28/11/2024

Việt Nam theo sát vụ kiện Biển Đông

Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ Philippines kiện Trung Quốc, đồng thời bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền, lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông.

 

Việt Nam theo sát vụ kiện Biển Đông

 

 

Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ Philippines kiện Trung Quốc, đồng thời bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền, lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông.




Phiên tranh tụng về thẩm quyền xét xử của Tòa trọng tài đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc hồi tháng 7 - Ảnh: P.C.APhiên tranh tụng về thẩm quyền xét xử của Toà trọng tài đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc hồi tháng 7 – Ảnh: P.C.A
Đây là khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm qua (31.10) khi trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước việc ngày 29.10 Toà trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, đã ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền và Tuyên bố ngày 30.10 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ phán quyết trên.
Trong tuyên bố của Trung Quốc, nước này tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo tại Biển Đông cũng như các quyền lợi của Trung Quốc hình thành trong lịch sử tại Biển Đông. Trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã tiếp tục tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ông Lê Hải Bình, là quốc gia ven biển ở Biển Đông và là thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với công ước.
Về vụ kiện của Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam đã nhiều lần thể hiện quan điểm của mình, đặc biệt là trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi PCA ngày 5.12.2014. “Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hoà bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình cho biết.
Liên quan đến vụ kiện nói trên, Trưởng nhóm luật sư biện hộ cho Philippines Paul Reichler ngày 30.10 cho biết phán quyết cuối cùng có thể được đưa ra vào tháng 6.2016, theo Reuters. Ông Reichler cũng gọi phán quyết mới đây của PCA là “chiến thắng lớn”, dù Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không công nhận và tham gia vụ kiện.
Luật sư người Mỹ dự đoán phiên tranh tụng kế tiếp về nội dung những kiến nghị của Philippines diễn ra cuối năm nay. Phiên toà sẽ không công khai cho công chúng. Tuy nhiên, cũng như phiên tranh tụng đầu tiên hồi tháng 7 về thẩm quyền xét xử vụ kiện, và sau khi tìm hiểu quan điểm của các bên, toà sẽ xem xét đề nghị của những nước liên quan gửi phái đoàn đến dự phiên toà với tư cách là quan sát viên. Những quốc gia đã gửi quan sát viên tới phiên toà lần thứ nhất, gồm có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản, sẽ được thông báo ngày diễn ra phiên tòa kế tiếp.
Quan điểm của Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam được nêu trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Toà trọng tài ngày 5.12.2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã tóm lược các quan điểm chính của Việt Nam trong tuyên bố này.
Theo đó, Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ước bằng các biện pháp hoà bình.
Trong tuyên bố, Việt Nam cũng bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo công ước.
Việt Nam đồng thời mong muốn toà giải thích và áp dụng các quy định liên quan của công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.
Việt Nam cũng đề nghị toà đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.
Trường Sơn

Hạm đội Nam Hải liên tục tập trận
Sau khi Mỹ đưa khu trục hạm USS Lassen áp sát đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp trong quần đảo Trường Sa ngày 27.10, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận tác chiến trên biển lẫn trên không ở Biển Đông.
Cụ thể, PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, hôm 30.10 đưa tin trong ngày 28.10, đội tàu hộ vệ và tàu khu trục của Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật.
Đến ngày 30.10, tới lượt đơn vị không quân thuộc Hạm đội Nam Hải tổ chức tập trận tác chiến ở Biển Đông với sự tham gia của 3 đội chiến đấu cơ hiện đại. Theo Hãng CNA ở Đài Loan, các hình ảnh được công bố về cuộc tập trận cho thấy các chiến đấu cơ J-15 đã được triển khai đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.

Trường Sơn – Văn Khoa