Cần bình tĩnh với TPP
“Chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh về TPP, bởi những khó khăn để kết thúc vẫn có thể còn ở phía trước, thậm chí gây bất ngờ phút cuối nếu quốc hội một số nước không đồng ý thông qua TPP”.
Cần bình tĩnh với TPP
“Chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh về TPP, bởi những khó khăn để kết thúc vẫn có thể còn ở phía trước, thậm chí gây bất ngờ phút cuối nếu quốc hội một số nước không đồng ý thông qua TPP”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã phát biểu như vậy tại hội nghị đầu tư chủ đề “Thị trường chứng khoán 2016: Đầu tư vào đâu?”, tổ chức tại TP.HCM hôm qua 23.10.
|
4 năm nữa mới “thấm”
Rất nhiều người đều có chung câu hỏi, nếu quốc hội các nước không thông qua, “số phận” của TPP sẽ thế nào? Ông Khánh khẳng định: không nhất thiết tất cả 12 nước tham gia TPP đều thông qua thì mới có hiệu lực. Nhằm đề phòng trường hợp quốc hội một số nước không thông qua TPP, các nước trong khối TPP đã thiết kế một điều khoản cho phép các nước còn lại được tiếp tục hiệp định. “Tôi xin phép chưa tiết lộ cụ thể những điều khoản này. Tuy nhiên, nếu tổng GDP của các nước còn lại tham gia hiệp định vượt ngưỡng nhất định thì TPP sẽ được thông qua”, ông Khánh nói.
Cho hay việc kết thúc đàm phán TPP mới chỉ đạt được 50%, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói mọi cơ hội và thách thức liên quan đến TPP đang được xây dựng dựa trên các giả định. Ông đặt giả thiết: “Thậm chí được thông qua rồi thì vẫn có những giả định không đúng. Chẳng hạn, nếu chúng ta đang nhắm đến thị trường nào đó giảm thuế nhập khẩu cho hàng hoá VN, bỗng nhiên thị trường đó có thể bị khủng hoảng tài chính, hoặc vỡ nợ công khiến sức mua yếu đi. Hoặc trong trường hợp chúng ta đang hy vọng tăng xuất khẩu vào một thị trường lớn do được giảm thuế về 0% nhưng nếu đồng tiền của quốc gia đó bị phá giá cũng với tỷ lệ tương ứng là 10% hoặc thậm chí cao hơn, như vậy, hiệu ứng tăng trưởng xuất khẩu và ưu thế cạnh tranh khó có thể xảy ra”.
Ông Khánh nhấn mạnh: “Lợi ích to lớn về TPP sẽ không đến ngay lập tức mà phải sau một thời gian, khi thuế nhập khẩu được xoá bỏ hoàn toàn. Theo nhiều cam kết của TPP, lộ trình mất 1,5 đến 2 năm để thông qua. Lợi ích to lớn mà chúng ta đang hy vọng sẽ chỉ đạt ở thì tương lai sau 4 – 5 năm nữa”. Ông nhận định 4 – 5 năm nữa VN mới “thấm” tác động từ TPP.
Bất động sản không thừa
Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Savills Việt Nam, thị trường bất động sản VN đang thoát đáy và nếu so sánh với các quốc gia lân cận như Indonesia, Phillipines, Malaysia… những thị trường đang ở đỉnh, VN hiện có triển vọng lớn về lĩnh vực bất động sản trong vòng 2 – 3 năm tới.
Là nhà đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Nam Long cũng cho biết, phân khúc bất động sản hạng trung, có giá trị vài tỉ đồng là phân khúc nhu cầu người mua để ở. Song phân khúc sản phẩm có giá trị lên đến triệu USD như sản phẩm của nhà đầu tư VinGroup lại đang được các nhà đầu tư quan tâm bởi số lượng ít, nhu cầu đầu tư là có thật. “Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn cung bất động sản trong nước đang thừa, tôi bảo đảm là không bởi theo tính toán số dân thì VN chưa thể coi là thừa nguồn cung bất động sản”.
Với dự báo GDP sẽ tăng theo hướng tích cực, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành – Trưởng bộ phận phân tích Công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM (HSC), nhận định: Sẽ có dòng vốn ngoại đổ vào VN từ tháng 9 năm nay sau khi chính sách nới room cho khối ngoại bắt đầu có hiệu lực. Nếu TPP thông qua trước quý 2/2016, GDP VN có thể tăng thêm 1,5 – 2% từ năm 2017.
Ông Hà Tôn Vinh, nhà đầu tư Việt kiều Mỹ, cho rằng cơ hội khi VN tham gia vào TPP được đề cập nhiều, tuy nhiên, dự báo “chết” đối với khu vực kinh tế tư nhân vừa và nhỏ cũng đáng lo ngại. Bởi các doanh nghiệp (DN) có nguồn lực về vốn, đều là các DN nhà nước lớn. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: “Nắm bắt được TPP, các DN lớn sẽ có lợi bằng việc nhận nhiều đơn hàng hơn, nhưng chính họ sẽ chia sẻ đơn hàng cho các DN nhỏ, đó là các đơn vị vệ tinh thực hiện chuỗi cung ứng mà cả hai đều hưởng lợi”. Tuy nhiên, DN nội phải chuyển từ tư duy thụ động sang tư duy chủ động, dẹp bỏ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng.
|
Nguyên Nga