28/11/2024

“Con bài” IS

Chiến dịch không kích “chống khủng bố” tại Syria bắt đầu nóng lên với sự tham dự của Nga. Nhưng nó đồng thời cũng mở ra nhiều dự đoán khó lường.

 

“Con bài” IS

 

Chiến dịch không kích “chống khủng bố” tại Syria bắt đầu nóng lên với sự tham dự của Nga. Nhưng nó đồng thời cũng mở ra nhiều dự đoán khó lường.


 


Lựa mua quần áo quân sự bày bán trên phố Maarat Al-Nouman, phía nam thành phố Idlib, Syria ngày 30-9 - Ảnh: Reuters
Lựa mua quần áo quân sự bày bán trên phố Maarat Al-Nouman, phía nam thành phố Idlib, Syria ngày 30-9 – Ảnh: Reuters

Các máy bay của Nga đã nhanh chóng tiến hành chiến dịch không kích “chống khủng bố” tại Syria, và tuyên bố phá huỷ nhiều mục tiêu của “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS)…

Nhiều bên xác nhận việc máy bay Nga xuất kích, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định các vị trí bị máy bay Nga đánh phá “hoàn toàn không có IS”.

Các nước lại ồn ào về ý đồ thực của Nga trong việc không kích tại Syria. Khối các nước Ả Rập và phe đối lập Syria công khai coi việc Nga “can thiệp quân sự” vào Syria không nhằm chống IS, mà “để cứu chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad”.

Thế là đã lộ ra những khác biệt giữa các bên trong quan niệm về khủng bố và IS.

Ngay từ khi xuất hiện đối lập vũ trang chống Chính phủ Syria (cuối tháng 6-2011), Tổng thống al-Assad đã nhất quán coi tất cả các bên đối lập vũ trang là khủng bố, mặc dù mãi đến cuối năm 2012 mới ló dạng các nhóm tiền thân của al-Qaeda và IS hiện nay.

Từ đó đến tận hôm nay, theo các cáo buộc, quân đội Syria không chừa một thứ vũ khí nào, kể cả bom xăng và hơi ngạt, để tàn phá tất cả những khu vực do vũ trang đối lập kiểm soát và chính quyền Syria gọi đó là “đánh khủng bố”.

Iran và Nga – hai đồng minh thân cận nhất của chính quyền Syria đương nhiệm – cũng có quan niệm tương tự như Tổng thống al-Assad, xem tất cả các nhóm vũ trang chống Chính phủ Syria là “bất hợp pháp”, là “khủng bố”.

Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 28-9 ở New York (Mỹ), Tổng thống Vladimir Putin cũng khẳng định sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga tại Syria là để giúp chính quyền hợp pháp “chống khủng bố”.

Với Saudi Arabia, cũng như Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ, tại Syria chỉ có IS và al-Qaeda là khủng bố; còn các nhóm vũ trang đối lập khác, trong đó có nhiều nhóm thánh chiến cực đoan và cả tổ chức “Mặt trận Nusra” (bị Mỹ xếp loại “khủng bố”) thì đều là “cách mạng chống chính quyền độc tài al-Assad”. Nhóm Nusra thật sự được cả Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ mọi mặt.

Thậm chí gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar thuyết phục Nusra ly khai al-Qaeda để tránh tiếng “khủng bố”, nhưng thủ lĩnh Abu Bakr al-Golani không nghe theo.

Thực tế cho thấy các chính quyền Ả Rập không thể chấp nhận sự tồn tại của chế độ al-Assad bởi họ coi chính quyền của tổng thống Syria là “con bài phục vụ chiến lược của Iran tại khu vực Đông Ả Rập”! Không ít các chính khách Ả Rập đã công khai khẳng định (đối với Ả Rập) “Iran nguy hiểm hơn IS”!

Với Mỹ, tại Syria chỉ có ba nhóm bị liệt vào danh sách “khủng bố”, đó là IS, Mặt trận Nusra và tổ chức Khorasan (dạng IS tại Pakistan và Afghanistan).

Mỹ chỉ đánh ba nhóm này, không đánh các nhóm đối lập khác và cũng không đụng đến chính quyền al-Assad. Thậm chí, khi tuyển mộ người Syria cho đạo quân do Mỹ trực tiếp huấn luyện và trang bị để chống khủng bố, Mỹ buộc những người ghi danh phải cam kết không dùng vũ khí của Mỹ để đánh quân đội Syria. Cánh vũ trang của Tổ chức Hezbollah Libăng cũng bị Mỹ xếp loại “khủng bố”.

Nhưng hàng ngàn quân Hezbollah tham chiến tại Syria từ đầu năm 2014 để bảo vệ chế độ của Tổng thống al-Assad thì Mỹ không hề đụng đến.

Về mặt chính trị, Mỹ đồng quan điểm với phe đối lập Syria cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập. Nhưng về mặt quân sự và quan niệm về khủng bố, Mỹ mâu thuẫn cả với các đồng minh của phe đối lập và cũng bất đồng với chính quyền Syria cùng Nga và Iran.

Nhưng có lẽ nguyên nhân chính khiến IS vẫn tồn tại hầu như nguyên vẹn, nhất là ở Syria, chính bởi hầu như chẳng có lực lượng nào đánh IS thật sự tại thực địa Syria.

Ngoài cuộc chiến ở thành phố Kobani hồi cuối năm ngoái, mà chủ yếu là người Kurd đánh với IS, thì IS chỉ bị tấn công bởi các cuộc không kích của Mỹ và một số đồng minh. Không quân Syria “năm thì mười hoạ” mới bớt chút bom đạn ném xuống khu vực Reqqa – thủ phủ của IS.

Ngoài ra, quân đội Syria chỉ chống trả ở những nơi bị IS tấn công lấn chiếm. Các nhóm đối lập Syria, với đủ màu sắc, hệ phái cũng chỉ chống lại IS mỗi khi IS tranh giành quyền kiểm soát một khu vực nào đó của họ.

Syria trở nên an toàn với IS là như thế, nên gần đây bộ chỉ huy của IS tại Iraq đã chuyển về Syria để tránh thiệt hại khi các lực lượng Iraq, được Mỹ và Iran hỗ trợ mạnh mẽ đang nỗ lực tổ chức các chiến dịch nhằm giành lại các địa bàn rộng lớn vẫn do IS kiểm soát từ tháng 6 năm ngoái tới nay.

Xem ra “khủng bố” và IS tại Syria vừa thực vừa hư. Tất cả các bên “dính” đến Syria đều quyết tâm chống “khủng bố” IS… theo kiểu tuyên bố trên diễn đàn. Còn hành động thực tế thì mỗi bên mỗi khác. Thậm chí còn lợi dụng sự tồn tại của “khủng bố” IS để kình chống lẫn nhau và toan tính chuyện khác vì lợi ích của mỗi bên.

Nga sẽ không can thiệp trên bộ

Trên Đài Europe 1, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov – một người được cho là thân cận của ông Putin – giải thích: “Luôn có nguy cơ bị sa lầy. Nhưng ở Matxcơva, chúng tôi đã đề cập đến những chiến dịch không kích kéo dài ba hoặc bốn tháng. Tuy nhiên sẽ không có chuyện Nga can thiệp trên bộ”.

Chính trị gia này cũng đá khéo phía liên minh do Mỹ dẫn đầu: “Tần suất không kích mới là quan trọng. Liên minh của Mỹ đã ném bom IS cả năm rồi mà không có kết quả gì. Nhưng thật ra nếu không kích hiệu quả hơn thì kết quả sẽ khác hẳn”.

 

NGUYỄN NGỌC HÙNG