11/01/2025

Cách học mới về môn lịch sử

Dư luận lo ngại trước thông tin chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ “khai tử” môn lịch sử. Thực hư ra sao?

 

Cách học mới về môn lịch sử

 

 

Dư luận lo ngại trước thông tin chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ “khai tử” môn lịch sử. Thực hư ra sao?



 

Chương trình giáo dục phổ thông mới - Đồ họa: Hồng KỳChương trình giáo dục phổ thông mới – Đồ hoạ: Hồng Kỳ
Nằm trong môn tự chọn bắt buộc
Theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Bộ GD-ĐT công bố, việc phân bố môn học sẽ theo hướng tích hợp ở cấp tiểu học, đặc biệt là THCS còn lên đến THPT thì phân hoá mạnh. Chính việc tích hợp này đã khiến tên gọi của những môn học truyền thống thay đổi, trong đó có môn lịch sử. Chẳng hạn ở cấp tiểu học sẽ có môn tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên (được phát triển từ các môn khoa học, lịch sử và địa lý ở các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành). Ở cấp THCS, môn khoa học xã hội được hình thành chủ yếu từ các môn lịch sử, địa lý trong chương trình hiện hành. Lên đến cấp THPT, số môn học bắt buộc giảm mạnh, chỉ còn tối thiểu 4 môn gồm: ngữ văn 1, toán 1, công dân với tổ quốc, ngoại ngữ 1.
Nhìn vào chương trình với tên gọi các môn học như vậy, dư luận không khỏi lo lắng về việc không thấy bóng dáng của môn học lịch sử, đặc biệt ở cấp THPT trong 4 môn học bắt buộc không có môn lịch sử.
Tuy nhiên, ngoài 4 môn học bắt buộc thì những môn học tự chọn còn lại cũng chia thành 3 hình thức tự chọn khác nhau, trong đó có tự chọn bắt buộc cả môn; tự chọn một phần trong môn học và tự chọn không bắt buộc (tự chọn tuỳ ý, học sinh có thể chọn hoặc không chọn). Điều này đồng nghĩa với việc không có học sinh (HS) nào chỉ học 4 môn bắt buộc là đủ.
Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông cho biết, ngoài 4 môn học bắt buộc, mỗi HS THPT phải học tối thiểu 4 môn tự chọn (lớp 10, 11) và 3 môn tự chọn (lớp 12) trong các môn: lịch sử, địa lý, ngữ văn 2, vật lý, hoá học, sinh học, tin học, công nghệ, toán 2, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.
Dự thảo còn quy định rõ, nếu chọn môn khoa học tự nhiên thì không chọn các môn: vật lý, hóa học, sinh học; nếu chọn môn khoa học xã hội thì không chọn các môn: lịch sử, địa lý. Điều này được lý giải vì môn khoa học xã hội là tích hợp của các môn lịch sử và địa lý. Nếu HS có nguyện vọng học chuyên sâu về lịch sử thì sẽ chọn môn lịch sử riêng rẽ. Còn nếu chỉ học để đảm bảo có kiến thức nền tảng, phổ thông về lịch sử thì nội dung về lịch sử trong môn khoa học xã hội đã đủ đáp ứng yêu cầu đó. Như vậy, dù chọn môn lịch sử hay khoa học xã hội thì HS cũng đều phải học lịch sử như một kiến thức bắt buộc. Nếu chọn các môn vật lý, hóa học, sinh học thì sẽ buộc phải chọn một môn khoa học xã hội để đảm bảo kiến thức cơ bản về lĩnh vực lịch sử, địa lý.
Sao không đưa lịch sử vào môn học bắt buộc ?
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc Bộ có tính tới việc sẽ đưa môn lịch sử vào một trong 4 môn học bắt buộc hay không, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Kiến thức lịch sử, tình yêu lịch sử… chúng tôi xác định phải dạy suốt cả quá trình học phổ thông nhưng sẽ bằng nhiều hình thức khác nhau”. Ông Hiển giải thích: “Những kiến thức lịch sử chuyên sâu theo hướng nghiên cứu thì chúng tôi sẽ để vào phần tự chọn để những HS thực sự yêu thích và theo đuổi nghiên cứu về lịch sử sẽ chọn học. Còn theo tinh thần chung, HS nào cũng phải có kiến thức cơ bản về lịch sử nhưng không phải ai cũng học lượng kiến thức bằng nhau ở cấp THPT mà tuỳ năng lực, sở thích của mỗi em”.
Ông Hiển còn nói rằng kiến thức lịch sử không phải chỉ có trong môn sử mà mà còn lồng ghép ở các môn học khác. Ví dụ, môn học công dân với Tổ quốc, một trong số 4 môn học bắt buộc ở THPT, cũng sẽ có thời lượng đáng kể để giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh giữ gìn độc lập dân tộc của ông cha ta ra sao… “Chúng tôi không hề coi nhẹ môn lịch sử”, ông Hiển khẳng định.
Xung quanh chủ trương dạy học phân hoá ở THPT, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói: “Dạy học phân hoá gắn với phân luồng là tất yếu, nhưng như vậy cũng sẽ phải chấp nhận việc học lệch ở cấp THPT, cấp học định hướng nghề nghiệp tương lai cho HS. Lên đến THPT học lệch cũng không vấn đề gì. Mỗi người có sở trường nên có môn chỉ cần học kiến thức cơ bản, môn nào là sở trường thì học ở mức độ cao hơn, chuyên sâu hơn”.
Lo ngại học sinh sẽ không chọn môn sử
2014 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thay đổi hình thức thi tốt nghiệp THPT từ 6 môn bắt buộc xuống còn 4 trong đó có 2 môn toán, ngữ văn là bắt buộc còn lại 2 môn HS tuỳ chọn trong 6 môn vật lý, hoá học, lịch sử, ngoại ngữ, sinh học, địa lý. Kết quả môn lịch sử chỉ có 11,52% HS đăng ký.
Năm 2015, năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Các thí sinh dự thi 4 môn, trong đó 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ là bắt buộc, môn thi thứ 4 là lựa chọn. Theo thống kê từ Bộ, môn lựa chọn thấp nhất vẫn là lịch sử 15,3%.
Nhiều người cho rằng đây là tỷ lệ khi lịch sử còn là môn học bắt buộc. Đến năm 2018, trở thành môn tự chọn, e rằng càng ít HS quan tâm.
Bích Thanh

Ý kiến:
Nội dung học chưa thuyết phục
Nội dung có những điểm không thuyết phục. HS thường thích học lịch sử thế giới và “ngán” sử VN. Việc phân bổ nội dung không phù hợp, khiến giáo viên phải đảm bảo đúng phân phối chương trình nên không có thời gian khắc sâu kiến thức, giúp HS hứng thú”.
Chu Thị Bích Ngà 
(Cựu giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)
Đừng hàn lâm
“Chương trình học, SGK phải ngắn gọn, rõ ràng, đừng hàn lâm, nên đưa ra câu hỏi mở để kích thích HS. Môn lịch sử vẫn nên là môn bắt buộc. Xã hội cũng nên tạo cho HS nhiều cơ hội nghề nghiệp bắt nguồn từ môn lịch sử”.
Nguyễn Tiến Vinh
 
(Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa – TP.HCM)
B.Thanh (ghi)

Cần thay đổi cách dạy sử
PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ, tác giả SGK lịch sử hiện hành, khẳng định: “Chỗ đứng của môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông cũ và mới về cơ bản không có gì thay đổi. Điều cần bàn không phải vị thế của môn học này trong chương trình ra sao mà phải thay đổi cách viết SGK, cách dạy học môn lịch sử như thế nào để hấp dẫn HS”.
Theo ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Trường Kanazawa (Nhật Bản), muốn HS thích học sử và giáo dục lịch sử có ích cho cuộc sống của cá nhân cũng như sự tiến bộ của cộng đồng mà lại cứ kêu gọi tăng cường kể chuyện lịch sử và lý giải học lịch sử thuần tuý là để hiểu biết về quá khứ và biết ơn ông bà tổ tiên thì không ổn. “Giáo dục lịch sử hiện đại, trước hết phải xuất phát từ các vấn đề của xã hội hiện đại và nhằm giải thích hiện tại. Từ đó mà lần tìm lại quá khứ, khám phá quá khứ”, ông Vương chia sẻ.
Ông Vương nêu ví dụ: “Chẳng hạn như các thầy cô có thể cho HS nghiên cứu vấn đề tắc đường kẹt xe ở TP.Hà Nội (nếu là HS ở Hà Nội) rồi tìm hiểu xem sự khởi phát đó đến từ đâu, quá trình trầm trọng hoá nó, từ đó suy ngẫm và thảo luận về sự ứng phó. Ở nông thôn thì tiến hành điều tra xã hội học xem trong làng mà các em sống hiện đang gặp vấn đề gì: lao động trẻ ra thành phố, ô nhiễm môi trường… từ đó tìm hiểu ngược lại”.
Cũng theo ông Vương, chương trình mới không phải khai tử môn sử. Ông Vương giải thích, giáo dục lịch sử có 2 kiểu. Một là, thông sử mà ở đó lịch sử tồn tại như một môn học độc lập (cách làm của VN suốt từ xưa đến nay). Hai là, kiểu nghiên cứu xã hội, nghĩa là học tập lịch sử được diễn ra trong cái khung môn nghiên cứu xã hội. Bằng việc đưa môn khoa học xã hội vào, có vẻ như Bộ GD-ĐT đã du nhập kiểu thứ hai giống như các nước tiên tiến khác. Tuy nhiên, có lẽ do thiếu nghiên cứu nên nền tảng lý luận yếu, thiếu tính thuyết phục và lúng túng.
Quý Hiên – Tuyết Mai

Tuệ Nguyễn