29/11/2024

Doanh nghiệp không ‘mặn’ với nhà ở cho người nghèo

Ngày 5.11, Tổng hội Xây dựng VN và Tổng liên đoàn Lao động VN phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Cơ chế chính sách và giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp.

 

Doanh nghiệp không ‘mặn’ với nhà ở cho người nghèo

 

Ngày 5.11, Tổng hội Xây dựng VN và Tổng liên đoàn Lao động VN phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Cơ chế chính sách và giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp.




Bỏ vốn lớn, lãi ít khiến các chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội - Ảnh: Lê QuânBỏ vốn lớn, lãi ít khiến các chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội – Ảnh: Lê Quân
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, quan chức ngành xây dựng đều thừa nhận thực trạng với cách làm như hiện nay tình trạng thiếu nhà ở cho người nghèo ngày càng trầm trọng.
Công nhân, viên chức đều thiếu nhà ở
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, dẫn con số gây giật mình của Tổng liên đoàn Lao động VN và Bộ Xây dựng cho hay, dự báo đến năm 2020 cả nước sẽ cần khoảng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp nhưng hiện nay mới chỉ đáp ứng được hơn 1 vạn căn/năm. Tính trung bình tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% số người lao động có nhà ổn định. Dự báo đến năm 2020 sẽ cần khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở cho 4,2 triệu người. Còn tại khu vực các đô thị đang có khoảng 284.000 hộ đang sống trong nhà ở đơn sơ; số nhà ở dưới 30 m2, đạt dưới 7 m2/người là hơn 1,1 triệu căn hộ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, đại diện Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết, khảo sát mới đây nhất của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2011 cả nước có 1,6 triệu công nhân lao động thì có đến 90% phải thuê nhà dân tự xây; năm 2012 có gần 2 triệu công nhân lao động tại các khu công nghiệp thì 95% phải bỏ chi phí thuê nhà trọ… Những tỉnh có công nhân lao động tập trung nhiều thì tỷ lệ phải thuê nhà dân tự xây rất lớn như Bình Dương (85,5%), Đồng Nai (trên 50%), Quảng Ninh (64,4%)… Chất lượng nhà thuê do người dân tự xây rất thấp, chật hẹp, mật độ xây dựng dày, không đảm bảo an sinh xã hội, điều kiện sống, ảnh hưởng sức khỏe, năng suất lao động. Trong khi đó, trên cả nước hầu như chưa có dự án kinh doanh nhà ở dành riêng cho công nhân nào hoạt động. Đa số chủ doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm đến chỗ ở cho công nhân lao động, chỉ chạy theo lợi nhuận, việc đầu tư nhà ở cho công nhân thường bị bỏ dở, hoặc làm tạm bợ.
Tô điểm thêm cho bức tranh thiếu nhà ở cho người nghèo, TS Tạ Quỳnh Hoa đến từ Khoa Kiến trúc quy hoạch, ĐH Xây dựng dẫn kết quả nghiên cứu khẳng định hiện có ít nhất 70% số hộ gia đình ở Hà Nội (trong đó có 50% số hộ công nhân viên chức thành phố) không có khả năng tích luỹ từ thu nhập tiền lương để mua nhà, xây nhà mới. Dẫn số liệu của Sở TN-MT Hà Nội, TS Hoa cho hay có tới hơn 10.000 hộ gia đình ở Hà Nội đang rất khó khăn về nhà ở, trong khi thành phố mới có giải pháp cho khoảng 30% số này.
Không nêu số liệu cụ thể nhưng tham luận của Sở Xây dựng TP.HCM và TP.Đà Nẵng đều thừa nhận kết quả phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, còn là vấn đề “nóng” luôn phải quan tâm tìm hướng đi…
 
 
Doanh nghiệp không 'mặn' với nhà ở cho người nghèo - ảnh 2
Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được phép hưởng 10% lợi nhuận là mức thấp so với lợi nhuận kỳ vọng của các dự án bất động sản khác. Dự án của mình nhưng lại không được tự quyết định giá bán, giá thuê nhà mà phải theo mức trần mà địa phương quy định khiến DN khó chủ động chiến lược đầu tư
Doanh nghiệp không 'mặn' với nhà ở cho người nghèo - ảnh 3
 
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
 

“Tắc” ở vốn và quỹ đất

Giải thích tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng do cơ chế phát triển chưa phù hợp, quản lý kém nên không thu hút được DN tham gia. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), chỉ ra, dù có nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế sử dụng đất, thuế thu nhập DN, vay vốn ưu đãi… nhưng tiến trình thực hiện và thủ tục hành chính liên quan đến lập, xây dựng dự án còn phức tạp, tốn thời gian khiến các chủ đầu tư không muốn phát triển nhà ở cho người nghèo.
“Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được phép hưởng 10% lợi nhuận là mức thấp so với lợi nhuận kỳ vọng của các dự án bất động sản khác. Dự án của mình nhưng lại không được tự quyết định giá bán, giá thuê nhà mà phải theo mức trần mà địa phương quy định khiến DN khó chủ động chiến lược đầu tư”, ông Đực cho hay. Cũng theo ông này, tình trạng thiếu hụt nhà ở cho người nghèo sẽ còn kéo dài nếu không giải quyết tốt 2 yếu tố vốn và quỹ đất. “Vốn phát triển nhà ở xã hội trên cả nước đến nay chủ yếu vẫn lấy từ ngân sách. Nhưng thực tế, tiền ngân sách dành phát triển cho người nghèo rất hạn chế, không ổn định. Còn về quỹ đất, dù có quy định các dự án phát triển nhà ở thương mại rộng hơn 10 ha phải dành 20% làm nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư chỉ làm đến 80% dự án ở phần thương mại, mang lại lợi nhuận kinh doanh tốt, còn phần làm nhà ở xã hội thì tìm mọi cách trì hoãn thực hiện”, ông Đực nêu.
Ông Trần Ngọc Hùng nêu ý kiến điều 53 của luật Nhà ở 2014 quy định hình thức huy động vốn phát triển nhà ở xã hội là vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn tín dụng đầu tư phát triển… Tuy nhiên, luật lại không quy định cụ thể số lượng vốn ngân sách nhà nước của T.Ư và địa phương dành ra mỗi năm cho phát triển nhà ở xã hội. Do vậy, nguồn vốn này nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào phân bổ của T.Ư và địa phương, gây thiếu ổn định. Ông Hùng kiến nghị, nên nghiên cứu trích % GDP cho việc phát triển nhà ở, trong đó, có nhà ở cho người nghèo.
Hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà
Để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, ông Hùng cho rằng cần xoá bỏ các ưu đãi cho chủ đầu tư hiện nay như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn giảm các loại thuế; vay vốn ngân hàng lãi suất thấp; hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Sau đó nghiên cứu thiết lập phương thức đầu tư nhà ở xã hội hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Nhà nước tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà, không hỗ trợ miễn giảm bất cứ khoản thuế phí nào cho chủ đầu tư. “DN thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội giống như nhà ở thương mại nhưng phải dành tỷ lệ từ 20 – 50% tuỳ theo từng dự án để xây nhà ở giá rẻ với diện tích từ 25 – 45 m2/căn hộ. Vật liệu xây dựng sử dụng thông thường, chất lượng đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Toàn bộ các khoản trước đây ưu đãi cho DN, nay thu lại đưa vào quỹ phát triển nhà ở xã hội để cùng các khoản tài chính khác từ ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người thu nhập thấp theo hình thức vay trả góp trong 20 năm, lãi suất từ 0,5 – 1%”, ông Hùng nói.
Ủng hộ quan điểm hội thương mại hoá nhà ở xã hội, ông Đực cho rằng, gói 30.000 tỉ đồng đang hỗ trợ cho những người mua nhà dưới 1 tỉ đồng. Chỉ có người thu nhập khá trở lên mới mua được nhà ở xấp xỉ 1 tỉ đồng nên không thể nói gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp. Để hỗ trợ nhà ở cho người nghèo thực sự cần đưa ra gói tín dụng mới, có thể chừng 10.000 tỉ đồng hỗ trợ tập trung xây dựng nhà ở cho thuê, thuê mua với các căn hộ tổng giá trị chỉ khoảng 200 – 300 triệu đồng/căn.
Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị, sau khi hết thời hạn triển khai gói 30.000 tỉ đồng vào giữa năm 2016, cần duy trì thêm gói này ít nhất từ 2 – 5 năm với mức lãi suất hạ xuống 3 -dưới 5%.
Nhiều chuyên gia ở hội thảo cùng chung quan điểm các cơ quan chức năng phải giám sát chặt việc thực hiện nghiêm quy hoạch dành 20% quỹ đất của dự án trên 10 ha làm nhà ở xã hội, không để chủ đầu tư chây ỳ. Tại TP.Hà Nội, dù đã ban hành Nghị quyết dành 25% quỹ đất dự án trên 10 ha làm nhà ở xã hội nhưng vẫn cần dành quỹ đất khi tái thiết nhà chung cư cũ, di dời cơ quan hành chính nhà nước, nhà máy ra khỏi nội thành để làm nhà ở xã hội, giá bán có thể từ 15-20 triệu đồng/m2.

Lê Quân