28/11/2024

Đừng đi lòng vòng, tốn công sức

Các nước công nghiệp phát triển đã đi từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp phát triển và sau đó bước vào kinh tế tri thức. Việt Nam có chuyển hướng?

 CÁC LỢI THẾ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM – KỲ 2:

Đừng đi lòng vòng, tốn công sức

 

Các nước công nghiệp phát triển đã đi từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp phát triển và sau đó bước vào kinh tế tri thức. Việt Nam có chuyển hướng?




Lĩnh vực công nghệ thông tin cần rất nhiều lao động kỹ thuật cao. Trong ảnh: sinh viên khoa công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG, TP.HCM) thực hành trên máy tính - Ảnh: Như Hùng
Lĩnh vực công nghệ thông tin cần rất nhiều lao động kỹ thuật cao. Trong ảnh: sinh viên khoa công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG, TP.HCM) thực hành trên máy tính – Ảnh: Như Hùng

Nhìn lại quá trình phát triển của thế giới mấy thế kỷ qua cho thấy loài người đã chuyển từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp dựa vào công cụ lao động chủ yếu là máy móc.

Hiện tại thế giới đang chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh hậu công nghiệp dựa vào công cụ lao động chủ yếu là máy vi tính. Xu hướng này còn đang phát triển rất xa nữa và sẽ tạo ra nhiều điều kỳ diệu nữa.

Lâu nay chúng ta hay nói về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, và không ít lúng túng trong thực tế. Việc lựa chọn đúng các ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành và tích cực thực hiện nó là loại việc quan trọng hàng đầu trong tái cơ cấu nền kinh tế nước nhà

Chọn con đường ngắn và nhanh nhất

Trước đây, mỗi lần có bước nhảy vọt của nền văn minh thường gắn với những tiến bộ về công cụ lao động là phương tiện vật chất. Riêng công cụ máy vi tính lại gắn kết chặt chẽ với nguồn lực phi vật chất (như thông tin, tri thức, dữ liệu…), đó là nguồn chất xám – nguồn lực đã làm cho con người trở thành chúa tể của muôn loài, nhân lên khả năng lan tỏa với tốc độ cực nhanh (có người gọi là tốc độ “ánh sáng”).

Các nước công nghiệp phát triển đã đi từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp phát triển và sau đó bước vào kinh tế tri thức. Nếu nước ta đi theo con đường và tuần tự ấy thì mãi chậm hơn, lạc hậu hơn và gặp muôn vàn khó khăn.

Cho nên phải đi tắt đón đầu – chọn con đường ngắn và nhanh nhất. Công nghiệp phần mềm sẽ giúp đưa nước ta tiến thẳng vào nền kinh tế tri thức. Trong quá trình tin học hoá, gia công phần mềm, chúng ta sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hiện đại. Các hợp đồng thực hiện phần mềm thường từ các nước và các ngành phát triển nhất, từ các tập đoàn hàng đầu thế giới, vì vậy tri thức và công nghệ ta thu được cũng là hiện đại nhất (1). Việc cập nhật và tích lũy tri thức này sẽ nhanh chóng nâng cao, hiện đại hoá vốn tri thức và công nghệ của nước ta.

Qua khảo sát thực tế ở các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT – phần mềm và dịch vụ) cho thấy lĩnh vực này có giá trị gia tăng cao, vốn đầu tư không quá lớn, việc chuẩn bị mặt bằng không khó lắm, thị trường còn rộng lớn, đầu ra rất nhiều, sử dụng nhiều lao động, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng rất phù hợp phát triển lĩnh vực này, việc đào tạo lao động có tay nghề hoàn toàn có thể thực hiện được.

Công nghiệp phần mềm sử dụng năng lượng ít, để khỏi phải làm những nhà máy điện hạt nhân vừa mất rất nhiều tiền lại vừa nguy hiểm cho dân tộc, không có lợi cho độc lập của quốc gia.

CNTT còn tác động lan tỏa sang tất cả các ngành khác, hiện đại hoá, nâng cao năng suất và hiệu quả của các ngành ấy. Theo dự báo của Hiệp hội Phần mềm Việt Nam và Tập đoàn FPT, năm 2020 ở nước ta cần 1 triệu lao động và sẽ thiếu khoảng 400.000 lao động kỹ thuật, đó là chưa tính khi tập trung phát triển mạnh hơn nữa thì lĩnh vực này sẽ cần đến nhiều triệu lao động.

Các ngành công nghiệp khác phải sử dụng nguồn tài nguyên vật chất, mà tài nguyên vật chất thì có giới hạn và nước ta cũng không phải giàu có lắm về tài nguyên, tất cả rồi sẽ cạn kiệt.

Riêng công nghiệp phần mềm sử dụng chủ yếu là tài nguyên chất xám – loại tài nguyên mà khi sử dụng không mất đi, không giảm xuống, lại còn tăng thêm, cho nên nó trở thành nguồn tài nguyên vô tận, ta vừa được kinh tế vừa được con người – yếu tố quyết định cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước, đồng thời con người cũng là mục tiêu quan trọng nhất của sự phát triển.

Khi sử dụng nguồn tài nguyên chất xám của con người Việt Nam cũng có nghĩa là dựa chính vào nội lực. Mà nội lực mới là sức mạnh chủ động và to lớn, còn ngoại lực bao giờ cũng có giới hạn và bị động, có khi phụ thuộc.

Để bảo đảm thành công của chương trình công nghiệp phần mềm phải nhận thức cho được tầm quan trọng của vấn đề, tập trung hành động, giải quyết chính sách, tổ chức tiếp cận thị trường, đặc biệt là gấp rút chuẩn bị đội ngũ lập trình viên có trình độ quốc tế, đưa các trường đại học và cao đẳng tham gia vào sản xuất phần mềm, vừa tạo phát triển kinh tế vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – điều mà cuộc đổi mới giáo dục đang yêu cầu.

Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Trước đây, trong thời kỳ đại công nghiệp cơ khí, các nước công nghiệp hóa phổ biến phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản. Nay đang chuyển sang thời đại hậu công nghiệp, kinh tế tri thức, mà thế giới lại hội nhập, thị trường chung toàn cầu, ngoại thương và nội thương nhích lại gần nhau và có khả năng một ngày kia sẽ hợp nhất lại, nước này có sản phẩm công nghiệp thì nước kia cũng sẽ có.

Nước ta hoàn toàn có thể sử dụng sản phẩm công nghiệp của thế giới mà không cần phải tự mình sản xuất ra tất cả mọi thứ, trừ một ít công nghiệp phục vụ trực tiếp cho quốc phòng. Lựa chọn công nghiệp phụ trợ là hướng đúng. Cần cụ thể hóa rõ hơn, xem thử Việt Nam ta nên chọn công nghiệp phụ trợ gì để có hiệu quả, có thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và có tác động trực tiếp “phụ trợ” cho các ngành khác của Việt Nam phát triển.

Công nghiệp phụ trợ thường đi với các ngành khác dù có thể không nằm cạnh nhau. Việt Nam ta phát triển công nghiệp phụ trợ trên cơ sở có sự phân công lao động quốc tế của các tập đoàn lớn đa quốc gia.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nền nông nghiệp công nghệ cao, cho ngành du lịch và công nghiệp phần mềm cần được quan tâm khi tính đến các ngành công nghiệp “phụ trợ”.

Trong cụm từ “cơ cấu kinh tế” thì “cơ” là mối quan hệ hữu cơ của các bộ phận cấu thành nền kinh tế. Không phải cứ nằm cạnh nhau trên một lãnh thổ là có cơ cấu.

Chỉ khi nào các ngành ấy có quan hệ hữu cơ, tác động qua lại, thúc đẩy lẫn nhau thì khi ấy mới có một cơ cấu kinh tế tốt. Chính công nghiệp phụ trợ sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong hình thành quan hệ cơ cấu ngành, ngoài việc nó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của nền công nghiệp thế giới.

Để đất nước có thể phát triển tốt, tất nhiên còn nhiều việc phải bàn kỹ như chiến lược năng lượng, quy hoạch hạ tầng, vấn đề nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, hệ thống tài chính ngân hàng, cách quản trị quốc gia… nhưng việc lựa chọn cơ cấu ngành trong chiến lược kinh tế là hết sức quan trọng để không đi lòng vòng, tốn công sức, có thể tiến nhanh và hiệu quả.

Lợi thế đặc thù về vị trí địa kinh tế

Ngoài bốn ưu tiên: du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ thông tin (sản xuất phần mềm và dịch vụ) và một số ngành công nghiệp phụ trợ, cần lưu ý một vấn đề khác nữa. Đó là lợi thế đặc thù của Việt Nam thuộc về vị trí địa kinh tế: nằm dưới ngã tư của các đường bay quốc tế và trên hành lang của đường hàng hải quốc tế Đông – Tây và Bắc – Nam.

Chúng ta cần có chiến lược để phát triển thành đầu mối giao thông và giao lưu kinh tế quốc tế. Việc này sẽ tạo ra tác động lớn thúc đẩy nhiều ngành kinh tế phát triển và cũng làm cho vị thế của Việt Nam tăng lên, các nước lân cận cũng cần đến các đầu mối giao thông và giao lưu ấy trong quá trình hội nhập, hợp tác, liên kết, tác động và phụ thuộc lẫn nhau do lợi thế của mỗi bên.

Nhìn lại lịch sử phát triển của thế giới và của Việt Nam cho thấy những nơi phát triển nhất đều có liên quan trực tiếp đến các đầu mối giao thông và giao lưu kinh tế.

__________

 

TS VŨ NGỌC HOÀNG