Chưa tinh giản được đã thấy phình ra
Ngày 5-11, Thành uỷ TP.HCM tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nhằm quán triệt và triển khai nghị quyết 39 NQ-TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
ĐẾN NĂM 2021 TINH GIẢN TỐI THIỂU 10% BIÊN CHẾ:
Chưa tinh giản được đã thấy phình ra
Ngày 5-11, Thành uỷ TP.HCM tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nhằm quán triệt và triển khai nghị quyết 39 NQ-TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Võ Văn Thưởng (phải), phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM, trao đổi bên lề hội nghị sáng 5-11 – Ảnh: Duyên Phan |
Chủ trì hội nghị, ông Võ Văn Thưởng – uỷ viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành uỷ TP – đặt vấn đề:
“Tại sao đã có đến 22 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyện tinh giản biên chế mà Bộ Chính trị vẫn phải ra nghị quyết? Tại sao trong tổng kết các nghị quyết của Đảng vẫn hay có một câu: Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu?”.
Riêng nước có tới 3-4 đơn vị
Ông Võ Văn Thưởng nhìn nhận: tinh giản biên chế luôn là việc được nhắc đến thường xuyên, làm nhiều lần, nhiều đợt. Nhưng có một thực tế là cán bộ lãnh đạo ở cơ quan nào cũng ngồi bàn ít nhất vài lần trong nhiệm kỳ về chuyện này nhưng biên chế vẫn không giảm được.
Cũng theo ông Thưởng, trong nhiều năm, việc quản lý biên chế không thống nhất, chỗ này giảm thì chỗ kia lại tăng. Những thực trạng trên khiến câu chuyện tinh giản, sắp xếp lại bộ máy trở thành một vấn đề rất quan trọng và cấp bách.
Về tinh giản, ông Thưởng xác định: “Mục tiêu chính là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và cũng chính là nâng cao năng lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị”.
Đề cập đến quan điểm tinh giản biên chế, ông Thưởng cho rằng tinh giản phải gắn với đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức lãnh đạo của Đảng.
“Chúng ta hay nghe câu: Bao nhiêu người như vầy mà còn làm không hết việc thì giảm người đi làm sao đảm đương nổi? Ở đây phải xem lại trong phân công công việc có chồng lấn nhau không?” – ông Thưởng gợi mở và nêu ví dụ:
“Chúng ta có công ty cấp nước, rồi công ty thoát nước, rồi lại có thêm trung tâm chống ngập, ban quản lý nâng cấp đô thị… Những đơn vị này chức năng có gần nhau không? Có cần phải có nhiều đơn vị như thế không? Chỉ riêng chuyện chống ngập thì ngập trong nội ô là việc của một ông, ngập ở khu vực ven sông lại là việc của một ông khác”.
Ông Thưởng cho rằng trong thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch của Thành ủy TP về tinh giản biên chế, cần phải minh định lại chức năng của các đơn vị, thu gọn đầu mối và giảm bớt khâu trung gian, tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, phải khẳng định Nhà nước chỉ làm những việc mà xã hội, các tổ chức ngoài nhà nước không làm được.
Phải “có vào có ra, có lên có xuống”
Để triển khai tốt nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch của Thành uỷ TP về tinh giản biên chế, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP Võ Văn Thưởng cho rằng cần làm tốt tất cả các khâu trong công tác cán bộ.
“Trước đây, trong chiến lược cán bộ thời kỳ đổi mới có một câu rất nổi tiếng: Cán bộ là phải có vào có ra, có lên có xuống. Nhưng lâu rồi chưa thực hiện được nhiều” – ông Thưởng nói.
Đánh giá công tác nhân sự cho đại hội Đảng bộ vừa qua của TP.HCM là rất cách mạng, thể hiện đúng tinh thần “có vào có ra, có lên có xuống” nhưng ông Thưởng cho rằng cách làm này vẫn chưa được nhân rộng.
Nói về chỉ tiêu từ nay đến năm 2021 phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế, ông Thưởng cho biết biên chế của Bộ Nội vụ giao TP.HCM là khoảng 8.000 biên chế, trong khi thực tế sử dụng biên chế ở TP là trên 13.000 biên chế.
“Bài toán này cần tính toán thật kỹ ở từng cơ quan, đơn vị” – ông Thưởng nói.
Chia sẻ kinh nghiệm tinh giản biên chế ở Quảng Ninh – nhiều trường học sử dụng chung kế toán, thủ quỹ để tiết kiệm nhân sự, ông Thưởng ví dụ:
“Bây giờ ban Đảng nào cũng có người phục vụ trà nước. Bây giờ mỗi lần họp hành ta bỏ khâu rót nước đi. Nước để một nơi, ai muốn uống tự đi lấy. Như vậy chỉ cần một người phục vụ là lo được chuyện này cho tất cả các ban”.
Trở lại câu chuyện của chính Văn phòng Thành uỷ TP.HCM, theo ông Thưởng, Văn phòng Thành uỷ TP hiện có biên chế khoảng 240 người. Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Ngãi chỉ có khoảng 40 người thôi. Nếu theo đúng các quy định về tổ chức bộ máy của các ban Đảng, Văn phòng Thành uỷ TP phải cắt giảm khoảng 65%.
“Đó là chuyện hoàn toàn không đơn giản. Tuy nhiên, nếu kiên trì và quyết tâm thì cũng có cách làm. Vấn đề tinh giản biên chế nói chung, cái gì cố gắng giảm được thì phải giảm. Cái gì không thể giảm được thì mới kiến nghị với cấp trên” – ông Thưởng nhấn mạnh.