Người Anh sợ Trung Quốc làm nhà máy điện hạt nhân
Việc Trung Quốc ký kết thoả thuận đầu tư 9 tỉ usd xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Anh đang dấy lên mối quan ngại về an ninh cho chính xứ sở sương mù và các quốc gia phương Tây khác.
Người Anh sợ Trung Quốc làm nhà máy điện hạt nhân
Việc Trung Quốc ký kết thoả thuận đầu tư 9 tỉ usd xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Anh đang dấy lên mối quan ngại về an ninh cho chính xứ sở sương mù và các quốc gia phương Tây khác.
Địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point – Ảnh: Reuters |
Báo Guardian cho biết Tổng công ty Điện lực Pháp (EDF) cùng hai đối tác Trung Quốc là Tổng công ty Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) và Công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) sẽ đứng ra thực hiện gói thầu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point và Sizewell, Suffolk.
Trong năm lò phản ứng hạt nhân sẽ sử dụng ở Anh có hai của EDF làm theo tiêu chuẩn châu Âu, hai có phần hùn của phía Trung Quốc và một do Trung Quốc sản xuất hoàn toàn.
Thỏa thuận ký kết ngày 21-10 trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến các chuyên gia ở châu Âu nổi giận. Ông Jeffrey Henderson, thuộc ĐH Bristol, cho rằng “quá điên khùng khi ký kết thỏa thuận đó” vì CNNC là thành phần thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.
London phớt lờ cảnh báo
Theo BBC, các quan chức Chính phủ Anh đã thẳng thừng gạt bỏ những chỉ trích liên quan đến dự án này. Họ còn chỉ ra rằng Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point sẽ tạo ra 25.000 việc làm và đảm bảo đủ năng lượng cung cấp cho 6 triệu hộ gia đình ở vùng này.
Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon còn giải thích rằng chuyện Trung Quốc đầu tư vào Anh cũng bình thường như nước Anh đầu tư vào Trung Quốc.
Giới chức Anh và Trung Quốc đề cao sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng này là thành tựu trong mối quan hệ song phương mà Thủ tướng Anh David Cameron gọi là “thời kỳ hoàng kim” trong mối quan hệ giữa hai nước. Giới phân tích cho rằng thoả thuận này là khởi đầu cho mối quan hệ “bánh ít đi, bánh quy lại” giữa London và Bắc Kinh.
Cụ thể là London đang cần tiền đầu tư và xem Bắc Kinh là nguồn cung đầy cơ hội cho nền kinh tế của Anh trong những năm tới. Trong khi đó, Bắc Kinh đang muốn tiếp cận các thị trường tài chính của Anh và sự ủng hộ của nước này trong quá trình tiến vào trung tâm châu Âu trong nhiều lĩnh vực khác, kể cả quân sự.
Ông Robin Niblett – giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chatham House ở London – cho rằng đang xuất hiện những mối nguy hiểm trong chiến lược này. Trong đó, mối quan ngại lớn nhất là sự xa lánh của Mỹ – quốc gia đồng minh lâu năm của Anh.
Quan ngại an ninh
Ngoài ra, giới quan sát cho rằng thoả thuận cho Trung Quốc nhảy vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thể khiến nước Anh rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng của nước này.
Giả định đưa ra là Trung Quốc có thể giành quyền kiểm soát cơ sở hạt nhân để đe doạ nước Anh, một khi quan hệ ngoại giao hai nước rơi vào tình trạng “cơm không lành canh không ngọt”.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo sự hiện diện của người Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất năng lượng từ hạt nhân ở Anh là điều không tưởng đối với các quốc gia phương Tây. Bởi đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu vươn vòi thâm nhập “trung tâm an ninh châu Âu” và Anh là bước đệm.
“Chúng ta làm sao có thể xác định nguy cơ lớn bao nhiêu trong việc cho phép Trung Quốc đảm trách công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm của quốc gia. Mỹ sẽ không bao giờ đứng yên mà nhìn chuyện này” – nghị sĩ Anh Bernard Jenkin, thuộc Đảng Bảo thủ, nêu mối quan ngại.
Nghị sĩ Jenkin là một trong những đại diện ở vùng tây nam nước Anh, nơi có lò phản ứng hạt nhân do Pháp dẫn đầu trong xây dựng và Trung Quốc cũng là nhà đầu tư chính. Ông Jenkin chỉ trích chính quyền của Thủ tướng Cameron đã phớt lờ các mối quan ngại từ quân đội và cơ quan tình báo cảnh báo mối nguy đối với an ninh quốc gia khi thoả thuận này manh nha được ký kết từ những tháng qua.
“Tôi cho rằng chính phủ đã bỏ ngoài tai điều này. Nó không thuận tai vì đây là vấn đề đụng chạm đến tiền bạc” – ông Jenkin chỉ trích.
Một nguồn tin an ninh giấu tên của Anh cũng cho biết đã xảy ra chia rẽ khó hàn gắn giữa những người thuộc Bộ Tài chính Anh, nơi khởi xướng thoả thuận này với giới chức an ninh.
“Bộ Tài chính dẫn đầu trong việc đưa ra thỏa thuận này và họ không lắng nghe bất kỳ cảnh báo nào. Họ xem Trung Quốc là một cơ hội nhưng chúng tôi thấy đó là mối đe doạ” – quan chức an ninh trên tiết lộ với báo Times.
“Không quốc gia châu Âu nào lại đi ký hợp đồng như thế. Người Mỹ không bao giờ nghĩ đến chuyện để người Trung Quốc đảm trách công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm của quốc gia như thế. Ý muốn của người Anh muốn làm điều đó thật là điên rồ |
Ông Paul Dorfman (thuộc Viện năng lượng ĐH London) |