28/11/2024

Dự án trọng điểm… đứng im

Triển khai thực hiện từ năm 2002, đến nay tiến độ thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (TP.HCM) đang rất chậm do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong.

 

Dự án trọng điểm… đứng im

 

 

Triển khai thực hiện từ năm 2002, đến nay tiến độ thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (TP.HCM) đang rất chậm do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong.


 


Khu vực dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, đoạn qua Q.Bình Tân vẫn đang dang dở - Ảnh: An HuyKhu vực dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, đoạn qua Q.Bình Tân vẫn đang dang dở – Ảnh: An Huy
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên trên địa bàn P.Bình Hưng Hoà, Q.Bình Tân, không hề thấy bóng dáng của một dự án đang thi công, ngoại trừ một đoạn làm dang dở hơn 400 m. Bờ kênh biến thành khu vực đổ rác của người dân, cỏ mọc um tùm. Dưới lòng kênh, lục bình phát triển dày đặc.
Người dân địa phương cho biết cách đây 3 tháng, có đội công nhân lái xe cơ giới tiến hành nạo vét lòng kênh, san lấp bằng phẳng một vài đoạn hai bên bờ kênh và dừng hoạt động cho đến nay, mọi phương tiện cải tạo kênh đều đã chuyển đi nơi khác.
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, năm 2013, UBND TP đã yêu cầu UBND các quận: Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp và Q.12 giải quyết dứt điểm các trường hợp đền bù để cuối năm 2013 giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công, nhưng hiện các quận vẫn chưa bàn giao xong. Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư và UBND các quận liên quan, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp còn lại thuộc dự án vẫn rất chậm, mặc dù UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình. Tính đến nay có 2.909 trường hợp bàn giao mặt bằng và giải ngân được 1.472 tỉ đồng, còn 303 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, trong đó riêng trên địa bàn Q.Bình Tân vẫn còn đến 290 trường hợp.
Các hộ chưa chịu di dời cho rằng trước đây họ đã mua nhà đất có nguồn gốc lấn chiếm kênh rạch hoặc xây dựng không phép, nhưng số tiền hỗ trợ quá thấp, không đủ mua đất chỗ khác để cất nhà, ổn định cuộc sống. Theo UBND Q.Bình Tân, đây là những hộ không lấn chiếm đất kênh rạch mà bị lừa gạt, mua nhầm nhà đất từ những người lấn chiếm trước đó. Năm 2014, UBND Q.Bình Tân đã nhiều lần kiến nghị TP có hình thức hỗ trợ phù hợp cho những hộ này. Vừa qua, UBND TP đã chỉ đạo đối với nhà đất có nguồn gốc đất lấn chiếm kênh rạch, UBND Q.Bình Tân sử dụng nguồn kinh phí dự án để ứng hỗ trợ người dân. Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Tân, quận đã xây dựng kế hoạch vận động các hộ nhận bồi thường, hỗ trợ để di dời, thời hạn đến tháng 9.2015. Sau thời điểm này sẽ tiến hành cưỡng chế những trường hợp không giao mặt bằng.
Trong một cuộc họp mới đây về tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án cho thấy đã bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực đất đai. Ông Quân yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, UBND các quận, huyện rút kinh nghiệm nghiêm túc. Các chủ đầu tư phải cam kết tập trung thực hiện dự án đúng tiến độ và giám sát chặt chẽ chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, rút kinh nghiệm từ một số dự án ODA trước đây.
Để đảm bảo tiến độ thi công và hoàn thành dự án, Chủ tịch UBND TP giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND Q.Bình Tân chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư tiếp tục thi công trước ngày 31.12.2015.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên với tổng chiều dài 32 km, là dự án đầu tư trọng điểm của TP, vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án có quy mô lớn với mục tiêu chính là tiêu thoát nước, cải thiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan cho các quận ở phía tây nam TP. Dự án có 3.212 trường hợp nhà cửa bị ảnh hưởng với tổng dự toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 1.573 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 9.889 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA 9.049 tỉ đồng, vốn đối ứng 840 tỉ đồng, chưa kể kinh phí đầu tư hai tuyến đường dọc kênh.

 

Đình Mười