29/11/2024

Bảo vệ yếu nhân trong mùa bầu cử Tổng thống Mỹ

Giữa lúc mùa bầu cử Mỹ bắt đầu tăng nhiệt, lực lượng mật vụ khởi động chiến dịch bảo vệ những gương mặt dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

 

Bảo vệ yếu nhân trong mùa bầu cử Tổng thống Mỹ

 

 

Giữa lúc mùa bầu cử Mỹ bắt đầu tăng nhiệt, lực lượng mật vụ khởi động chiến dịch bảo vệ những gương mặt dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.


 


 

Cái chết của thượng nghị sĩ Robert F.Kennedy đã mở rộng phạm vi bảo vệ của mật vụ Mỹ  - Ảnh: AFPCái chết của thượng nghị sĩ Robert F.Kennedy đã mở rộng phạm vi bảo vệ của mật vụ Mỹ – Ảnh: AFP
Theo Fox News, Cơ quan Mật vụ Mỹ vừa đệ trình lên Quốc hội Mỹ đề xuất khởi động chiến dịch bảo vệ yếu nhân cho 2 ứng viên chạy đua giành quyền đại diện đảng Cộng hoà tranh cử tổng thống là bác sĩ Ben Carson và tỉ phú Donald Trump.
Các nguồn tạo tin cho biết nếu đề xuất được thông qua, tổng cộng sẽ có 260 đặc vụ được điều động cho toàn bộ chiến dịch và ít nhất 24 nhân viên trực tiếp theo sát ông Carson và Trump.
Quyết định trên đã được đưa ra sau khi mật vụ thẩm định tình hình thực tế và kết luận 2 nhân vật này đang đối mặt nguy cơ nghiêm trọng đe doạ đến tính mạng, cần được bảo vệ sát sao trong giai đoạn tranh cử.
Cái chết của Robert F.Kennedy
Kể từ khi được thành lập năm 1865, Mật vụ Mỹ đã nhiều lần trở thành tấm khiên vững chắc bảo vệ mạng sống của các ông chủ Nhà Trắng trước họng súng ám sát. Nổi bật trong số này có các vụ tiêu diệt 2 kẻ âm mưu ám sát Tổng thống Harry S.Truman năm 1950 hay lấy thân mình chắn đạn cho Tổng thống Ronald Reagan năm 1981. Tuy nhiên, mãi đến sau cái chết của thượng nghị sĩ Robert F.Kennedy năm 1968, mật vụ mới bắt đầu đảm nhận bảo vệ cho các ứng viên tổng thống hàng đầu trong kỳ tranh cử.
Rạng sáng 6.6.1968, trong bối cảnh đã gần như nắm chắc quyền đại diện đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng, thượng nghị sĩ Kennedy bị một người Jordan gốc Palestine tên Sirhan Sirhan bắn chết tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles. Cái chết chấn động này xảy ra 5 năm sau vụ ám sát người anh nổi tiếng của Robert F.Kennedy là Tổng thống John F.Kennedy ở Dallas, một trong những thất bại lớn nhất của lực lượng mật vụ. Đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng nếu không bị ám sát, chắc chắn ông Kennedy chứ không phải ông Richard Nixon trở thành người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.1968.
Ngay trong cùng năm, Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua luật mở rộng vai trò của mật vụ bảo vệ “các ứng viên tổng thống hàng đầu” cho đến khi kết thúc kỳ bầu cử.
Theo tờ The Washington Post, tiêu chí để trở thành ứng viên hàng đầu là phải quyên góp được ít nhất 2 triệu USD cho quỹ tranh cử và đạt được ít nhất 5% tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò toàn quốc. Tuy nhiên, việc tuân thủ những tiêu chí này khá lỏng lẻo và việc ai được chọn hoàn toàn dựa vào đánh giá chủ quan của mật vụ và một uỷ ban đặc biệt bao gồm các lãnh đạo chủ chốt của phe đa số lẫn thiểu số trong quốc hội. Đó là lý do thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người đang kèn cựa rất quyết liệt với bà Hillary Clinton trong cuộc đua giành quyền đại diện đảng Dân chủ ra ứng cử vẫn chưa được mật vụ bảo vệ. Trong nhiều tháng qua, đã có nhiều chuyên gia, cựu chính khách lẫn cử tri gửi thỉnh nguyện thư yêu cầu mật vụ bảo vệ ông Sanders nhưng chưa có kết quả.
Bà Clinton lại là một trường hợp đặc biệt khác. Bà hiện đang được mật vụ bảo vệ nhưng không phải với tư cách ứng viên tổng thống mà là theo luật bảo vệ các cựu tổng thống và gia đình. Theo The Washington Post, trước đây các cựu tổng thống và gia đình được bảo vệ trong vòng 10 năm kể từ khi rời nhiệm sở trừ khi cựu đệ nhất phu nhân/phu quân ly dị và tái hôn. Tuy nhiên, đến năm 2012, Tổng thống Barack Obama đã ký thành luật bãi bỏ giới hạn 10 năm và cung cấp sự bảo vệ trọn đời đối với mọi cựu tổng thống, cựu đệ nhất phu nhân/phu quân và con cái dưới 16 tuổi.
Bóng ma IS
Theo trang tin Newsmax, sở dĩ mật vụ đề xuất bảo vệ 2 ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa là do cả hai đang đối mặt nguy cơ ám sát từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bác sĩ Ben Carson đã nhận nhiều lời doạ giết sau khi ông tuyên bố rằng tín đồ Hồi giáo nào không thể đặt Hiến pháp lên trên kinh Koran thì không có quyền trở thành Tổng thống Mỹ.
Tượng tự, tỉ phú Donald Trump cũng trở thành mục tiêu sau khi tuyên bố sẵn sàng đóng cửa các đền thờ Hồi giáo trên đất Mỹ để “dằn mặt” IS, theo CNN. Bên cạnh đó, vốn khét tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi dữ dội, ông Trump đã phải công khai yêu cầu mật vụ bảo vệ sau khi có tin trùm ma tuý Mexico, Joaquin “El Chapo” Guzman treo giải 100 triệu USD cho ai “lấy đầu” ông do quan điểm bị cho là hạ nhục người nhập cư gốc Mexico.
Ngoài ra, các cơ quan an ninh, bao gồm FBI, cảnh báo IS đang muốn ám sát một nhân vật chính trị nổi bật của Mỹ để lấy lại thanh thế trong bối cảnh đang hứng chịu những đòn choáng váng từ Nga và liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Giới truyền thông dẫn các nguồn tin tình báo xác nhận các phần tử ủng hộ IS đang điên cuồng tìm cách ám sát ít nhất một chính khách có ảnh hưởng ở Mỹ và các ứng viên tổng thống là mục tiêu hàng đầu vì dễ ra tay trong các cuộc vận động tranh cử luôn đông nghẹt người.
Mật vụ ngủ gật
Theo CNN hôm 23.10, Văn phòng Tổng thanh tra thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ đã gửi bản báo cáo thanh sát mới nhất cho Cơ quan Mật vụ, trong đó cảnh báo tình trạng cường độ làm việc quá căng thẳng khiến các nhân viên mất sức trầm trọng, không thể đảm đương nhiệm vụ và gây ra nguy cơ an ninh.
Báo cáo nêu cụ thể 2 trường hợp nhân viên mật vụ bị bắt gặp ngủ gục trong ca trực, thậm chí ngay tại Nhà Trắng. “Kiệt sức vì phải di chuyển liên tục và làm thêm quá giờ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này”, báo cáo viết.
Kết quả điều tra cho thấy một trong 2 người ngủ gục có tổng số thời gian phải làm quá giờ lên đến 60 tiếng đồng hồ trong vòng 2 tuần lễ trước khi xảy ra sự cố. Người còn lại đã làm 36 tiếng không nghỉ khi tháp tùng Tổng thống Obama công du đến châu Phi hồi tháng 7. Thậm chí, theo báo cáo, một số nhân viên giấu tên cho hay cường độ làm việc như trên tính ra “vẫn còn ít” so với nhiều đặc vụ khác.

Thuỵ Miên