28/11/2024

Ngày và đêm ở căn cứ “hổ mang chúa”

Nhận lệnh cho phép cất cánh, biên đội 2 chiến đấu cơ Su-30MK2 – loại máy bay tiêm kích đa năng siêu âm được mệnh danh “hổ mang chúa” – liền nhanh chóng lấy đà, lao vút lên trời.

 

Ngày và đêm ở căn cứ “hổ mang chúa”

 

Nhận lệnh cho phép cất cánh, biên đội 2 chiến đấu cơ Su-30MK2 – loại máy bay tiêm kích đa năng siêu âm được mệnh danh “hổ mang chúa” – liền nhanh chóng lấy đà, lao vút lên trời.




Đại tá Trần Văn Dũng - trung đoàn trưởng trung đoàn 935 - ngồi phía sau để bay kèm cho một phi công trẻ - Ảnh: Thuận Thắng
Đại tá Trần Văn Dũng – trung đoàn trưởng trung đoàn 935 – ngồi phía sau để bay kèm cho một phi công trẻ – Ảnh: Thuận Thắng

Kỳ 1: Không để Tổ quốc bị bất ngờ

8g17 một ngày tháng 10 tại căn cứ của “hổ mang chúa” Su-30MK2 – trung đoàn không quân 935 (Đồng Nai).

Hàng trăm kỹ sư, kỹ thuật viên hàng không đang tất bật kiểm tra lại lần cuối cho những chiến đấu cơ trị giá cả trăm triệu USD trước giờ cất cánh.

Buổi sáng không yên tĩnh

Các phi công trong đợt bay đầu tiên đã lên vị trí sẵn sàng trên buồng lái. Những “hổ mang chúa” Su-30MK2 đang giương cánh chờ đến giờ xuất phát.

Tiếng động cơ gầm lên chói tai, xói vào màng nhĩ. Cửa kính khoang lái từ từ hạ xuống. Chiếc Su-30MK2 số 1 rời khỏi hangar (nhà để máy bay). Vài giây sau, Su-30MK2 số 2 cũng di chuyển ra đường lăn.

Nhận được lệnh cho phép cất cánh từ đài chỉ huy, biên đội 2 chiến đấu cơ Su-30MK2 – loại máy bay tiêm kích đa năng siêu âm được mệnh danh là “hổ mang chúa” – liền nhanh chóng lấy đà cùng lúc lao vút lên trời xanh…

Trong bốn phi công thực hiện chuyến bay đầu tiên trong ban bay sáng nay có đại tá trung đoàn trưởng Trần Văn Dũng. Anh là người chỉ huy toàn biên đội.

Trong không quân có điều rất đặc biệt. Ở dưới mặt đất anh là chỉ huy cao nhất đơn vị. Nhưng khi lên trời, anh phải tuân theo mệnh lệnh của chỉ huy bay chính và lực lượng dẫn đường – vốn có thể là sĩ quan cấp dưới.

Hôm nay, những “ông” to nhất trung đoàn như trung đoàn trưởng, chính uỷ đại tá Đào Quốc Kháng, phó trung đoàn trưởng quân huấn, đại tá Huỳnh Mạnh Thắng, chủ nhiệm chính trị, đại tá Lê Văn Hợi, đều bay.

Sáng nay, ngoài hàng chục chuyến bay lẻ còn có đến sáu lần bay biên đội. Biên đội cất cánh đầu tiên sẽ bay ở độ cao 5.000m và 6.000m, thực hiện những bài bay chiến đấu phức tạp trên đất liền.

Đại tá Phan Xuân Tình (tham mưu trưởng) là chỉ huy bay hôm nay. Anh liên tục đưa ra những khẩu lệnh điều phối máy bay điều chỉnh độ cao lên – xuống, hướng bay, vận tốc… cho phi công.

Trong biên đội bay đầu tiên sáng nay có hai phi công cấp 1 (cấp cao nhất) Trần Văn Dũng (trung đoàn trưởng) và Huỳnh Mạnh Thắng (phó trung đoàn trưởng quân huấn) ngồi ở vị trí sau để kèm cho hai phi công trẻ thế hệ 9X ngồi khoang trước.

Lần đầu tiên hai phi công 9X này được bay biên đội. Cả bốn thầy trò sẽ thực hiện bài bay nhào lộn công kích mục tiêu trên mặt đất.

“Để chuẩn bị tốt nhất cho bài bay ngày hôm nay, từ chiều hôm trước phi công giáo viên và phi công chuyển loại đã trao đổi, chuẩn bị bài bay với thứ tự động tác thật tỉ mỉ, kể cả phương án bất trắc. Chứ khi bay không kịp nói vì đôi lúc có những tình huống chỉ diễn ra trong vài phút, thậm chí vài giây” – trung tá Ngô Quốc Tiến, một phi công đang chuẩn bị bay biên đội thứ hai, cho biết.

Theo kế hoạch, biên đội 2 và 3 sẽ xuất phát ngay sau đó năm phút, thực hiện bài bay công kích mục tiêu trên biển. Đây là bài bay khó, đòi hỏi người phi công phải có trình độ cao và bản lĩnh thật tốt.

Chỉ trong vòng bảy phút, năm chiến đấu cơ xuất phát. Cứ 1 – 2 phút lại có một chiến đấu cơ lao ra đường lăn và 2-3 phút sau là cất cánh lao lên trời xanh. Căn cứ không quân rộng lớn trong sớm mai bị xé toạc bởi những thanh âm gầm rú đầy kiêu hãnh của Su-30MK2.

Bay ra Biển Đông - Ảnh: đại tá Trần Trọng Tuyến chụp từ Su-30MK2
Bay ra Biển Đông – Ảnh: đại tá Trần Trọng Tuyến chụp từ Su-30MK2

Khổ luyện trên trời xanh

8g58. Tiếng phi công báo cáo qua hệ thống đối không xin phép biên đội hạ cánh. Chỉ huy bay ra lệnh cho máy bay số 1 giữ nguyên độ cao 4.500m, còn máy bay số 2 xuống độ cao 500m vào hạ cánh.

Từ đài chỉ huy, có thể quan sát rất rõ toàn khu vực đường cất hạ cánh. Trên bầu trời, trong ánh nắng, biên đội Su-30MK2 ánh lên màu bạc tuyệt đẹp, đang thực hiện động tác hạ cánh, bung dù trên đường băng.

Vừa bước xuống mặt đất, bắt tay và mỉm cười với kỹ thuật trưởng – tín hiệu cho thấy máy bay hoạt động tốt – trung đoàn trưởng Trần Văn Dũng đã trao đổi, góp ý ngay cho học trò 9X: Nguyễn Công Hoàng.

Vừa hoàn thành chuyến bay đầu tiên trong ngày, Hoàng không trở về phòng nghỉ phi công – dù chỉ cách đó mấy chục bước chân – mà vẫn ở lại máy bay để bay chuyến thứ hai. Hôm nay anh là một trong những người bay đến ba chuyến.

Tập trung những phi công tinh hoa nhất, xuất sắc nhất nước, thế nên hiện nay trung đoàn 935 (sư đoàn không quân 370) là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ đào tạo phi công Su-30MK2 cho Quân chủng phòng không không quân.

Vì tính chất đặc biệt đó, mỗi ban bay huấn luyện đều có cán bộ của phòng quân huấn (sư đoàn 370) xuống kiểm tra, theo dõi. Đại tá Nguyễn Văn Thuần (chủ nhiệm bay sư đoàn 370), người trực tiếp theo dõi ban bay sáng nay, cho biết:

“Hôm nay, bài bay phức tạp nhất là của phi công Lê Văn Hợi và Nguyễn Văn Ba. Anh Hợi kèm anh Ba thực hiện bài bay 708 – bài nhào lộn độ cao thấp trên biển (đỉnh 2.000 – 2.500m xuống đáy 200m). Bay ở độ cao thấp lại nhào lộn trên đất liền đã khó rồi mà bài này phi công phải nhào lộn trên biển thì rất khó, rất phức tạp”.

Bốn giờ sáng nay cứ như một dòng chảy không ngừng: luôn luôn chuyển động, tấp nập, khẩn trương và rất nhịp nhàng.

Su-30MK2 này vừa về thì ở hangar, Su-30MK2 khác đã nổ máy; kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn thang để đón phi công; xe oxy, xe tiếp dầu chạy tới chờ sẵn… Có người vừa bay xong chuyến thứ nhất, thậm chí chuyến thứ hai vẫn không về phòng nghỉ vì sẽ bay tiếp chỉ 5 – 10 phút sau đó.

Mãi đến 12g15, ban bay mới kết thúc. Tất cả lại tập trung ở phòng giao nhiệm vụ để nghe giảng bình sơ bộ khoảng 30 phút.

Đúng 14g. Buổi giảng bình chi tiết bắt đầu. Trung đoàn trưởng nhận xét, góp ý chi tiết từng người, từng bộ phận.

Chỉ huy bay chính, đại tá Nguyễn Xuân Tình cho biết: “Sáng nay thời tiết xấu, trời mù, mây nhiều nhưng tất cả các thành phần đều phối hợp rất nhịp nhàng. Chúng ta đã thực hiện được 56 lần chuyến, hoàn thành 100% kế hoạch bay và bay chuyển loại cho năm phi công. Hôm nay bay biên đội nhiều. Một số biên đội ở đợt 3 đi vào khu vực biển bay tốt”.

Ngày mai, các phi công sẽ thực hiện bài bay chặn kích đường số 4. Ngay khi nhận được bài bay của mình, từng nhóm phi công di chuyển ra sân – khu vực có sơ đồ đường bay được vẽ bằng sơn màu vàng, đỏ, xanh cùng các tham số.

Trên tay mỗi người cầm một mô hình máy bay Su-30MK2 tập bay “nguội”, thực hiện các thao tác như khi bay thật.

Sự chuẩn bị chu đáo đó không phải không có lý do.

“Su-30MK2 là loại máy bay hiện đại nhất của không quân, là tài sản lớn của quốc gia. Làm chủ được nó là làm chủ bầu trời. Cho nên chúng tôi xác định khi ở dưới mặt đất phải học cho thật tốt và không chỉ học cho mình mà còn cho Tổ quốc. Trong mọi tình huống, không để Tổ quốc bị bất ngờ!”, trung đoàn trưởng trung đoàn tiêm kích 935 Trần Văn Dũng nói.

Sư đoàn không quân 370 (Quân chủng Phòng không không quân) là một trong những sư đoàn không quân lớn nhất của Việt Nam hiện nay, được thành lập ngày 30-10-1975.

Trong chiến dịch lớn sát cánh cùng quân đội Campuchia chiến đấu chống quân Khmer Đỏ, sư đoàn 370 đã lập nhiều chiến công lớn giúp Chính phủ cách mạng Campuchia giải phóng đất nước, sau đó giúp nước bạn xây dựng trung đoàn không quân chiến đấu đầu tiên.

Tháng 8-1987, sư đoàn 370 được điều về đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất với vai trò rất quan trọng: đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ trên không, trên biển và đất liền.

Lúc này, sư đoàn 370 được biên chế với ba trung đoàn thành lập cùng một ngày (21-5-1975): trung đoàn trực thăng 917, trung đoàn tiêm kích 937 (Su-22M4) và trung đoàn tiêm kích 935 (Su-30MK2).

___________


MY LĂNG ([email protected])