ở VN số người viết kịch bản truyện tranh chuyên nghiệp cực kỳ hiếm hoi, do đó ông Quách Hồng Phúc ví von: “Tìm kịch bản hay giống mò kim đáy biển. Kịch bản hay sẽ cung cấp ý tưởng, cảm hứng để tạo nên những bức hình không chỉ truyền tải những hình ảnh vui có tính giải trí mà còn là một dạng thông điệp mang tính xã hội cao, từ đó tạo ra tiếng cười sâu sắc”.
Một số nhà xuất bản đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của kịch bản đối với truyện tranh, thế nhưng không dễ để tổ chức khâu này. Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, cho biết: “Năm nay Kim Đồng xuất bản khoảng 10 tác phẩm truyện tranh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa xây dựng được một đội ngũ chuyên nghiệp để viết kịch bản cho truyện tranh, vì ở VN làm được điều này rất khó, nên vẫn phải đặt hàng”.
Sau thành công của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, Công ty Phan Thị đang phối hợp cùng Viện Truyện tranh và hoạt hình VN khởi động dự án truyện tranh trinh thám Phá luật, dự kiến ra mắt vào tháng 3.2016 với sự tham gia của ê kíp hơn 20 người là luật sư, tác giả kịch bản và các hoạ sĩ. Hiện Phan Thị có một bộ phận riêng chuyên viết kịch bản để các hoạ sĩ vẽ truyện tranh, và có lẽ đây là công ty đầu tiên ở VN có sự đầu tư cho bộ phận này.
Sự kết hợp ăn ý
Các bộ truyện tranh nổi tiếng trên thế giới đều có sự kết hợp ăn ý giữa hoạ sĩ sáng tác và tác giả kịch bản. Chẳng hạn truyện tranh Lucky Luke có phần kịch bản của Morris (cũng là hoạ sĩ chính) và René Goscinny. Sau khi Goscinny qua đời năm 1977, các cây bút Bob de Groot, Jean Léturgie, Xavier Fauche tiếp tục viết kịch bản cho sê ri này. Hay bộ truyện tranh Tintin thành công nhờ nét vẽ tài tình của hoạ sĩ kiêm tác giả kịch bản Hergé nhưng không thể phủ nhận công lao của hàng loạt cây bút Bỉ – Pháp đã tạo nên những câu chuyện đầy kịch tính của bộ sách như Bob de Moor, Edgar P.Jacobs, Jacques Martin, Roger Leloup. Loạt truyện Asterix do Albert Uderzo vẽ chính (đến năm 2013 là Didier Conrad) và có sự đóng góp đáng kể về nội dung của René Goscinny, Jean-Yves Ferri. Spirou và Fantasio là sự hợp tác giữa hoạ sĩ Franquin với tác giả kịch bản Greg rồi sau này là Nic Broca (vẽ tranh) và Raoul Cauvin (nội dung) rồi Janry và Philippe Tome.
Đỗ Tuấn
|
Lê Công Sơn