Báo cáo điều tra thảm hoạ MH17: Lờ mờ nên gây tranh cãi
Sau khi Uỷ ban An toàn Hà Lan (DSB) công bố báo cáo điều tra khẳng định một quả tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn rơi máy bay MH17, những tranh cãi và đổ lỗi giữa Nga và phương Tây lại bùng lên.
Báo cáo điều tra thảm hoạ MH17: Lờ mờ nên gây tranh cãi
Sau khi Uỷ ban An toàn Hà Lan (DSB) công bố báo cáo điều tra khẳng định một quả tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn rơi máy bay MH17, những tranh cãi và đổ lỗi giữa Nga và phương Tây lại bùng lên.
Phần buồng lái máy bay MH17 được các nhà điều tra Hà Lan dựng lại đặt tại Gilze Rijen (Hà Lan) – Ảnh: Reuters |
DSB xác định một đầu đạn 9N314M bắn đi từ hệ thống tên lửa phòng không Buk tại miền đông Ukraine đã phá hủy chiếc Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines, khiến 298 người thiệt mạng.
Báo cáo không kết luận ai là kẻ đã gây ra thảm hoạ này, nhưng DSB xác định tên lửa xuất phát từ một khu vực rộng ở phía đông nam vùng Grabovo, thuộc miền đông Ukraine.
Chủ tịch DSB Tjibbe Joustra sau đó giải thích thêm tại họp báo: “Đây là khu vực mà biên giới thường xuyên thay đổi, nhưng là nơi quân ly khai thân Nga thực thi luật pháp”. DSB cũng cho rằng lẽ ra chính quyền Ukraine cần đóng cửa không phận do tình trạng xung đột.
“Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm ra hung thủ |
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte |
Khoảnh khắc khủng khiếp
Báo cáo của DSB mô tả lại thời điểm khủng khiếp trên bầu trời miền đông Ukraine ngày 17-7-2014. Theo các nhà điều tra, quả tên lửa Buk nổ ở cánh trái, tạo ra khoảng 800 mảnh vỡ bắn xuyên qua phần trước máy bay với tốc độ và sức mạnh cực lớn.
Ba phi công ngồi trong buồng lái thiệt mạng ngay lập tức và máy bay bị vỡ trên không. Các bằng chứng cho thấy buồng lái máy bay và khoang hạng thương gia bị xé ra và rơi xuống đất ngay lập tức.
Phần còn lại của máy bay tiếp tục lao đi trên bầu trời thêm 8,5km trước khi vỡ ra. Đuôi máy bay rơi xuống đất trước, còn phần giữa máy bay có động cơ đâm thẳng xuống mặt đất và nổ tung. “Khi máy bay rơi xuống đất, một tiếng nổ cực lớn vang lên” – báo cáo viết.
Thời gian từ lúc quả tên lửa nổ cho đến khi thân và đuôi máy bay rơi xuống đất kéo dài từ 60 – 90 giây. Ngoài ba phi công, các mảnh vỡ từ quả tên lửa cũng lập tức sát hại một số hành khách.
Trong khoang máy bay, các hành khách rơi vào tình cảnh vô cùng khủng khiếp. Khi đó máy bay đột ngột thay đổi tốc độ và bổ nhào xuống đất, lượng oxy sụt xuống, không khí lạnh như băng tràn vào bên trong, các mảnh vỡ bắn đi khắp nơi.
Các nhà điều tra không phát hiện bằng chứng nào cho thấy hành khách hay nhân viên phi hành đoàn “thực hiện bất kỳ hành động có ý thức nào”.
Như vậy, các hành khách thiệt mạng rất nhanh. Các chuyên gia Hà Lan tìm thấy hơn 120 mảnh kim loại găm vào cơ thể cơ trưởng chuyến bay MH17. Tuy nhiên họ cũng phát hiện ra rằng có kẻ đã khám nghiệm tử thi của cơ trưởng để lấy ra nhiều mảnh kim loại. Có khả năng đây là hành vi phá huỷ bằng chứng nhằm che giấu nguyên nhân máy bay gặp thảm họa.
Chỉ tay kết tội
Ngay sau khi DSB công bố báo cáo, Chính phủ Mỹ tuyên bố đánh giá của Nhà Trắng không thay đổi. Đó là “tên lửa đất đối không phóng đi từ vùng lãnh thổ do quân ly khai ở miền đông Ukraine phá huỷ máy bay MH17”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon mô tả bản báo cáo là “một bước đi tới sự thật” và “bác bỏ hoàn toàn các thuyết âm mưu hoang đường mà Nga tung ra kể từ hành vi đáng ghê tởm đó”.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk thẳng thừng buộc tội Nga: “Chắc chắn đây là một chiến dịch do đặc nhiệm Nga lên kế hoạch từ trước để bắn máy bay dân dụng”.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte kêu gọi Nga hợp tác với cuộc điều tra hình sự nhằm xác định hung thủ gây ra thảm hoạ MH17. “Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm ra hung thủ” – ông Rutte nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop chỉ trích Nga đang cố tình bôi nhọ và dìm kết quả điều tra. Bà nhấn mạnh dù Nga phủ quyết nghị quyết Liên Hiệp Quốc về việc thành lập toà án xét xử tội ác MH17, nhưng “cuộc đấu tranh đi tìm sự thật vẫn sẽ tiếp diễn”.
Trong khi đó, Nga phản đối dữ dội kết quả điều tra. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nghi ngờ mục tiêu của cuộc điều tra là biện minh cho các cáo buộc của phương Tây.
Matxcơva cũng lên án DSB không xem xét kết quả điều tra của hãng vũ khí Nga Almaz-Antey rằng quả tên lửa Buk phá huỷ máy bay MH17 là loại cũ, hiện Nga không còn sử dụng.
Tuy nhiên AFP dẫn lời chuyên gia vũ khí Nick de Larrinaga của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s khẳng định mọi bằng chứng đều cho thấy kể cả phiên bản tên lửa Buk cũ cũng vẫn nằm trong kho vũ khí của quân đội Nga ở thời điểm máy bay MH17 bị bắn rơi.
Điện Kremlin cũng phàn nàn việc các nhà điều tra Nga không được tiếp cận các tài liệu và bằng chứng của cuộc điều tra. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov mô tả DSB “thực hiện các mệnh lệnh chính trị” trong cuộc điều tra này.
Matxcơva vẫn duy trì quan điểm quân đội Ukraine đã bắn rơi máy bay MH17. Điện Kremlin cũng chỉ trích chính quyền Ukraine không đóng cửa không phận bất chấp xung đột nghiêm trọng.