Thuế hộ tiểu thương sẽ không tăng đột biến
Đó là khẳng định của ông Lê Xuân Dương, cục phó Cục Thuế TP.HCM, khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc triển khai Luật thuế mới vào đầu năm 2016.
Thuế hộ tiểu thương sẽ không tăng đột biến
Đó là khẳng định của ông Lê Xuân Dương, cục phó Cục Thuế TP.HCM, khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc triển khai Luật thuế mới vào đầu năm 2016.
Cuộc họp kết thúc lúc 15g nhưng các tiểu thương vẫn nán lại để trao đổi với cơ quan thuế xung quanh việc áp dụng cách tính thuế mới từ năm 2016 – Ảnh: A.H. |
Ông Dương cho biết lo ngại của tiểu thương về việc thuế chồng thuế là không có cơ sở.
Ông Dương nói: “Cách tính thuế với hộ kinh doanh hiện nay là khoán trên toàn bộ doanh thu, đồng thời cho phép tiểu thương được xuất hoá đơn trong phạm vi doanh thu khoán. Nếu xuất hoá đơn vượt con số doanh thu khoán, tiểu thương phải nộp thêm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân cho phần chênh lệch này.
Tuy nhiên từ năm 2016, doanh thu tính thuế sẽ gồm hai phần: doanh thu khoán và doanh thu hóa đơn.
Căn cứ vào thực tế kinh doanh, cơ quan thuế sẽ xem xét mức doanh thu khoán và thuế khoán phù hợp. Riêng với doanh thu xuất hoá đơn sẽ nộp thuế theo thực tế phát sinh trên hoá đơn.
Theo nguyên tắc này, mức thuế phải nộp năm 2016 của các tiểu thương có thể sẽ tăng nhưng không đột biến”.
* Cơ sở nào để xác định doanh thu khoán mới, thưa ông?
– Cơ quan thuế sẽ lấy mức khoán và mức thực nộp năm 2015 để làm căn cứ xem xét doanh thu khoán. Đến giữa năm 2016, nếu thấy chưa phù hợp sẽ điều chỉnh.
Thực tế vừa qua cho thấy có những hộ kinh doanh xuất hóa đơn đến 70% doanh thu khoán nhưng cũng có hộ chỉ xuất 10 – 20%.
Do vậy, phải căn cứ từng hộ để xem xét mức khoán cũng như tỉ lệ khoán bao nhiêu để mức nộp năm 2016 không chênh lệch quá nhiều so với năm 2015.
Tuy nhiên, với những hộ vừa tính theo doanh thu khoán vừa tính theo doanh thu theo hoá đơn, mức thuế phải nộp cũng sẽ được tính toán sao cho không chênh lệch quá nhiều so với năm 2015, bởi vẫn kinh doanh trên mặt bằng như vậy thì không có lý gì thuế tăng đột biến.
* Vì sao lại tách ra hai loại doanh thu để tính thuế?
– Doanh thu của hộ kinh doanh hiện gồm hai phần: phần khoán (không xuất hoá đơn) và phần xuất hóa đơn.
Lẽ ra những hộ đã khoán sẽ không có chuyện xuất hoá đơn, nếu đã xuất hoá đơn phải tính theo kê khai và phải lên doanh nghiệp, bởi theo quy định hiện nay hộ kinh doanh sẽ không được bán hoá đơn.
Cũng phải nói thêm rằng theo Luật doanh nghiệp, hộ kinh doanh có 10 lao động trở lên phải chuyển sang mô hình doanh nghiệp và Bộ Tài chính cũng muốn hướng đến việc chuyển dần các hộ kinh doanh xuất hoá đơn lên doanh nghiệp để cơ quan thuế có thể kiểm soát, bởi không một nước nào khuyến khích hộ kinh doanh mà xuất hoá đơn cả.
Nói cách khác là phải rành mạch hai sân chơi khác nhau chứ không thể sân nọ đá sân kia như hiện nay, chưa kể thời gian qua một số doanh nghiệp ở biên giới lợi dụng hộ kinh doanh xuất hoá đơn để hợp thức hoá đầu vào cho hàng lậu.
* Nhưng không phải hộ kinh doanh nào cũng có thể chuyển lên doanh nghiệp, thưa ông?
– Thực tế cho thấy dù gian hàng nhỏ nhưng kho hàng của nhiều hộ kinh doanh rất lớn, doanh số hằng năm lên đến 5 – 7 tỉ đồng, thậm chí 10 tỉ, lớn hơn nhiều so với không ít doanh nghiệp tư nhân ở một số huyện vùng ven thành phố, nhưng vẫn chỉ nộp thuế khoán.
Chưa kể khi khoán còn có mặc cả giữa hai bên, như vậy không công bằng với các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế còn chưa phát triển mạnh, nhiều hộ kinh doanh với quy mô quá nhỏ nên sẽ khó lên doanh nghiệp.
Với những hộ khoán này, tới đây sẽ không còn xuất hoá đơn và cơ quan thuế sẽ uỷ nhiệm thu cho các tổng công ty bưu chính như thu tiền điện, chứ không tập trung người để quản lý đối tượng này vì thuế từ đối tượng này chỉ chiếm 2% trên tổng số thu thôi.
Doanh thu khoán sẽ giảm Chiều 2-10, tại buổi đối thoại giữa Cục Thuế TP.HCM và lãnh đạo Chi cục Thuế quận 5 với khoảng 50 tiểu thương chợ Soái Kình Lâm, nhiều tiểu thương đã đề nghị cơ quan thuế phải giải thích rõ cách xác định doanh thu khoán của năm 2016, trong đó xác định tiền thuế năm 2016 phải nộp sẽ tăng hay giảm. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Minh Việt, chi cục phó Chi cục Thuế quận 5, cho rằng khó có thể đưa ra câu trả lời cụ thể được. “Lấy ví dụ trong năm 2015, một hộ nộp thuế mức 4,5 triệu đồng/tháng, tương đương với doanh thu khoán 300 triệu đồng. Nếu hộ này xuất hoá đơn bình quân 200 triệu đồng/tháng thì căn cứ để tính doanh thu khoán năm 2016 sẽ là phần doanh thu không xuất hoá đơn, tương đương với 100 triệu đồng còn lại. Còn hộ kinh doanh xuất hoá đơn bao nhiêu sẽ nộp thuế bấy nhiêu” – ông Việt giải thích. Cũng theo ông Việt, điều này có nghĩa là mức thuế năm 2016 của các hộ tiểu thương sẽ không còn cố định mà sẽ tăng giảm tuỳ theo từng tháng. Cũng cho rằng khó trả lời chính xác mức thuế sẽ tăng hay giảm, nhưng ông Nguyễn Xuân Thắng, phó phòng tổng hợp dự toán Cục Thuế TP.HCM, khẳng định rằng mức thuế phải nộp của năm 2016 sẽ không có đột biến hoặc tăng gấp đôi như lo ngại của tiểu thương. Ngoài ra, theo ông Thắng, dữ liệu của năm 2015 sẽ là căn cứ để đưa ra mức khoán và từ năm 2016, sau mỗi quý các hộ phải báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào đó để điều chỉnh doanh thu khoán cho phù hợp. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương đề nghị cơ quan thuế nên cho một hạn mức xuất hoá đơn dựa trên phần khoán như cách làm của năm 2015 trở về trước. |