06/01/2025

Doanh nghiệp khổ vì lãi vay nợ cũ

Lãi suất cho vay giảm khá mạnh nhưng lợi nhuận của nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh, bỏ túi hàng ngàn tỉ đồng. Vậy nguồn lợi mà các nhà băng ‘bỏ túi’ từ đâu?

 

Doanh nghiệp khổ vì lãi vay nợ cũ

 

 

Lãi suất cho vay giảm khá mạnh nhưng lợi nhuận của nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh, bỏ túi hàng ngàn tỉ đồng. Vậy nguồn lợi mà các nhà băng ‘bỏ túi’ từ đâu?



Khách hàng cần lưu ý cách tính lãi suất vay sau khi lãi suất ưu đãi kết thúc - Ảnh: Ngọc ThạchKhách hàng cần lưu ý cách tính lãi suất vay sau khi lãi suất ưu đãi kết thúc – Ảnh: Ngọc Thạch
Lợi nhuận ngân hàng (NH) chủ yếu vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, nhìn vào những con số lợi nhuận “khủng” các NH vừa công bố cũng có thể thấy trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp và cá nhân vay vốn đã phải khốn khổ với lãi vay như thế nào. Cụ thể, theo kết quả kinh doanh từ tháng 1 – 9.2015 vừa được công bố, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 4.527,5 tỉ đồng; MB khoảng 2.400 tỉ đồng; ACB là 1.092 tỉ đồng.
Trước đó, BIDV công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 3.117 tỉ đồng, Sacombank là 1.525 tỉ đồng, VietinBank 3.879 tỉ đồng…
Lãi vay giảm vẫn lời lớn
Theo NHNN, tính đến ngày 31.8, các NH đã cho nền kinh tế vay hơn 4,376 triệu tỉ đồng, tăng 10,21% so với cuối năm trước.

 
 
Doanh nghiệp khổ vì lãi vay nợ cũ - ảnh 2

 

Doanh nghiệp hiện nay có mức sinh lời khoảng 10 – 15%/năm là đã quá thành công, trong khi vốn kinh doanh của họ 70 – 80% là từ NH. Với mức lãi vay trên thì doanh nghiệp làm ra chỉ đủ trả nợ vay NH, còn đâu động lực để kinh doanh, còn đâu vốn để mở rộng hay tái đầu tư

 

Doanh nghiệp khổ vì lãi vay nợ cũ - ảnh 3
 

 

TS Bùi Quang Tíngiảng viên Khoa Quản trị doanh nghiệp (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM)

 

 
Điều đáng nói là các nhà băng đạt mức lợi nhuận ấn tượng ngay trong khi lãi vay đã giảm khá mạnh, phổ biến ở mức 6 – 8%/năm. Cụ thể, Vietcombank đang triển khai cho vay cá nhân, hộ kinh doanh với lãi suất (LS) 7,2%/năm. Với những người có tài khoản ở NH này sẽ được ưu đãi thêm 0,3%, tương đương mức 6,9%/năm.
VietinBank vừa mới tiếp tục duy trì chương trình “10.000 tỉ ưu đãi lãi vay” với LS cho vay sản xuất kinh doanh dưới 12 tháng là 6,5%/năm trong 1/2 thời gian vay, LS cho vay 7%/năm đối với vay tiêu dùng áp dụng cho các khoản vay trên 60 tháng, LS ưu đãi này tối đa không quá 6 tháng…
NH TMCP An Bình (ABBank) vừa dành ra 2.500 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà đất, xây, sửa nhà, vay mua xe ô tô, vay tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh… đối với 2 chương trình vay với LS lần lượt là 7,49%/năm trong vòng 3 hoặc 6 tháng giải ngân đầu tiên với những hợp đồng có thời gian vay dưới 24 tháng; thời gian vay trên 24 tháng sẽ áp dụng LS vay 7,99%/năm trong 12 tháng giải ngân đầu tiên…
Từ đầu tháng 9, NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) liên kết cùng chủ đầu tư Khang Ðiền hỗ trợ khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà ở thuộc Dự án Mega Village với LS cho vay 0%/năm trong suốt 36 tháng.
Lãi vay phổ biến từ 6 – 8%/năm trong khi LS huy động cũng đang từ 4 – 6,5%/năm tuỳ thời hạn khiến nhiều người thắc mắc, lợi nhuận ngàn tỉ mà các NH có được là từ đâu?
Lý giải điều này, TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị doanh nghiệp (Trường đại học NH TP.HCM), phân tích với mức huy động bình quân chỉ 4%/năm, việc nhà băng cho vay 6 – 8%/năm thì chênh lệch giữa đầu vào với đầu ra đã tới 3 – 4% nên vẫn lời lớn. Trên thực tế, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn (có mức LS trung bình 4 – 5%) chiếm 70% tổng nguồn vốn huy động của NH nên đầu ra 6 – 8%/năm vẫn đưa về khoản lợi nhuận không hề nhỏ.
Vắt kiệt khách hàng cũ
Nhưng nguồn lợi lớn hơn đến từ các hợp đồng vay cũ. Anh Minh (Q.7) kể cách đây 4 năm, anh vay NH S. số tiền 450 triệu đồng để mua nhà, cứ 3 tháng 1 lần NH tính lại LS vay. Tháng 7 vừa rồi, NH tính lại LS vay là 12,65%/năm cho số tiền 300 triệu đồng còn nợ. “LS huy động của NH đã giảm từ nhiều năm nay nhưng tôi chưa bao giờ được giảm LS cho vay về dưới 10%/năm. Trong khi các hợp đồng vay mới chỉ áp dụng LS vay 6 – 7%/năm nên tôi định mượn tiền của người thân trả NH rồi vay lại để được LS vay rẻ hơn”, anh Minh bức xúc. Theo anh Minh, hợp đồng của anh với NH có điều khoản, LS cho vay sẽ bằng LS huy động 13 tháng cộng với biên độ 5%. Theo bảng LS huy động của NH này, ở các kỳ hạn từ 5 – 6,9%/năm nhưng riêng kỳ hạn 13 tháng thì hiện nay tăng vọt lên 8%/năm, cộng với biên độ 5%, anh Minh phải chịu mức lãi vay gần 13%. “Chứng tỏ NH đưa ra LS huy động kỳ hạn 13 tháng cao chỉ với mục đích tính LS vay cao”, anh Minh ấm ức.
Một trường hợp khác là anh H. (Q.4) hiện đang vay NH A., lần gần nhất cách đây 1 tuần, NH này thông báo khoản vay của anh sẽ áp dụng mức LS 11,9%/năm trong 3 tháng tới. “Cứ nói lãi vay giảm, nhưng trong 3 năm vay tiền chúng tôi chưa bao giờ được hưởng mức lãi vay dưới 11%”, anh H. nói và bức xúc: “Bao nhiêu năm nay tôi vay ở NH A. chưa trễ hạn trả nợ ngày nào, vậy mà giờ họ đối xử tính LS cho mình còn cao hơn là khách hàng vay mới. Tôi sẽ chuyển sang vay NH khác với LS thấp hơn đồng thời chuyển cả khoản nợ vay cũ”.
Với nhu cầu phát sinh nợ vay NH diễn ra liên tục, anh Khoa (Q.1) chỉ cách “lách” LS cho vay cao: “Cách đây 1 năm, tôi vay NH tiền để mua chung cư, lúc đó NH tính LS cho vay 7%/năm trong vòng 12 tháng. Sau khi kết thúc 12 tháng, NH tính lại LS vay là 10%/năm. Tôi đã xoay tiền trả cho NH và hiện nay vay một khoản mới chỉ với LS 6,5%/năm trong vòng 12 tháng”.
TS Bùi Quang Tín nhận xét mức LS vay 11 – 13%/năm là quá cao trong điều kiện hiện nay (gần gấp đôi so với mức LS cho vay mới – PV). Điều này cho thấy dịch vụ chăm sóc khách hàng cũ của NH hiện nay rất kém. “Doanh nghiệp hiện nay có mức sinh lời khoảng 10 – 15%/năm là đã quá thành công, trong khi vốn kinh doanh của họ 70 – 80% là từ NH. Với mức lãi vay trên thì doanh nghiệp làm ra chỉ đủ trả nợ vay NH, còn đâu động lực để kinh doanh, còn đâu vốn để mở rộng hay tái đầu tư”, ông Tín nói. Chuyên gia tài chính Ngô Sang nhận xét việc duy trì LS hợp đồng cũ ở mức cao sẽ dẫn đến hệ lụy khách hàng phá vỡ hợp đồng vay, chấp nhận trả phạt để được chuyển qua NH khác vay với LS thấp hơn. Các hình thức đảo nợ, chuyển nợ NH đang gia tăng.
“Nỗi đau” nợ cũ thực tế đã ám ảnh các doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Năm 2012, NHNN thậm chí đã nhiều lần có văn bản, họp, yêu cầu các NH thương mại giảm LS đối với những khoản vay cũ nhưng thực tế vấn đề này vẫn luôn được duy trì. “LS cho vay cao rất dễ dẫn đến phát sinh nợ xấu, vấn đề mà các NH hiện nay đang xử lý. Chủ trương điều chỉnh LS vay cũ của NHNN cách đây vài năm cần triển khai trở lại”, TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.

 

Thanh Xuân