VN và Nhật Bản cùng quan tâm toàn vẹn lãnh thổ
Ngày 13.10, Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức hôm qua (13.10) tổ chức hội thảo “Mối liên hệ giữa con đường phát triển 70 năm sau chiến tranh của Nhật Bản và tiến trình hội nhập quốc tế của VN” tại Hà Nội.
VN và Nhật Bản cùng quan tâm toàn vẹn lãnh thổ
Ngày 13.10, Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức hôm qua (13.10) tổ chức hội thảo “Mối liên hệ giữa con đường phát triển 70 năm sau chiến tranh của Nhật Bản và tiến trình hội nhập quốc tế của VN” tại Hà Nội.
Tại hội thảo, GS Tomohito Shinoda (Giám đốc Chương trình nghiên cứu Quốc tế, ĐH Quốc tế Nhật Bản) đưa ra 4 kịch bản về tương lai châu Á – Thái Bình Dương căn cứ trên cân bằng sức mạnh giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này. Các kịch bản này có thể được biểu thị như 4 phần chia bởi 2 trục trong đó trục hoành thể hiện cân bằng sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc và trục tung thể hiện sức mạnh của Nhật Bản.
Theo GS Tomohito Shinoda, nhiều tính toán quốc tế dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về GDP vào cuối những năm 2020. Tuy nhiên điều này chưa có gì chắc chắn. Theo ông Shinoda, 30 năm trước đây nhiều người cũng đã dự đoán Nhật sẽ thành một cường quốc kinh tế sánh ngang Mỹ nhưng điều đó đã không xảy ra. Cũng theo ông, việc phát triển quá nhanh của Trung Quốc có những vấn đề nội bộ như gia tăng khoảng cách thu nhập, ô nhiễm, tham nhũng…
Cũng tại hội thảo, GS.Toshiya Hoshino, Phó Chủ tịch điều hành Đại học Osaka, cho rằng để đảm bảo cho an ninh khu vực, Nhật Bản và VN cần phối hợp để khuyến khích Mỹ tăng cường hiện diện chiến lược ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ dương.
Không đồng tình với quan điểm của một học giả VN cho rằng VN có những hạn chế do là “nước nhỏ”, GS Yuichi Hosoya (ĐH Keio) khẳng định VN ít nhất là một quốc gia “trung bình”, đồng thời ngày càng trở thành một nhân tố có sức ảnh hưởng lớn. Điểm chung thú vị giữa hai nước được ông Hosoya chỉ ra đó là ở châu Á chỉ có Nhật Bản và VN từng có chiến tranh với Mỹ và Trung Quốc. “Mặc dù bản chất các cuộc chiến tranh là rất khác nhau nhưng có thể nói chỉ có VN và Nhật Bản đều rất hiểu cả điểm mạnh, điểm yếu của Mỹ và Trung Quốc. VN và Nhật Bản cũng cũng hiểu rõ giá trị của độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. VN và Nhật Bản đều rất nghiêm túc trong việc bảo vệ chủ quyền, không để nước ngoài xâm lược”, GS Hosoya nói.
Theo GS Hosoya trong bối cảnh các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, cả VN và Nhật Bản cùng rất quan tâm đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ nhưng không để chiến tranh xảy ra. Vì vậy cần có cách tiếp cận phức tạp và bài bản về vấn đề an ninh. Theo ông Hosoya, VN cần có cách tiếp cận “thông minh” đối với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Trả lời Thanh Niên, GS.Toshiya Hoshino cho rằng thay vì chỉ tiếp cận vấn đề tranh chấp dưới góc độ lợi ích quốc gia, VN cần xem đây như vấn đề quốc tế trong đó lợi ích của VN nằm trong lợi ích của quốc tế. “Ví dụ việc Trung Quốc đơn phương cải tạo đất ở Biển Đông. Nếu xét đến vị trí chiến lược của các rặng san hô này thì đây đã trở thành một vấn đề quan tâm toàn cầu”.
Trường Sơn