Học văn như robot thì lớn lên dễ vô cảm
Đó là một trong các ý kiến tại Hội thảo Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN do Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư (Ban Tuyên giáo T.Ư) tổ chức tại TP.HCM vào ngày 3.10.
Học văn như robot thì lớn lên dễ vô cảm
Đó là một trong các ý kiến tại Hội thảo Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN do Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư (Ban Tuyên giáo T.Ư) tổ chức tại TP.HCM vào ngày 3.10.
Gần 150 nhà nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã tham dự hội thảo trên.
PGS-TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư trong phát biểu khai mạc đã đặt ra vấn đề cấp bách của văn học – nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN: “Cần dũng cảm thừa nhận một thực tế không vui là nhân cách, đạo đức xã hội hiện nay đang có xu hướng bị tha hoá ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi, những vụ án giết người ngày càng man rợ gần đây khiến dư luận xã hội bàng hoàng, đe doạ trực tiếp đến trật tự an ninh. Là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, chúng ta phải luôn trăn trở, suy nghĩ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình”.
|
“Sự chai lì nhân cách”
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng có mặt tại hội thảo từ rất sớm. Ông mở đầu câu chuyện bằng tâm sự: “Tại sao dân tộc VN dưới sự lãnh đạo của Đảng chiến thắng được giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước với nhiều thành tựu rực rỡ lại để tồn tại những tiêu cực như thế? Trong hoàn cảnh mới, rất mới của tình hình, chúng ta cần phải tỏ rõ bản lĩnh chính trị, bản lĩnh văn hóa để không bị nô dịch về văn hoá, bị biến chất. Giáo dục, xây dựng nhân cách con người trong hoàn cảnh kinh tế thị trường là một việc làm khó nhưng hoàn toàn có thể làm được, làm tốt”.
Kinh tế ngày càng phát triển, giới trẻ lao vào làm ăn, chơi game, ít đọc sách dẫn đến sự trơ lì về nhân cách. Nhà thơ Văn Công Hùng chua chát: “Tôi từng vào các thư viện tìm hiểu thì sinh viên vào ngồi… học bài là chính, chứ chẳng phải để tìm sách. Nhiều tác phẩm bán chạy chưa chắc đã có văn hoá, còn những đứa con tinh thần nhà văn rứt ruột đẻ ra lại chẳng ai đọc. Đau lắm. Học sinh ở trường học văn mẫu theo kiểu robot rồi nhân cách các em sẽ ra sao khi các robot vô cảm này ứng xử với nhau. Sự chai lì về nhân cách, không biết xấu hổ ngày càng tăng thì tội ác sẽ có cơ hội bộc phát”.
“Con muốn mẹ gặp ông cụ xin lỗi giúp con”
Trong khi đó, sự hình thành nhân cách không phải xuất phát từ điều gì to tát, nhà văn Vũ Hạnh còn kể lại câu chuyện của chính người thân với gia đình ông: “Cô bạn tôi có đứa cháu ở quê 8 tuổi vào Sài Gòn khám bệnh. Buổi sáng trên đường đi gặp cụ già chạy xe ba gác bị ngã đổ xi măng ra đường, cháu xin mẹ dừng xe lại để giúp đỡ cho ông cụ nhưng vì phải đi cho kịp giờ hẹn với bác sĩ nên mẹ cháu từ chối. Cháu đã vẫy tay nói như khóc với ông già: “Cụ ơi, cháu xin lỗi cụ nhé!” và về nhà buồn cả ngày. Mẹ an ủi, cháu mới nói: “Con muốn mẹ gặp ông cụ xin lỗi giúp con”. Thử hỏi, với lòng yêu thương con người như vậy, sau này lớn lên dù có bị ảnh hưởng đời sống xã hội như thế nào, tôi tin nhân cách của đứa bé 8 tuổi ấy vẫn luôn tốt đẹp”.
“Thực tế nghiệt ngã của cuộc sống phải chăng đã là nguyên nhân dẫn đến một cách nhìn khá phổ biến: nỗi đau nhiều hơn niềm vui, các mầm mống của nhân cách kiểu mới yếu hơn sức sống dai dẳng của cái cũ… Và, hình như niềm tin của người sáng tạo rằng trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, những nhân cách lớn phải xuất hiện. Cần phải có sự chuyển động, đột phá của các quyết sách, thể chế và chế tài cho văn học nghệ thuật phát triển”, GS-TS Đinh Xuân Dũng, Tổng biên tập Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật kỳ vọng. Vì vậy, để tăng cường giáo dục được nhân cách, mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội hãy cùng hành động.
Trước tiên phải trung thực
Theo PGS-TS Trần Trí Trắc thì: “Đòi hỏi trước tiên phải là sự trung thực. Một vấn đề hết sức nan giải khi cuộc sống có quá nhiều điều giả dối, tốt xấu đan xen nhau… nhưng dù gian nan mấy cũng phải làm”. Một số ý kiến còn đề nghị nên có một cơ quan đủ quyền để thẩm định, giải quyết vấn đề bức xúc của văn học – nghệ thuật, kịp thời biểu dương các sáng tác hay, quảng bá kịp thời đến rộng rãi công chúng và lên án, loại trừ những sản phẩm văn hoá độc hại.
Nhà văn Vũ Hạnh quyết liệt: “Hiện nay đang có sự hữu khuynh một cách kỳ lạ. Nếu nói văn học nghệ thuật là một mặt trận thì người chiến sĩ nào không còn đủ tư cách, phản bội đồng đội, xúc phạm lịch sử thì phải bị loại trừ để củng cố cho mặt trận được bình yên, chứ không thể để yên như vậy được”. Còn nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng: “Văn học nghệ thuật lâu nay cứ theo lối mòn thích trưng bày những vết thương của xã hội mà không tìm cách làm sao để chữa cho lành vết thương. Do đó, vấn đề xây dựng nhân cách con người VN đặt ra trong lúc này là rất đúng và trúng”.
Đến dự Hội thảo Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người VN có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, ông Võ Văn Phuông – Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, ông Nguyễn Thành Phong – Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, ông Đào Văn Lừng – Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư tại TP.HCM, bà Thân Thị Thư – Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, PGS-TS Hồng Vinh, GS-TS Đinh Xuân Dũng, PGS-TS Đào Duy Quát, nhà thơ Hữu Thỉnh… và các nhà nghiên cứu, văn hoá tên tuổi: GS Nguyễn Đình Chú, nhà văn Vũ Hạnh, PGS-TS Trần Luân Kim, NSND Đặng Nhật Minh, nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha, nhà thơ Văn Công Hùng, nhà văn Văn Chinh, nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu…
|
Lê Công Sơn