Mỹ dồn lực lượng về tây Thái Bình Dương?
Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Hạm đội 3 nổi tiếng hùng mạnh của hải quân Mỹ sẽ mở rộng hoạt động sang khu vực tây Thái Bình Dương.
Mỹ dồn lực lượng về tây Thái Bình Dương?
Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Hạm đội 3 nổi tiếng hùng mạnh của hải quân Mỹ sẽ mở rộng hoạt động sang khu vực tây Thái Bình Dương.
Theo Reuters ngày 27.9, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift gần đây liên tục đặt vấn đề về phối hợp hoạt động giữa Hạm đội 3 và Hạm đội 7 tại tây Thái Bình Dương.
Lâu nay, Hạm đội 7, đặt trụ sở ở TP.Yokosuka của Nhật Bản, có phạm vi hoạt động trải dài từ quần đảo Kuril (Nga) đến Nam cực và căng rộng từ Biển Đông đến Đường đổi ngày quốc tế (IDL), đường tưởng tượng từ cực bắc đến cực nam chia dọc Thái Bình Dương. Hiện nay, khu vực này được đánh giá là có vai trò năng động bậc nhất trong kinh tế, giao thương hàng hải và địa chiến lược của thế giới nhưng lại đang chứng kiến nhiều biến động khó lường về an ninh.
Trong khi đó, Hạm đội 3 có lực lượng hùng hậu hơn Hạm đội 7, chuyên phụ trách khu vực đông và bắc Thái Bình Dương tính từ đường IDL. Từ căn cứ chính ở TP.San Diego (California, Mỹ), hạm đội này có nhiệm vụ “canh chừng” Nga cũng như bảo vệ các tuyến giao thương, vận chuyển dầu khí quan trọng với Mỹ và các quốc gia bạn bè, theo chuyên trang Global Security.
“Tôi thắc mắc tại sao chúng ta lại phải chia tách hoạt động của 2 hạm đội hùng mạnh nhất thế giới bằng Đường đổi ngày quốc tế làm gì”, Reuters dẫn lời Đô đốc Swift phát biểu tại trụ sở Hạm đội 3 ở San Diego. Ông cũng bày tỏ ý định khuyến khích Hạm đội 3 thực hiện các chiến dịch tuần tra và những nhiệm vụ cụ thể khác bên ngoài khu vực phụ trách hiện nay.
Trong chuyến thăm Hạm đội 7 hồi đầu tháng, Đô đốc Swift tiếp tục nhấn mạnh: “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy Hạm đội 3 có thêm nhiều cuộc tuần tra và sứ mệnh ở vùng biển xa”.
“Nguy cơ bất ổn lớn nhất”
Trong các phát biểu, Đô đốc Swift khẳng định mọi thay đổi nếu có sẽ không đồng nghĩa với việc di dời trụ sở hay cảng đóng trú nhưng sẽ cho phép 2 hạm đội phối hợp hoạt động trong “khu vực có nguy cơ bất ổn lớn nhất”.
Một sĩ quan hải quân Mỹ cho Reuters hay ý tưởng là loại bỏ đường biên giới phân chia khu vực hoạt động của 2 hạm đội để Hạm đội 3 có thể hiện diện mạnh mẽ tại tây Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, động thái này phù hợp với chiến lược xoay trục của Mỹ cũng như nhằm giải toả lo ngại của giới chiến lược gia Lầu Năm Góc rằng một mình Hạm đội 7 không đủ để ứng phó các biến động hiện nay trong khu vực.
Bên cạnh các vấn đề truyền thống như chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên cũng như tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông, Mỹ đang rất lo ngại việc Trung Quốc cấp tập gia tăng các hành động phi pháp trên Biển Đông. Giới quân sự và nghị sĩ Mỹ thời gian qua liên tục kêu gọi đưa thêm lực lượng đến Biển Đông sau khi Trung Quốc xây 7 đảo nhân tạo phi pháp với 3 đường băng trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Giới quan sát cảnh báo những cơ sở này hoàn toàn có thể được quân sự hoá, giúp Trung Quốc gia tăng sức mạnh cơ bắp tại vùng biển vô cùng quan trọng này và gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không, giao thương cũng như các hoạt động của lực lượng Mỹ và đồng minh.
Một nguồn tin nhận định rằng việc mở rộng hiện diện của Hạm đội 3 ở tây Thái Bình Dương còn nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hải quân Mỹ trong khu vực với lực lượng Nhật Bản. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Nhật chính thức cho phép đưa quân tham chiến trong các chiến dịch ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ nước này, và Washington muốn Tokyo đóng vai trò lớn hơn trong liên minh quân sự – an ninh giữa hai bên.
Theo Reuters, dấu hiệu đáng chú ý mới nhất về bước đi chiến lược sắp tới của hải quân Mỹ là Tư lệnh Hạm đội 3, bà Nora Tyson chứ không phải người đồng cấp Joseph Aucoin của Hạm đội 7 sẽ tham dự cuộc thao diễn hải quân quốc tế lớn ở Nhật Bản vào ngày 18.10.
Hạm đội 3 được thành lập vào tháng 3.1943 dưới sự chỉ huy của Đô đốc William F.Halsey để chống lại hải quân Nhật trong Thế chiến 2. Chiến hạm USS Missouri của Hạm đội 3 chính là nơi đại diện Nhật ký văn kiện đầu hàng vào ngày 2.9.1945.
Đáng chú ý, Tư lệnh hiện nay của Hạm đội 3 là Phó đô đốc Nora Tyson, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ được trao quyền chỉ huy một hạm đội. Theo Reuters, Hạm đội 3 hiện có hơn 100 tàu chiến, trong đó có 4 tàu sân bay.
Hạm đội 7 cũng ra đời vào tháng 3.1943 và từng tham gia các chiến dịch trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Sau Thế chiến 2, sở chỉ huy của hạm đội có một thời gian đặt tại vịnh Subic của Philippines và hiện nằm ở Yokosuka. Hạm đội 7 hiện có một tàu sân bay cùng 80 tàu khác và 140 máy bay, 40.000 lính.
|
Văn Khoa