“Đáp án Syria” của Matxcơva
Giới quan sát tại Nga nhận định điện Kremlin đã có một quá trình chuẩn bị đầy đủ trước chiến dịch Syria, từ lựa chọn thời điểm bắt đầu đến những lợi ích chiến lược cuộc chiến mang lại.
“Đáp án Syria” của Matxcơva
Giới quan sát tại Nga nhận định điện Kremlin đã có một quá trình chuẩn bị đầy đủ trước chiến dịch Syria, từ lựa chọn thời điểm bắt đầu đến những lợi ích chiến lược cuộc chiến mang lại.
Tổng thống Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 2-10 và Tổng thống Putin lắng nghe câu hỏi trong cuộc gặp tại Paris ngày 2-10 – Ảnh: Reuters |
Ngày 30-9, Hội đồng liên bang Nga trao quyền cho Tổng thống Vladimir Putin điều động quân đội ra nước ngoài. Từ thời khắc đó cho đến lúc máy bay ném bom Nga oanh tạc các mục tiêu trên đất Syria chỉ tính bằng giờ đồng hồ.
Chỉ có một chiến lược rõ ràng và sự chuẩn bị đầy đủ mới giải thích cho sự thần tốc này. Tạp chí Expert của Nga phân tích công cuộc chuẩn bị, mục tiêu và lợi ích của Matxcơva trong cuộc chiến tại Syria như sau:
Chuẩn bị đầy đủ
Một chiến dịch quân sự đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài, trước hết trên mặt trận ngoại giao. Tổng thống Putin đã đối thoại với những nước có lợi ích trong cuộc chiến tại Syria.
Chẳng hạn với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, Nga thỏa thuận được cơ chế tránh va chạm giữa các lực lượng vũ trang. Với Iran, Iraq là việc chia sẻ thông tin tình báo, quân sự. Với châu Âu và Mỹ là các cuộc thảo luận về tương lai Syria cũng như số phận Tổng thống Bashar al-Assad.
Dù chưa đạt được sự nhất trí với phương Tây, nhưng chính các bước đi ngoại giao này vào một số thời khắc giải thích cho phản ứng có phần kiềm chế và ôn hoà từ phía Washington trước chiến dịch quân sự của Nga, dù Mỹ thừa hiểu Matxcơva còn có những mục tiêu khác tại đây.
Theo quan điểm của họ, các phe phái đều là khủng bố. Và cách nhìn đó chắc chắn là một thảm họa |
Tổng thống Mỹ BARACK OBAMA, trong cuộc họp báo ngày 2-10, cảnh báo việc máy bay Nga tấn công các phe đối lập ở Syria |
Khẳng định vị thế cường quốc
Suốt những năm cầm quyền, Tổng thống Putin dành phần lớn sức mạnh của nền đối ngoại để bảo vệ vị thế nước Nga trong không gian Liên Xô cũ trước làn sóng phương Tây.
Đến nay, chính sách toàn cầu của Nga chỉ gói gọn trong việc chống lại sự thống trị của Mỹ và xây dựng một thế giới đa cực. Đây đơn thuần chỉ là phản ứng, không đủ để Nga hình thành một hệ thống quan hệ quốc tế của riêng mình.
Chiến dịch Syria đánh dấu bước chuyển tiếp của Nga từ vai trò dẫn đầu khu vực sang thế chủ động trong một vấn đề mang tính quốc tế. Đây là một bài kiểm tra.
Nếu thành công, Nga không chỉ khẳng định được vị thế cường quốc mà còn giúp điện Kremlin giữ vai trò quan trọng trong thế giới đa cực tương lai. Nếu thất bại, Nga có thể quên đi tham vọng thế giới của mình để trở về với ao nhà.
Cả hai chúng tôi đều nhấn mạnh về việc chính IS là kẻ thù mà chúng tôi cần chống lại |
Tổng thống Pháp FRANÇOIS HOLLANDE nói với báo giới về cuộc gặp của ông với Tổng thống Putin tại Paris ngày 2-10 |
Giải quyết bài toán Ukraine
Một mục tiêu quan trọng khác của Nga lần này chính là đánh lạc hướng. Không phải hướng sự chú ý của dư luận trong nước khỏi thực trạng kinh tế khó khăn (không ai chọn chiến tranh để giải quyết kinh tế!), mà là kéo sự quan tâm của phương Tây ra khỏi Ukraine, chuyển sang những vấn đề cấp bách hơn. Ít ra tại Syria thì Nga, châu Âu và Mỹ còn có một kẻ thù chung là IS.
Ông Putin đã lựa chọn rất đúng thời điểm để tham gia trận chiến Syria, đặc biệt sau khi nhóm khủng bố IS đã trưng ra cho cả thế giới thấy sự dã man, tàn bạo của chúng. Trong mắt người dân phương Tây, IS bây giờ đại diện cho cái gì đó cực kỳ tàn ác.
Theo môtip Hollywood, Tổng thống Putin trưng ra cho họ thấy Nga đại diện cho “cái tốt” khi tham gia đánh IS, hoặc ít ra hình ảnh của Nga không còn đồng nghĩa với “cái ác” nữa. Phương Tây sắp tới sẽ phải chật vật hơn để nghĩ ra một lý do cấm vận Nga.
Tương lai của Nga ở Syria
Thời điểm và quyết tâm cũng chưa đủ bảo đảm một chiến thắng cho Nga. Nhiệm vụ quan trọng nhất Matxcơva cần phải bảo đảm là không sa lầy vào cuộc khủng hoảng Syria.
Ông Putin tuyên bố chiến dịch quân sự của Nga ở Syria chỉ là không kích, nhưng nếu quá tự tin để sa chân, ông Putin sẽ mang về nhà một Afghanistan mới.
Nga một mình không đủ tài nguyên lẫn tiềm lực chính trị để tiến hành cuộc chiến Syria, Matxcơva phải tranh thủ tìm đồng minh hỗ trợ, đặc biệt những nước hiện đang nằm trong liên minh do Mỹ dẫn đầu – các quốc gia theo Hồi giáo Sunni (đồng minh của Nga như Iran, Iraq… chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite).