Nhức nhối nạn lừa xuất khẩu lao động
Không ít người chọn con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ) để mong thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người đã vỡ mộng, ôm nợ vì tiền mất mà ngày được XKLĐ chẳng ai biết rõ là ngày nào.
Nhức nhối nạn lừa xuất khẩu lao động
Không ít người chọn con đường xuất khẩu lao động (XKLĐ) để mong thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người đã vỡ mộng, ôm nợ vì tiền mất mà ngày được XKLĐ chẳng ai biết rõ là ngày nào.
Không được đi XKLĐ, cả trăm học viên kéo đến Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản đòi lại tiền và hồ sơ. Đến nay, họ vẫn chưa được giải quyết triệt để – Ảnh: Quang Phương |
Chị V.T.M.H. (quê Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết tháng 11-2014 đã đóng cho “cò” tên Vũ Thị Vân (Q.Tân Bình, TP.HCM) 42,45 triệu đồng.
Giấy viết tay ghi rõ: “Tôi (tức bà Vân – PV) nhận số tiền này đảm bảo cho V.T.M.H. được đi Nhật từ 4 – 6 tháng. Nếu không đi được Nhật sẽ hoàn lại cho em”.
Sau đó, chị M.H. được giới thiệu tới Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (Q.Thủ Đức, gọi tắt là TTĐT&PTNNLNB, thuộc Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom, gọi tắt là Công ty Vietcom) đóng tiếp 2.800 USD và 12 triệu đồng tiền học tiếng Nhật.
Thế nhưng nhiều tháng nay chị vẫn không được đi XKLĐ. Chị cho hay: “Đó là tiền tôi vay ngân hàng, mỗi tháng phải đóng 4 triệu tiền lãi. Giờ không đi XKLĐ được nên đành ôm cục nợ”.
Tương tự, chị T.T.L.K. (quê Tây Ninh) cho biết tháng 10-2014 chị và chồng đã đóng cho văn phòng đại diện Công ty cổ phần Atlantic (H.Củ Chi) tổng cộng 5.600 USD, sau đó đóng tiếp cho TTĐT&PTNNLNB 24 triệu đồng tiền học tiếng Nhật nhưng đến nay vẫn không được đi Nhật.
“Chúng tôi mong muốn được đi Nhật lao động, vươn lên trong cuộc sống, vậy mà giờ bị lừa thế này” – chị K. bức xúc. Theo tìm hiểu, tại TTĐT&PTNNLNB hiện có 150 học viên đang rơi vào tình trạng giống như chị H., vợ chồng chị K.. Trung tâm này thông qua các đầu nguồn như bà Vũ Thị Vân, văn phòng đại diện Công ty cổ phần Atlantic…
Trong khi đó, chị N.T.P. (Tây Ninh), học viên của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển Việt Nhật Vinh Ron (gọi tắt: Công ty Vinh Ron), Q.Tân Bình, cho biết đã đóng cho công ty 1.500 USD vào ngày 4-12-2014.
Trong biên nhận thu tiền ghi rõ: “Sau thời gian học chương trình tiếng Nhật và học nghề (trong vòng sáu tháng), nếu bên B (bên đóng tiền – PV) không có được visa nhập cảnh vào Nhật Bản như phía công ty đã phổ biến khi phỏng vấn thì bên A (Công ty Vinh Ron – PV) sẽ hoàn trả số tiền cho bên B”.
Sau khi đóng tiền, P. bắt đầu học tiếng Nhật tại công ty. Đến ngày 17-4-2015, P. tiếp tục đóng cho công ty 1.000 USD. Lần này trong biên nhận tiền lại nâng thời gian “chờ đợi” cấp visa lên một năm. Thấy khả nghi, P. xin rút lại tiền, công ty bảo về chờ đợi. “Ngoài số tiền 2.500 USD, công ty còn giữ bản chính bằng tốt nghiệp THPT của tôi” – P. nói.
Trong khi đó, N.T.N., quê Bến Tre, cho biết từ tháng 10-2014 đã đóng cho công ty này tổng cộng 2.500 USD và công ty đang tạm giữ của N. một bằng ĐH, một bằng CĐ, hai chứng chỉ nghề về công nghệ thông tin, tất cả đều bản gốc.
Theo tìm hiểu, hiện có khoảng 100 học viên đã đóng tiền cho Công ty Vinh Ron và bị giam giấy tờ, bằng cấp. Mới đây ngày 10-10, các học viên lại tập trung về trụ sở công ty đòi lại tiền, giấy tờ gốc nhưng bất thành. Công ty tiếp tục lùi thời hạn trả tiền, hồ sơ đến ngày 30-11.
Tương tự, vụ việc tại TTĐT& PTNNLNB, từ tháng 8-2015 các học viên đã nhiều lần phản đối. Đỉnh điểm cuối tháng 9, họ tập trung đến trung tâm yêu cầu trả lại tiền và hồ sơ, lãnh đạo trung tâm cam kết ngày 20-10 sẽ trả.
Sau khi làm việc với ông Lê Văn Quyền, tổng giám đốc Công ty Vietcom, thì đến nay mới chỉ có 28 học viên được nhận lại 20 triệu đồng tiền đặt cọc/người. Riêng số tiền 12 triệu đồng học tiếng Nhật, công ty không trả. Các học viên khác đóng tiền ở các đầu nguồn đều không được công ty giải quyết.
Được biết hiện Công ty Vietcom đã bị Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phạt số tiền hơn 200 triệu đồng về vi phạm để chi nhánh công ty tự thu tiền, tuyển dụng trực tiếp lao động, liên kết với các công ty bên ngoài, “cò” thu tiền của học viên, đình chỉ hoạt động của Công ty Vietcom trong ba tháng để khắc phục hậu quả.
Người lao động cần lưu ý điều gì? “Các công ty XKLĐ chủ động tự tạo nguồn trước rồi mới tìm đầu ra diễn ra khá phổ biến, và khi đầu ra ít hoặc không tìm được thì nguy cơ người lao động không được đi XKLĐ đúng hẹn là đương nhiên. Người lao động nên đến các cơ quan chính thống để tìm hiểu thông tin như Sở LĐ-TB&XH, trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh, hoặc tham khảo danh sách các công ty được phép XKLĐ, thị trường lao động các nước tại trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước www.dolab.gov.vn, hay trang web: www.hotrolaodongngoainuoc.org”. “Công ty nào thu nhiều tiền trước là công ty làm ăn không chắc chắn nên mới thu tiền người lao động để giữ chân họ. Các chi phí mà công ty thu phải có biên nhận, không phải giấy viết tay. Hãy xem họ có công khai giấy phép XKLĐ do Bộ LĐ-TB&XH cấp hay không. Nếu là chi nhánh thì phải có giấy phép XKLĐ của bộ cấp cho công ty “mẹ”, giấy uỷ quyền của công ty “mẹ” uỷ quyền cho chi nhánh, nội dung phải có uỷ quyền cho chi nhánh được phép hoạt động về XKLĐ”. “Khi người lao động đến họ được tư vấn rõ chuẩn bị những thủ tục gì, thời gian nào đóng loại phí gì đều có trình tự rõ. Không có kiểu mới vào là bắt đóng vài chục triệu đồng liền, như thế là có dấu hiệu mờ ám”. |