29/11/2024

‘Mở kho’ sách quý đất Sài Gòn

Hơn 20.000 bản sách cũ, quý hiếm, thậm chí có cuốn tuổi đời hơn 100 năm, sẽ được trưng bày tại số 4 Phạm Ngọc Thạch (Q.1, TP.HCM) từ 6 – 8.11 để bạn đọc thưởng lãm.

 

‘Mở kho’ sách quý đất Sài Gòn

 

 

Hơn 20.000 bản sách cũ, quý hiếm, thậm chí có cuốn tuổi đời hơn 100 năm, sẽ được trưng bày tại số 4 Phạm Ngọc Thạch (Q.1, TP.HCM) từ 6 – 8.11 để bạn đọc thưởng lãm.



Hai tư liệu quý Bản lưu sớ đại thần nhà Nguyễn và quyển Khâm định Việt Sử thông giám cương mục chính biên - Ảnh: Quỳnh TrânHai tư liệu quý Bản lưu sớ đại thần nhà Nguyễn và quyển Khâm định Việt Sử thông giám cương mục chính biên – Ảnh: Quỳnh Trân
Số sách trưng bày tại Ngày hội sách cũ TP.HCM 2015 do Nhà văn hoá Thanh Niên và Công ty CP sách Alpha (Alpha books) lần đầu tổ chức. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc Alpha books, nói: “Ngày hội là cơ hội để độc giả gặp lại những cuốn sách của thời bao cấp, tạp chí, báo xưa và cả sách thời Liên Xô (cũ). Đặc biệt, rất nhiều tác phẩm cũ, quý hiếm xuất bản từ vài chục năm về trước, thậm chí hơn 100 năm được trưng bày: La Cochinchine (phiên bản hình ảnh, ấn bản số 319/400), bộ Đại Nam Quốc âm tự vị (1896, 2 cuốn), Kim Vân Kiều (bản tiếng Pháp, 1926,), Hàn Phi Tử (tác giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, bản thảo viết tay), Chinh phụ ngâm (bản tiếng Pháp của Bùi Văn Lăng chuyển ngữ năm 1943), bộ sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi, có chữ ký của tác giả, 1970), bộ Phổ thông Bán Nguyệt san, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết Nam Kỳ (loại nhỏ, 3 xu), Nam Kỳ tuần báo, Tạp chí Tri Tân… Hy vọng rằng, người Sài Gòn mê sách có dịp săn tìm những cuốn sách hay để bổ sung cho tủ sách gia đình và những bộ sưu tập sách cũ”.
Những cuốn sách “có tiền không chắc mua được”
Để có trên tay Bản lưu sớ đại thần nhà Nguyễn (bằng chữ Nôm của các quan: Trương Đăng Quế, Trương Minh Giảng và Võ Xuân Cẩn, có thủ bút của vua Tự Đức và Minh Mạng) và quyển Khâm định Việt Sử thông giám cương mục chính biên (Quốc sử quán triều Tự Đức, bản chép gốc có sửa chữa của quan Tổng tài và bút phê của vua Tự Đức), anh Hoàng Minh (Công ty sách Alpha) đã lặn lội về H.Cai Lậy (Tiền Giang) gặp nhà sưu tập Trương Ngọc Tường năn nỉ… mượn mang về cho người Sài Gòn thưởng lãm.
Ông Trương Ngọc Tường cho biết: “Là người nghiên cứu lịch sử nên tôi rất thích truy lùng những tác phẩm viết về lĩnh vực này. Hồi trước, có lần lên Sài Gòn, tôi với nhà văn Sơn Nam đi tìm mua sách cũ gặp cuốn Khâm định Việt Sử thông giám cương mục chính biên mừng như bắt được vàng. Còn Bản lưu sớ đại thần nhà Nguyễn thì tôi mua ở Tiền Giang. Bây giờ có tiền cũng chưa chắc có những loại sách quý này đâu”.
Sáng 4.11, nhà nghiên cứu có sách viết về văn hóa Kiều nhiều nhất VN Phạm Đan Quế (ở đường Nguyễn Lương Bằng, Q.7, TP.HCM), từng được 4 lần xác lập kỷ lục VN, quyết định “mở tủ” gửi đến hội sách 4 cuốn: Thư mục về Nguyễn Du (của Lê Ngọc Trụ – Bửu Cầm biên soạn xuất bản năm 1965), Kim Vân Kiều Thanh Tâm tài tử (bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm xuất bản 1971), Kim Vân Kiều (Bùi Khánh Diễn chú thích, NXB Sống Mới 1960), Kim túy tình từ (Nguyễn Du) xuất bản năm 1972. Ông Phạm Đan Quế tâm sự: “Có nhiều cuộc gặp cho những người mê sách ở Sài Gòn như thế này tôi thấy vui lắm. Ngày trước, vì mê Kiều mà sách nào viết về Kiều là tôi mua ngay để bây giờ viết được tới 20 tác phẩm. Nếu biết trân trọng sách, sách cho mình kiến thức, mình sẽ có tất cả”.
Tiếp nối thú chơi công phu
Nói đến giới chơi sách ở Sài Gòn, người đầu tiên phải nhắc tới là cụ Vương Hồng Sển. Cụ có nguyên một tác phẩm Thú chơi sách, nói về sở thích đặc biệt của mình.
Một số tác phẩm quý sẽ có mặt tại hội sách

Một số tác phẩm quý sẽ có mặt tại hội sách

Trong lời tựa Hơn nửa đời hư, cụ cho biết ham mê đọc sách từ nhỏ và ưu ái gọi “sách là bạn cố tri trung thành”. Luôn xem cuốn sách là của riêng mình “y như vợ nhà, và nếu thuở nay không đời nào ai cho mượn vợ, thì xin các bạn hiểu giùm vì sao tôi ít cho mượn sách”, cụ đồng thời cũng “không bao giờ hỏi mượn sách của ai cả”, vì sách mượn rồi phải đọc hối hả để mau trả, mà đọc hối hả thì mất thú. Khi nào phát hiện được một cuốn sách hay thì giá nào cụ cũng phải mua bằng được để mỗi lúc đọc đến đoạn cao trào nào lại ghi bên lề trang sách những cảm tưởng nhất thời. Chính vì thế đến khi mất, gia tài lớn của cụ để lại cho đời sau là cả một “kho báu” về sách cũ, hiện do nhà nước tạm thời quản lý.
Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa, do Sài Gòn tập trung dân di cư đông, nhất là đội ngũ trí thức chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây và là nơi hội tụ của nhiều nền văn hoá, nên người dân có thói quen đọc sách, rồi mê… sách cũ từ trước thời cụ Vương Hồng Sển. Chưa kể, người dân Sài Gòn xưa có thói quen đọc sách báo rồi để dành, sưu tầm, lâu ngày trở thành nghề luôn.
Nhà thơ Lê Minh Quốc (Báo Phụ Nữ TP.HCM) cho rằng: “Chơi sách báo như một cái duyên vậy. Tôi yêu sách từ nhỏ, đến lúc sinh viên dành dụm được đồng học bổng, nhuận bút nào là ra đường Nguyễn Thị Minh Khai mua sách. Thói quen đó vẫn còn giữ cho đến ngày nay. Nhờ vậy mà nhiều bộ sách giáo khoa xuất bản 1914, 1916, báo, tạp chí trước 1975 tôi sưu tập được khá nhiều”.
Linh mục Nguyễn Hữu Triết (Q.Tân Bình, TP.HCM) còn có bộ sưu tập 30 bản Kiều chữ Nôm quý, 170 đầu sách Kiều bằng nhiều thứ tiếng và 700 cuốn sách nghiên cứu, 1.000 bài báo viết về truyện Kiều từ xưa đến nay cùng 3 bản cổ Lục Vân Tiênđược in vào các năm 1864, 1867, 1883, 1885.
Hiện nay, tại TP.HCM đã xuất hiện một số nhà sưu tầm sách báo cũ có tên tuổi trong giới như Vũ Hà Tuệ, Hoàng Minh, linh mục Nguyễn Hữu Triết, nhà báo Trần Nhật Vy…
Tại Ngày hội sách cũ TP.HCM 2015, ban tổ chức còn bán một số tác phẩm: Kim Vân Kiều (Nguyễn Du, 1951, gồm 6 phụ bản), Trên Giốc vật chất (Lê Văn Trương, giấy dó, 1943), Sử ký Tư Mã Thiên (Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Lá Bối, 1972).
Ngoài ra, độc giả còn giao lưu với nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà sưu tầm Trần Nhật Vy, MC Quỳnh Hương, các nhà văn: Phong Việt, Tiểu Quyên. Được biết, tính đến chiều tối 4.11, Kim Vân Kiều của Nguyễn Du đã được bán với giá 10,2 triệu đồng, bộ Các Mác tư bản (5 tập) bán 4 triệu đồng.

 

Lê Công Sơn