28/11/2024

Tạo ra tiền từ không gian sáng tạo

Với Hanoi Creative City, thủ đô có một mô hình sáng tạo đầy đủ với các không gian cần thiết. Cần nhiều mô hình như vậy để phát triển công nghiệp sáng tạo.

 

Tạo ra tiền từ không gian sáng tạo

 

Với Hanoi Creative City, thủ đô có một mô hình sáng tạo đầy đủ với các không gian cần thiết. Cần nhiều mô hình như vậy để phát triển công nghiệp sáng tạo.



 

Hanoi Creative City cho các nhóm hoạt động cộng đồng “mượn sân” để tổ chức hoạt động sáng tạo, như dạy trẻ làm mặt nạ trung thu truyền thống - Ảnh: Du NguyênHanoi Creative City cho các nhóm hoạt động cộng đồng “mượn sân” để tổ chức hoạt động sáng tạo, như dạy trẻ làm mặt nạ trung thu truyền thống – Ảnh: Du Nguyên
Chuyên gia truyền thông thương hiệu Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo, đánh giá: “Zone 9 là một sáng tạo của tập hợp nhiều nghệ sĩ, nhưng nó chưa bài bản. Hanoi Creative City (HCC) được xây dựng chặt chẽ hơn, hoạt động bài bản hơn”.
Không phải khu ăn chơi
Ngay từ khi khai trương, HCC đã phải chịu sức ép từ Zone 9 cũ. Sức ép đó đến từ hoài niệm về những không gian đẹp đẽ, giàu tính giải trí trước đây của Zone 9. “Người đến xem, rồi cả truyền thông nữa, cứ gọi HCC là khu ăn chơi kiểu Zone 9. Họ cũng gọi đó là chốn ăn chơi của giới trẻ. Gọi như vậy là một sai lầm nghiêm trọng. Đây không phải một khu ăn chơi. Đó là một tổ hợp không gian sáng tạo (creative hub). Cũng như ở nhiều nước, các không gian sáng tạo rất thu hút giới trẻ”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Lê Quốc Vinh, có nhiều mô hình không gian sáng tạo ở Hà Nội. Một số nơi chỉ đơn giản phục vụ cho một mục đích, như Manzi – không gian giới thiệu nghệ thuật, Hanoi Grapevine – không gian giới thiệu nghệ thuật online. “Hanoi Creative City và Nhà ga 3A ở TP.HCM là mô hình không gian sáng tạo đầy đủ, bao gồm toàn bộ các không gian cần thiết”, ông Vinh nhận định.
Sở dĩ HCC được ông Vinh đánh giá cao như vậy bởi nó có đủ khu vực làm việc của các doanh nghiệp sáng tạo, không gian trưng bày, triển lãm, biểu diễn thử nghiệm, không gian đào tạo, không gian hạ tầng dịch vụ. “HCC đang tiến tới là một nơi tạo động lực cho các doanh nhân liên kết, phát triển sáng tạo, kết nối với các nghệ sĩ. Quan trọng nhất, đó là nơi họ có thể trưng bày sản phẩm, hợp tác, bán sản phẩm, hoặc tạo ra ý tưởng mới”, ông Vinh nói.
Hiện HCC đã có các không gian dịch vụ, thu hút nhân lực, người sáng tạo và có các doanh nghiệp đến thuê văn phòng. Các không gian kết nối liên thông giữa đào tạo, triển lãm, biểu diễn đang được hoàn thiện. “Diện tích cho thuê ở HCC đã đạt gần 100%, trong số đó có 20% không gian cho giáo dục”, ông Đoàn Kỳ Thanh cho biết.
HCC vẫn có những nghệ sĩ, những người làm sáng tạo như ở Zone 9. Bản chất của những nghệ sĩ, như muôn thuở, vẫn sáng tạo vì chính cảm xúc của mình mà không quan tâm đến hiệu quả kinh tế. “Nhưng ở đây hình thành một khái niệm khác. Đó là kinh tế sáng tạo, hay công nghiệp sáng tạo, để chỉ những ngành kinh tế mà sản phẩm làm ra từ sự sáng tạo của cá nhân, trong đó có nghệ sĩ. Những ngành kinh tế này làm nảy sinh những doanh nhân kinh doanh các sản phẩm sáng tạo đó”, ông Lê Quốc Vinh nói. Hiện nhạc sĩ Quốc Trung, cặp người mẫu Thúy Hằng – Thúy Hạnh đã mở văn phòng doanh nghiệp sáng tạo của mình tại HCC.
Mở rộng hành lang pháp lý
Cái mà các không gian sáng tạo Việt đang phải đối mặt là hành lang pháp lý. Dễ thấy nhất là về quyền tác giả của các nghệ sĩ và người lao động sáng tạo. Thị trường cũng chỉ mới chập chững chấp nhận trả tiền để mua bản quyền và thưởng thức. Chính vì thế, CLB Doanh nhân sáng tạo cũng có cả những doanh nghiệp tư vấn pháp lý về bản quyền. “HCC và CLB Doanh nhân sáng tạo hỗ trợ pháp lý, định dạng thương hiệu cho các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo trợ giúp cho việc khởi nghiệp, kể cả pháp lý, truyền thông, kế toán…”, ông Kỳ Thanh nói.
Hiện tại, Bộ VH-TT-DL đang soạn thảo Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hoá tới năm 2030. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Vinh, công nghiệp sáng tạo không chỉ nằm trong các lĩnh vực văn hoá. Một phần lớn, như ngành kiến trúc, xuất bản, quảng cáo, truyền thông, phần mềm, nội dung số, thiết kế công nghiệp, thiết kế thời trang và cả ẩm thực… đang có nguy cơ bị bỏ ngoài quy hoạch.
“VN và Trung Quốc gọi công nghiệp sáng tạo là công nghiệp văn hoá. Nhưng không giống các quốc gia khác, văn hoá ở 2 nước này được hiểu sang vấn đề tư tưởng và văn hoá thuần tuý, chứ không thuộc phạm vi có thể thương mại hoá nên cách nhìn nhận sẽ không đủ thông thoáng và cởi mở, theo quan điểm thị trường. VN phải định nghĩa rõ ràng, nếu chủ trương dùng thuật ngữ chính thức là công nghiệp văn hoá, thì phải bao hàm cả các ngành đang nằm trong sự quản lý của Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương”, ông Lê Quốc Vinh kết luận.
Hầu hết các doanh nghiệp sáng tạo đều tập trung ở các thành phố hay khu vực sáng tạo như Los Angeles, Silicon Valley (Mỹ), London (Anh), Paris (Pháp), Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc)… và ngành công nghiệp sáng tạo chiếm 10% GDP toàn cầu. Để phát triển công nghiệp sáng tạo, cần phải tạo ra các trung tâm, tập trung được những người sáng tạo (creative class), bao gồm các nhà kinh doanh công nghiệp sáng tạo, các nghệ sĩ và người sáng tạo, chuyên gia về công nghệ và nền tảng thị trường.
Điều không may của Zone 9 là trên con đường tự hoàn thiện, nó gặp ngay phải quyết định đóng cửa của nhà quản lý. Zone 9 là một sự thất bại về kinh tế với nhiều nhà đầu tư. Trớ trêu thay, thất bại đến với họ khi việc kinh doanh đang khởi sắc dần. Cái khó là không có một hành lang pháp lý để bảo vệ họ. “Khi gây dựng lại khu mới Hanoi Creative City (HCC) tại số 1 Lương Yên, nhiều nhà đầu tư cũ ở Zone 9 cũng nản lòng, không theo sang”, ông Đoàn Kỳ Thanh, sáng lập viên của cả hai khu, cho biết

 

Trinh Nguyễn