29/11/2024

Nguy cơ sản xuất bị thu hẹp

Đó là cảnh báo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đưa ra tại phiên họp hôm qua của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Nguy cơ sản xuất bị thu hẹp

 

 

Đó là cảnh báo Chủ nhiệm Uỷ  ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đưa ra tại phiên họp hôm qua của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.


 


Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng qua 12.10 - Ảnh: TTXVNPhiên họp thứ 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng qua 12.10 – Ảnh: TTXVN
 

Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng qua 12.10 - Ảnh: TTXVNPhiên họp thứ 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng qua 12.10 – Ảnh: TTXVN
Theo ông Giàu, khu vực kinh tế trong nước thường xuyên nhập siêu trong khi hoạt động của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu. Nếu không thúc đẩy sự phát triển khối DN tư nhân thì sản xuất trong nước sẽ ngày càng thu hẹp.
Báo động giải thể doanh nghiệp
Trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế – xã hội trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho biết năm 2015 kinh tế phục hồi khá rõ nét. Trong 9 tháng đầu năm, GDP đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ cả 4 năm trước. Dự kiến 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo nghị quyết của QH.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH đánh giá cao những kết quả thực hiện, nhưng lưu ý có một số ý kiến cho rằng việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững. Năm 2015 đã nhập siêu trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất siêu. Số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung và dài hạn. Cụ thể, giải thể đã tăng từ 60.000 năm 2013 lên 67.800 năm 2014. Riêng 9 tháng đầu 2015 con số này là hơn 54.500. “Nghĩa là 9 tháng đầu năm 2015, số DN khó khăn tương đương cả năm 2011 và 2012”, ông Giàu nói.
Đánh giá khái quát ban đầu về kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2015, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế khẳng định nhiều chỉ tiêu đạt thấp. Cụ thể, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2014 khoảng 5,88%, thấp hơn giai đoạn trước và thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân (6,5 – 7%). Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng còn hạn chế. Năng suất lao động VN chỉ bằng 1/8 Singapore; 1/6,5 Malaysia và 1/2,7 Thái Lan. Chất lượng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có huyện, xã còn hộ nghèo chiếm 50%. Tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp chưa có việc làm cao, 2010 – 2014 trung bình tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm chỉ đạt 60%.
Theo Uỷ ban Kinh tế, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách dự kiến là 5% không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu chính phủ). Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011 – 2015, hiệu quả sử dụng vốn ODA và các chính sách sử dụng vốn ODA chưa cao, chưa gắn với chính sách huy động vốn đối ứng, áp lực và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Cần minh bạch việc mua lại ngân hàng giá 0 đồng
Đánh giá về việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, Uỷ ban Kinh tế nhận định việc tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công đã phân bổ và quản lý nguồn lực ngân sách nhà nước tập trung hơn vào các dự án, công trình có hiệu quả kinh tế – xã hội. Huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài vào các dự án khu vực đầu tư công nhiều hơn ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, có một số ý kiến cho rằng kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, vẫn còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư. Tính đến hết năm 2014, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước khoảng 46.000 tỉ đồng và tổng số vốn ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi là 62.000 tỉ đồng.
Liên quan đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, báo cáo đánh giá việc này đã cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả bước đầu, giảm dần số lượng các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ xấu của Công ty quản lý tài sản (VAMC) chưa thực sự hiệu quả. Việc các ngân hàng thương mại xử lý phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, kể cả các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm lớn nguồn thu ngân sách.
“Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù nền kinh tế phục hồi nhưng DN trong nước còn vô cùng khó khăn thì xử lý nợ xấu khó mang lại thực chất. Có ý kiến đề nghị đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng cần công khai minh bạch”, ông Giàu nhấn mạnh.
Bán 10.000 tỉ đồng cổ phần nhà nước để xử lý hụt thu ngân sách
Cùng ngày, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với phương án Chính phủ đề xuất sử dụng một phần tiền bán bớt cổ phần nhà nước tại DN (khoảng 10.000 tỉ đồng) để góp phần xử lý hụt thu ngân sách T.Ư.
Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, một trong các vấn đề nổi lên là nguồn thu từ dầu khí hụt lớn so với dự toán. Trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu (ước cả năm chỉ đạt 56,7 USD/thùng, giảm trên 43 USD/thùng so với giá dự toán) dẫn đến số thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỉ đồng, thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỉ đồng do giảm thu từ hoạt động khai thác khí, thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất… Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khoảng 19.000 tỉ đồng do trị giá tính thuế xuất khẩu dầu thô, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu giảm. Đây là mức hụt thu lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách T.Ư.

Trường Sơn