28/11/2024

“Đòi 15.000 USD mới có giấy phép”: Đủ cơ sở sẽ xử lý

Liên quan vụ “Đòi 15.000 USD mới có giấy phép”, giám đốc Sở KHĐT TP.HCM, cho biết đã yêu cầu cán bộ liên quan viết kiểm điểm, nếu đủ cơ sở sẽ xử lý nghiêm.

 

“Đòi 15.000 USD mới có giấy phép”: Đủ cơ sở sẽ xử lý

 

Liên quan vụ “Đòi 15.000 USD mới có giấy phép”, giám đốc Sở KHĐT TP.HCM, cho biết đã yêu cầu cán bộ liên quan viết kiểm điểm, nếu đủ cơ sở sẽ xử lý nghiêm.




Anh Trần Thanh Thành với xấp hồ sơ dày cộp - thủ tục thành lập công ty - Ảnh: Thanh Tùng
Anh Trần Thanh Thành với xấp hồ sơ dày cộp – thủ tục thành lập công ty – Ảnh: Thanh Tùng

Chiều 26-10, trả lời Tuổi Trẻ về chuyện “Đòi 15.000 USD mới cấp phép” (Tuổi Trẻ ngày 26-10), ông Thái Văn Rê, giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM, cho biết đã yêu cầu cán bộ liên quan viết kiểm điểm, nếu đủ cơ sở sẽ xử lý nghiêm.

Ông Rê nói:

– Sáng nay, ngay khi đọc báo, tôi đã yêu cầu các bộ phận có liên quan phải báo cáo gấp nội dung bài báo đề cập. Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư đấu thầu và hỗ trợ đầu tư Đỗ Quang Hưng đã báo cáo: “Trung tâm tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ liên quan tới thủ tục đăng ký đầu tư là phù hợp chức năng, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bà Lại Thị Kim Khánh đã có những sai sót như: chi phí dịch vụ được đề cập bằng đồng ngoại tệ (USD), không ký hợp đồng để làm cơ sở thực hiện theo đúng quy định của trung tâm và trong quá trình trao đổi có những phát ngôn không rõ ràng, gây hiểu lầm cho phía đối tác”.

Trung tâm đã yêu cầu cô Khánh viết bản tự kiểm điểm để có cơ sở thực hiện việc xử lý kỷ luật. Nếu có đủ cơ sở thì sẽ xử lý. Còn hiện tại, chúng tôi không phân công công việc để cô ấy tập trung làm kiểm điểm.

* Chứng cứ chúng tôi thu thập được cho thấy có chuyện bà Khánh đã ra giá 15.000 USD để làm dịch vụ cấp phép đầu tư. Ông giải thích điều này thế nào?

– Thật ra, Trung tâm tư vấn đầu tư đấu thầu và hỗ trợ đầu tư do UBND TP thành lập, có nhiều chức năng như: tư vấn lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn đấu thầu các gói thầu thuộc dự án nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA… và cả chức năng tư vấn, làm dịch vụ đầu tư thu phí của khách hàng.

Tuy nhiên, trong việc trao đổi với nhà đầu tư, nếu cô này (bà Khánh – PV) có nói giá tiền bằng đôla là không đúng, vì quy định của Nhà nước là chống ngoại tệ hoá các giao dịch dân sự tại VN. Cô này nếu nói không ký hợp đồng với khách hàng cũng là một cái sai. Cái này có thể là việc làm sai sót của cá nhân, còn trung tâm thực hiện việc tư vấn là phải có hợp đồng, có hoá đơn chứng từ đầy đủ.

Trung tâm này có chức năng làm dịch vụ công, được phép thương lượng theo Luật dân sự, hai bên tự thoả thuận. Còn việc cô này làm mà có cá nhân gì trong đó thì phải xử lý. Khi đọc báo thấy có thông tin sai phạm này, tôi đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phải khẩn trương kiểm tra, kiểm điểm báo cáo gấp để xử lý nghiêm theo quy định.

* Thưa ông, sở đã có nhân viên tư vấn miễn phí, vì sao lại có trung tâm tư vấn dịch vụ lấy phí?

– Khi thành lập trung tâm này, chúng tôi cũng rất phân vân về chức năng làm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thủ tục đầu tư có tính phí vì những suy nghĩ như các anh nói. Nhưng thực tế các cá nhân, tổ chức bên ngoài làm dịch vụ này rất nhiều, lấy phí cao một cách bất hợp lý nên chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP cho phép thực hiện dịch vụ này.

Luật cũng không cấm điều này nên chúng tôi đã tham mưu để cho phép có chức năng làm dịch vụ công. Thực tế có nhiều người không muốn trực tiếp thực hiện, họ có thể thông qua trung tâm này để họ hỗ trợ, làm dịch vụ với mức phí hợp lý hơn so với bên ngoài.

* Đây có phải là một trong các nguyên nhân mà nhiều doanh nghiệp phản ảnh rằng bị không ít cán bộ “hành”, buộc phải thông qua trung tâm này để thu phí, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực như trường hợp bà Khánh?

– Nói như vậy là không đúng. Mỗi năm chúng tôi làm thủ tục cấp phép cho khoảng 1.700 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng năm năm qua chỉ có 20 hợp đồng dịch vụ với tổng mức phí là 1,7 tỉ đồng. Do đó, nói thành lập trung tâm này để làm khó, buộc phải thông qua dịch vụ để thu phí thì không phải.

Thông thường, các nhà đầu tư đều tự tới Sở KH-ĐT làm, chúng tôi tạo điều kiện để họ thực hiện chứ không phải mục đích là làm khó để thông qua đó thu phí.

Trong khi làm thủ tục, nếu nhà đầu tư không muốn tới thì có thể thông qua trung tâm làm dịch vụ, đỡ tốn hơn bên ngoài, đó là ý tốt. Còn trong thực tế, nếu anh em ở dưới họ làm như thế thì phải kiểm tra, xử lý.

Sau vụ việc của cô Khánh, chúng tôi sẽ kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra xem cô Khánh có làm thêm bên ngoài hay không, có móc nối, làm khó doanh nghiệp để buộc họ qua trung tâm, thậm chí tiêu cực hay không.

* Ông có thể cho biết Sở KH-ĐT có quy định về mức phí cụ thể của dịch vụ hỗ trợ thủ tục đầu tư hay không?

– Không. Cái này không có quy định. Nhưng các anh cũng có thể thấy, năm năm mà có 20 hợp đồng với 1,7 tỉ đồng tiền phí thì đây không phải là mục tiêu chính. Nếu lấy tiền dịch vụ để nuôi sống cán bộ, nhân viên thì chắc họ chết đói lâu rồi. Đó không phải là mục tiêu của chúng tôi.

* Nhưng hiện tượng “ra giá”, đòi chung chi như bà Khánh không phải lần đầu diễn ra tại Sở KH-ĐT TP, thưa ông?

– Trước đây, cũng có đơn thư tố cáo cá nhân cán bộ có tiêu cực, nhũng nhiễu, hồ sơ sang tới cơ quan điều tra rồi chứ không phải không. Cán bộ đó cũng đã được cho nghỉ, chuyển công tác khác, dù kết luận của cơ quan điều tra kết luận không đủ yếu tố để xử lý hình sự.

Chúng tôi cũng rất tâm tư với những vấn đề mình phụ trách. Nếu không có sự quan tâm, đầu tư cho đội ngũ cán bộ về đạo đức, chuyên môn thì rất dễ xảy ra tiêu cực.

Chúng tôi luôn nhắc nhở anh em, tạo điều kiện phát triển, đề bạt cho những người có ý thức phấn đấu vươn lên và thể hiện được năng lực, đạo đức. Các quy chế, nội quy cơ quan, công tác thanh tra, kiểm tra đều có cả, thậm chí gắn cả camera để răn đe anh em không được tiêu cực. Ngoài ra, còn có những quy định về thưởng, phạt minh bạch để khuyến khích và răn đe.

Tuy nhiên, con người thì bị chi phối bởi nhiều yếu tố, ai đủ bản lĩnh vượt qua được thì đơn giản, còn không vượt qua được thì rất khó để giám sát hoàn toàn.

Tới đây, chỉ một thời gian ngắn nữa – khi các trở ngại về mặt bằng được giải quyết xong, chúng tôi sẽ thực hiện việc cấp phép tại chỗ. Khi người dân tới, mang theo hồ sơ đầy đủ sẽ được hướng dẫn làm thủ tục, sau đó ngồi chờ lấy giấy phép liền thì chắc chắn hiện tượng trả hồ sơ nhiều lần, chậm trễ sẽ không còn nữa.

* Vướng mắc lớn nhất, theo các doanh nghiệp, không phải là thủ tục mà chính những người thực thi các quy định, thủ tục…?

– Đúng là phải giáo dục, theo dõi và uốn nắn. Trong đăng ký kinh doanh tại nhà, sở đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, khi doanh nghiệp mở mạng lên thì chỉ cần điền vào các mục có sẵn. Hiện nay không hiểu sao việc đăng ký kinh doanh qua mạng đã triển khai nhưng tỉ lệ doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký qua kênh này thấp, mới chỉ có dưới 50% lượng hồ sơ qua kênh này.

Sở cũng có đường dây nóng để doanh nghiệp phản hồi trực tiếp. Nếu phát hiện nhũng nhiễu sẽ xử lý nghiêm khắc.

Cá nhân nào làm sai phải chịu trách nhiệm

Ông Thái Văn Rê - Ảnh: Đình Dân
Ông Thái Văn Rê – Ảnh: Đình Dân

Chúng tôi thấy cái này (hợp đồng dịch vụ thu phí – PV) cũng ít quá, năm năm mà có 20 hợp đồng nên có thể sẽ cân nhắc bỏ chức năng này để tránh hiểu lầm.

Tuy nhiên, đây là việc cân nhắc do tính hiệu quả chức năng dịch vụ mang lại, chứ không phải qua chuyện cá nhân cô Khánh mà bỏ đi chức năng này. Cá nhân nào làm sai thì cá nhân đó chịu trách nhiệm.

Riêng việc ông Thành thông tin về việc trước cô Khánh, có các cá nhân thuộc phòng đầu tư cũng ra giá, đòi tiền chung chi, thậm chí móc nối để làm khó, đòi tiền thì cần có bằng chứng rõ ràng. Khi có bằng chứng chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.

Chúng tôi cũng đã có kế hoạch tổ chức việc thanh tra, kiểm tra trung tâm này trước khi có bài báo hôm nay để chấn chỉnh, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.

GIA MINH – ĐÌNH DÂN ([email protected])