01/11/2024

Cần người nói thật, dám nghĩ, dám làm

Tinh thần nhìn thẳng vào sự thật một lần nữa được trung ương nhấn mạnh trong công việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng.

 GẶP GỠ ĐẦU TUẦN

Cần người nói thật, dám nghĩ, dám làm

 

Tinh thần nhìn thẳng vào sự thật một lần nữa được trung ương nhấn mạnh trong công việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. 


 


             Người dân vùng đầm phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) lập miếu thờ ông Phan Thế Phương - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên - Huế. Không chỉ vậy, tên ông còn được đặt cho trường học nơi đây.             Ông Phương là cán bộ giúp người dân be bờ, đắp ao lấn đầm phá, dạy cách nuôi. Nhờ có ông mà hôm nay người dân có hàng trăm hecta hồ nuôi thủy sản, vùng quê nghèo trở nên trù phú. Ông là một trong những “vị quan” hiếm hoi được dân lập miếu thờ - Ảnh: Nguyên Linh

Người dân vùng đầm phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) lập miếu thờ ông Phan Thế Phương – Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên giám đốc Sở Thuỷ sản Thừa Thiên – Huế. Không chỉ vậy, tên ông còn được đặt cho trường học nơi đây.

Ông Phương là cán bộ giúp người dân be bờ, đắp ao lấn đầm phá, dạy cách nuôi. Nhờ có ông mà hôm nay người dân có hàng trăm hecta hồ nuôi thuỷ sản, vùng quê nghèo trở nên trù phú. Ông là một trong những “vị quan” hiếm hoi được dân lập miếu thờ – Ảnh: Nguyên Linh

Trả lời Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hoàng (uỷ viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương) nói:

– Đây không phải lần đầu tiên Đảng chủ trương phải nhìn thẳng vào sự thật. Trong thực tế lâu nay, mọi người đều thấy rằng nói thẳng, nói thật là rất cần thiết, nhưng vào trong cuộc không phải ai cũng muốn nghe.

Chuẩn bị đại hội thì đề phòng tâm lý thành tích, có thể nhiều người muốn nhấn mạnh kết quả.

Người sắp nghỉ muốn chứng tỏ thời gian qua làm được nhiều việc để về nghỉ cho thanh thản, người phấn đấu lên chức cần thành tích để thể hiện và không dám nói thẳng vì sợ đụng chạm, mất lòng (tất nhiên không phải ai cũng thế).

Đều là những người có quyền, có ảnh hưởng nhiều, cho nên vấn đề rất dễ bị lái theo hướng không nói thẳng, nói thật, nhất là đối với khuyết điểm, yếu kém.

Tôi nghĩ đại hội cũng phải trân trọng, nâng niu những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ qua bởi đó là công sức chung của nhân dân và cán bộ. Nhưng đây không phải là dịp chỉ để báo cáo thành tích, để tranh giành ảnh hưởng, để xuyên tạc lẫn nhau hoặc để “đánh bóng”…

Trong khi đó điều quan trọng nhất là phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy cho đúng bản chất tình hình. Tìm ra được lời giải cho cuộc sống dựa trên cái nền sự thật đó. Đại hội như thế mới là hiệu quả.

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: V.V.T.
Ông Vũ Ngọc Hoàng – Ảnh: V.V.T.

“Trong hệ thống của ta có một tật xấu là hay quy chụp nhau. Nếu cứ quy chụp thì làm sao phát triển được tư duy. Sức mạnh của một dân tộc nói cho cùng liên quan hàng đầu, số 1 đến sức mạnh trí tuệ, tinh thần.

Dân tộc nào cũng vậy, có trường tồn không, có bảo vệ được sơn hà hay không là nhờ sức mạnh ấy trước tiên. Không thúc đẩy đổi mới tư duy, không bỏ đi cái bệnh hay quy chụp nhau, không chịu nghe nói thẳng, nghe những ý kiến khác mình thì mọi thứ sẽ cằn cỗi, không vươn nhanh lên được

“Không nói dối 
người dân được đâu”

* Ông có thể đưa ra ví dụ nào về việc chưa nói thẳng, nói thật?

– Nói thẳng, nói thật là phải khẳng định rõ việc này, việc kia chủ trương sai rồi. Rất hiếm khi như vậy. Người dân, các trí thức và giới nghiên cứu chắc là có nhiều ví dụ.

Cứ nghiên cứu kỹ từng chủ trương và quyết định cụ thể hay tình hình khiếu kiện, các vụ tham nhũng, các vụ án oan sai… sẽ thấy rõ. Chứng từ giả, hồ sơ giả, bằng giả… đâu có ít.

Tôi xin đơn cử nếu chúng ta cộng hết mức tăng trưởng kinh tế (GDP) các tỉnh thành thì nước ta phải tăng trưởng mười mấy phần trăm, đâu có thấp như lâu nay. Như vậy con số tăng trưởng kia của các địa phương là cách làm không khoa học, không đúng.

Hiện nay nước ta tụt hậu đến mức nào, nợ nần đến mức nào và nguyên nhân vì sao đã nói rõ chưa, hết chưa? Đó mới chỉ là một vài ví dụ.

* Theo ông, cần làm gì để tinh thần nhìn thẳng vào sự thật được phát huy, lan tỏa?

– Trong những năm trước đổi mới, nhiều địa phương có phong trào xây dựng hợp tác xã. Ở Quảng Nam – Đà Nẵng không chỉ hăng hái làm hợp tác xã nông nghiệp, mà còn có những ý kiến bàn nên chăng hợp tác hóa cả nghề cắt tóc nữa.

Năm 1982, ông Hồ Nghinh lúc đó là bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam – Đà Nẵng được trung ương điều động ra làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương.

Ra Hà Nội một thời gian ông về gặp tôi (thời gian này ông Vũ Ngọc Hoàng là bí thư Thị uỷ Tam Kỳ – PV), câu đầu tiên ông hỏi là: “Ở đây đã thôi hết các hợp tác chưa?”.

Tôi hiểu là ông muốn nói về mô hình hợp tác xã kiểu cũ và trả lời: “Làm sao mà thôi được bác, không thể giải quyết như không có nó, phải chuyển đổi dần thôi. Hồi ông làm bí thư Tỉnh ủy thì tỉnh mình được trung ương khen làm hợp tác hoá nhanh, triệt để. Tam Kỳ cứ một ngày thì ra đời một hợp tác xã nông nghiệp. Làm một tháng được 30 hợp tác xã”.

Nghe tôi trả lời xong thì ông Hồ Nghinh bảo với tôi rằng giờ ông về đây phải “nhất bộ nhất bái”. Nghĩa là đi một bước phải lạy một cái để xin lỗi nhân dân trước sai lầm trong lãnh đạo phong trào hợp tác xã trước đây.

Chúng ta biết rằng đồng chí Hồ Nghinh là người mà cả cuộc đời cách mạng luôn gắn bó với chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, làm bí thư Tỉnh uỷ nhiều nhiệm kỳ, có nhiều đóng góp rất to lớn.

Việc ông nhìn ra sai lầm và thẳng thắn nói về nó càng làm chúng tôi thêm hiểu và yêu quý tính cách của ông. Từ tấm gương của ông Hồ Nghinh và cũng từ thực tiễn công tác, tôi thấy rằng nếu người lãnh đạo mà nói thẳng, nói thật thì sức lan toả sẽ rất tốt.

Vừa qua, trung ương ra nghị quyết mới về văn hoá đã xác định xây dựng tính trung thực cho con người là yêu cầu hàng đầu của văn hoá. Làm lãnh đạo quản lý thì càng phải trung thực, thời đại thông tin không nói dối người dân được đâu, càng nói dối càng mất uy tín.

* Liệu có giới hạn nào về đổi mới tư duy không, thưa ông?

– Công cuộc đổi mới được dẫn đường nhờ đổi mới tư duy. Tư duy sẽ liên tục phát triển và hoàn thiện, không có giới hạn. Tôi nghĩ rằng đổi mới tư duy chỉ có một giới hạn là không được làm suy yếu tính chất nhân văn.

Đó là không xâm phạm đến tự do dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, không gây hại cho cộng đồng và lợi ích quốc gia.

Nhiều người cho rằng cần có công cuộc đổi mới lần hai, đó cũng là một cách diễn đạt, tôi không phản đối. Đổi mới tiếp theo phải lấy dân chủ và tự do làm linh hồn, không đi ngược lại, tất nhiên là phải có lộ trình chặt chẽ, không để rối, không để bị lợi dụng.

Tránh đi vào chuyên quyền, độc đoán

* Trong các đại hội thường có hai việc quan trọng là văn kiện và nhân sự. Ông có thể nói thẳng, nói thật điều gì về công tác nhân sự?

– Những thành tựu, kết quả thì chúng ta đã nhiều lần khẳng định, tôi không nhắc lại. Theo tôi, công tác nhân sự của ta nhiều lúc, nhiều nơi chưa tốt (nếu không muốn nói là hỏng) vì ảnh hưởng cùng lúc bởi các mặt trái của tư tưởng phong kiến, của cơ chế thị trường và của tha hoá quyền lực.

Tìm đệ tử và bà con của mình để đưa lên dù không có đức tài, đó là mặt trái của phong kiến. Còn chạy chọt mua quan bán chức là mặt trái của cơ chế thị trường và tha hoá quyền lực.

Đất nước ta từ xưa đến nay không thiếu nhân tài, nhưng bao giờ và ở đâu mà công tác nhân sự hỏng thì rất khó có chỗ cho nhân tài trong hàng ngũ lãnh đạo và quản lý.

Câu chuyện không chọn được nhân tài, theo tôi, cũng là một biểu hiện của tha hóa quyền lực. Người ta bảo quyền lực lạ lắm, nó làm tha hóa con người nhanh lắm.

Sau một cuộc bỏ phiếu thì hôm sau có thể có người đi cái dáng cũng khác rồi. Họ bắt tay, nói năng khác rồi, sau một đêm là khệnh khạng rồi. Hễ không đủ độ chín về văn hoá là bị vậy.

Tuy “hào kiệt thời nào cũng có” như Nguyễn Trãi từng viết, nhưng ông cũng chỉ ra là: Nhân tài có thể đang ở trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng, ở đồng nội và họ không đem ngọc bán rao… Họ không phải là những kẻ cơ hội, chạy lăng xăng nịnh hót, chạy chọt, mua bán chức tước.

Nhân tài thật sự là những người có tư duy độc lập và có lời nói thẳng, họ không chịu làm tay sai, không chịu làm cảnh.

* Hiện nay, có ý kiến cho rằng đất nước cần có nhà lãnh đạo mạnh mẽ, được tập trung quyền lực và quyết đoán. Ông nghĩ sao?

– Nếu như một người cán bộ không dám làm, không dám chịu trách nhiệm thì không quyết định được gì cả. Anh không đủ bản lĩnh thì dù ngồi ghế nào cũng không phải là lãnh đạo vì anh có quyết định gì đâu.

Chúng ta cần những người có tầm trí tuệ, có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm. Nhưng cần tránh xu hướng đi vào chuyên quyền, độc đoán.

Độc đoán, chuyên quyền sẽ dẫn đến mất dân chủ, mất động lực tiến lên của xã hội, không tốt cho việc phát triển tư duy của dân tộc và xa rời mục tiêu dân chủ của sự nghiệp cách mạng.

4 điều quan trọng khi chọn nhân sự

Các tiêu chuẩn quy hoạch đều có cả rồi. Và hội nghị trung ương vừa qua khi bàn định hướng công tác nhân sự đã có kết luận, Tổng bí thư đã nói rồi. Cá nhân tôi nghĩ có bốn điều quan trọng khi chọn nhân sự:

1 Là có thể tin cậy về chính trị. Đó phải là người kiên định với việc xây dựng nhà nước của dân, xây dựng chế độ dân chủ và độc lập, không bị lệ thuộc chi phối bởi lực lượng nào đó từ bên ngoài.

Phải tuyệt đối kiên định với quan điểm quyền lực là của dân chứ không phải quyền lực của tài phiệt, cũng không phải quyền lực của cá nhân ai, của gia đình nào, của nhóm người nào.

2 Là phải sạch, không dính vô tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực. Ai bị dư luận nặng nề quá thì không chọn, Đảng phải lắng nghe dân để quyết định, phải tìm những cán bộ lãnh đạo mà nhân dân có thể gửi gắm niềm tin, trước nhất là đạo đức, sự liêm khiết, không vì lợi ích cá nhân và gia đình mà xâm hại đến lợi ích của nhân dân, đất nước, để từ đó có thể quy tụ lòng người.

Là phải tâm huyết với đổi mới. Công cuộc đổi mới của chúng ta tuy đã đi được một chặng đường đáng kể nhưng còn nhiều việc cần làm, phải làm lắm. Cần phải tiếp tục đổi mới một cách căn bản, toàn diện, mạnh mẽ và chững chạc.

4 Là mong cho đất nước ta lựa chọn được những người lãnh đạo có nhân cách văn hóa. Theo tôi, nhân cách của người lãnh đạo mà kém thì nó tàn phá văn hoá kinh khủng lắm. Khi văn hoá suy đồi thì dẫn đến đồng loạt nhiều nguy cơ trên tất cả lĩnh vực.

* Vậy có thể hiểu “đổi mới phải có nguyên tắc, đổi mới nhưng không đổi màu” như thế nào?

– Trung thành với mục đích mang lại độc lập và sự phát triển cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho người dân chính là không đổi màu; xây dựng một Đảng hết lòng phục vụ nhân dân, không để cho Đảng biến chất và xây dựng một nhà nước thật sự của dân chính là không đổi màu.

Những việc cụ thể chúng ta làm hôm nay dần sẽ được đổi mới, con cháu ta có thể sẽ làm khác cho phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Chúng ta thường nói đây là thời kỳ quá độ, nghĩa là thời kỳ đang có những diễn biến theo hướng mới.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, làm mất dân chủ, mất tự do, hạnh phúc của nhân dân, làm cho nước ta lệ thuộc bên ngoài, để cho Đảng không còn tính chất vì dân, để cho Nhà nước không còn là của nhân dân, đó chính là đổi màu.

ĐÀ TRANG – VÕ VĂN THÀNH thực hiện ([email protected])