01/11/2024

Mô hình trường học mới ở THCS có yêu cầu cao hơn

Năm học này Bộ GD-ĐT chỉ đạo mở rộng triển khai mô hình trường học mới ở bậc THCS, sau khi đã thực hiện thành công mô hình này ở bậc tiểu học.

 

Mô hình trường học mới ở THCS có yêu cầu cao hơn

 

 

Năm học này Bộ GD-ĐT chỉ đạo mở rộng triển khai mô hình trường học mới ở bậc THCS, sau khi đã thực hiện thành công mô hình này ở bậc tiểu học.


 

 

 

 


Một tiết học theo mô hình trường học mới tại Trường tiểu học Tả Thanh Oai, Hà Nội. Mô hình này sẽ được áp dụng tiếp tục ở bậc THCS tại 1.600 trường học trong cả nước vào năm học này - Ảnh: Vĩnh Hà
Một tiết học theo mô hình trường học mới tại Trường tiểu học Tả Thanh Oai, Hà Nội. Mô hình này sẽ được áp dụng tiếp tục ở bậc THCS tại 1.600 trường học trong cả nước vào năm học này – Ảnh: Vĩnh Hà

Bên cạnh việc triển khai mới này là nhiều băn khoăn của giáo viên, học sinh và phụ huynh khi đặc thù của hai bậc học có nhiều điểm khác biệt.

Trao đổi về vấn đề trên, TS Vũ Đình Chuẩn – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT – cho biết:

– Mô hình trường học mới dù ở tiểu học hay THCS cũng đều giống nhau về cách thức tổ chức các hoạt động sư phạm trong nhà trường, tạo môi trường giáo dục dân chủ, thân thiện, cởi mở, là cơ hội cho việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, lấy hoạt động học tập của học sinh làm trung tâm; học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục.

Điểm khác biệt nếu có là ở THCS học sinh phải học nhiều môn hơn, mức độ yêu cầu của kiến thức sâu hơn, tăng định lượng, giảm định tính. Do đó việc thiết kế bài học ở cấp THCS phải chú ý hơn đến tính phù hợp với từng môn học.

Những phẩm chất và năng lực mà học sinh có được qua mô hình trường học mới ở cấp tiểu học không những là cơ sở và tiền đề quan trọng, mà còn được tiếp tục phát triển ở mức độ cao hơn trong mô hình trường học mới cấp THCS.

* Với đặc thù của cấp học, việc thực hiện mô hình trường học mới ở cấp THCS có khó khăn gì so với tiểu học? Cụ thể là số môn học nhiều hơn, giáo viên dạy theo từng môn học độc lập, yêu cầu kiểm tra đánh giá cũng thay đổi, vậy việc triển khai mô hình này như thế nào để đạt được mục đích như mong đợi?

Theo ông, với trình độ giáo viên cấp THCS xét ở khía cạnh đại trà hiện nay, liệu họ có đảm nhiệm được yêu cầu dạy học theo mô hình này?

– Mỗi giáo viên đều đã được trang bị lý luận về phương pháp dạy học tích cực, nhưng do họ chưa thường xuyên vận dụng, nên khó khăn là ở kỹ năng vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực của nhiều giáo viên còn hạn chế. Mô hình trường học mới chính là cơ hội tốt để giáo viên khắc phục những hạn chế này.

Trong mô hình trường học mới, mỗi bài học được thiết kế thành một chuỗi hoạt động học của học sinh: Khởi động – Hình thành kiến thức – Luyện tập – Vận dụng – Tìm tòi mở rộng.

Chuỗi hoạt động đó phù hợp với phương pháp dạy học tích cực mà giáo viên đã được trang bị ở các trường sư phạm, cũng như trong quá trình bồi dưỡng thường xuyên hằng năm.

Mô hình trường học mới vừa đòi hỏi giáo viên phải chuyển đổi vai trò thành người định hướng, theo dõi, động viên và hướng dẫn hoạt động học của học sinh; vừa là nơi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên thực thi phương pháp dạy học tích cực, từng bước nâng cao được kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm của mình. Thực tế triển khai ở tiểu học và thực nghiệm ở THCS trong những năm vừa qua đã chứng minh điều đó.

Nhằm hỗ trợ giáo viên một cách thường xuyên và thiết thực trong việc đổi mới phương pháp dạy học nói chung, thực hiện mô hình trường học mới nói riêng, Bộ GD-ĐT tăng cường hình thức tập huấn qua mạng.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy trình tập huấn cũng như đăng tải các bài học minh họa theo mô hình trường học mới để đông đảo giáo viên trong toàn quốc tham khảo trên “Trường học kết nối” tại địa chỉ http://truonghocketnoi.edu.vn. Đó là một không gian gần gũi, thân thiện, tạo diễn đàn giúp giáo viên tiến bộ và thực hiện tốt công việc của mình.

Cùng với những hình thức tập huấn, các nhà trường có thể thay đổi hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn; sắp xếp, phân công lao động để giáo viên trong một trường, giữa các trường trong cùng khu vực có thể hỗ trợ, giúp đỡ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

* Ở cấp THCS, học sinh lớp 9 sẽ phải đối diện với một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Hiện nay nhiều địa phương sử dụng phương thức xét tuyển vào lớp 10 là thi kết hợp xét kết quả học tập, rèn luyện ở bậc THCS.

Vậy Bộ GD-ĐT có chỉ đạo như thế nào để thống nhất trong cách đánh giá giữa những học sinh chưa được học mô hình trường học mới và học sinh đang được học mô hình này, nhằm hướng đến mục đích công bằng giữa các học sinh và thuận tiện cho các nhà trường trong xét tuyển vào lớp 10 và công nhận tốt nghiệp THCS?

– Mô hình trường học mới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành với sự sắp xếp lại kiến thức thành các bài học phù hợp, cùng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.

Trong chuỗi hoạt động học của học sinh, ở mỗi bài học, hoạt động “Hình thành kiến thức” và hoạt động “Luyện tập” đảm bảo cho học sinh đáp ứng được yêu cầu của chương trình hiện hành về kiến thức, kỹ năng.

Mọi học sinh đều phải hoàn thành hoạt động “Luyện tập”, đáp ứng được các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng; còn các hoạt động “Vận dụng” và “Tìm tòi mở rộng” tạo điều kiện cho học sinh đạt được mức độ vận dụng cao trong ma trận đề thi, kiểm tra theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Bộ đã có hướng dẫn đánh giá học sinh theo mô hình trường học mới cấp THCS, trong đó cần phải nhấn mạnh việc đánh giá thường xuyên suốt quá trình dạy học là nhằm mục đích cho học sinh học tốt hơn, để có kết quả tốt trong các bài kiểm tra định kỳ.

Học sinh đã được hướng dẫn học tốt, được đánh giá thường xuyên, và có kết quả các bài kiểm tra định kỳ tốt… sẽ có kết quả tốt trong các kỳ thi vào lớp 10, kể cả thi vào trường THPT chuyên.

Xin nói thêm, học sinh dù học theo mô hình trường học mới hay không cũng đều phải đảm bảo yêu cầu chung của chương trình phổ thông hiện hành; ngoài ra, học sinh học theo mô hình trường học mới, được học tập tích cực, tự lực, sáng tạo nhiều hơn thì sẽ có cơ hội hơn trong việc phát triển các năng lực toàn diện.

Còn việc quy định phương thức xét tuyển vào lớp 10 của các sở GD-ĐT, trong đó có xét kết quả học tập, rèn luyện ở THCS, sẽ phải đảm bảo thống nhất theo yêu cầu chung của chương trình giáo dục phổ thông.

Các mô hình nhà trường khác nhau, sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau… đều phải đáp ứng theo yêu cầu chung đó, để đảm bảo sự thống nhất và công bằng cho mọi đối tượng học sinh.

* Năm học trước, Bộ GD-ĐT đã triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30. Vậy ở cấp THCS, ngoài các trường thực hiện mô hình trường học mới, các trường còn lại Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì để tiếp nối tinh thần đổi mới này, tránh việc học sinh bị hẫng khi chuyển cấp phải quay lại cách đánh giá cũ?

– Như tôi vừa nói ở trên, việc đổi mới đánh giá học sinh ở cấp nào thì cũng lấy sự tiến bộ của học sinh làm mục đích chính. Đối với cấp THCS bộ đã có hướng dẫn theo tinh thần đó.

Tuy vậy, cũng có những điểm khác so với thông tư 30 để phù hợp với yêu cầu cao hơn, định lượng nhiều hơn của kiến thức, kỹ năng cấp THCS; và phù hợp với sự phát triển hơn về ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ học tập, sự chín chắn hơn trong suy nghĩ của học sinh THCS so với học sinh tiểu học.

Cũng như ở bậc tiểu học, việc đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh sẽ được triển khai trước ở những nơi thực hiện mô hình trường học mới, rồi mới lan toả ra các trường theo mô hình truyền thống khác.

TS Vũ Đình Chuẩn - Ảnh: N.Khánh
TS Vũ Đình Chuẩn – Ảnh: N.Khánh

Bộ đã rút kinh nghiệm chung về mô hình trường học mới

Do giáo viên còn hạn chế về kỹ năng và kinh nghiệm hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm nhỏ, nên trong nhiều trường hợp chỉ có những học sinh giỏi trong nhóm tích cực hoạt động, còn các học sinh khác chưa được khuyến khích, động viên đúng cách dẫn đến thụ động, chưa hiểu bài (như trường hợp báo vừa nêu tại Buôn Hồ, Đắk Lắk).

Qua theo dõi chỉ đạo, trong dịp hè vừa qua bộ đã rút kinh nghiệm chung và tổ chức quay phim một số tiết học tốt của giáo viên, học sinh tiểu học và THCS thuộc tỉnh Lào Cai, trong đó thể hiện rõ hoạt động tự học của cá nhân trong nhóm, để sử dụng trong quá trình tập huấn giáo viên, làm tư liệu cho giáo viên cả nước tham khảo.

Nhiều giáo viên có nhận xét vui rằng đó thật sự là các tiết học nhóm, chứ không phải là “họp nhóm” như đôi khi vẫn xảy ra trong thực tế.

Ngoài ra, mô hình trường học mới đặc biệt chú trọng mối liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh và cộng đồng, trong đó các thành viên của gia đình được tham gia vào quá trình giáo dục và các hoạt động học tập tại cộng đồng.

Kinh nghiệm của một số nơi là đã tổ chức giới thiệu cho cha mẹ học sinh hiểu rõ các đặc trưng chủ yếu của mô hình trường học mới, tham gia trang trí lớp học, dự giờ hoặc cùng tham gia hoạt động học với học sinh trong lớp, để hiểu và phối hợp với nhà trường hỗ trợ học sinh học tập tại trường và ở nhà.

TS VŨ ĐÌNH CHUẨN

Cuối năm học 2014 – 2015 cả nước có 1.447 trường tiểu học có học sinh học hết lớp 5 theo mô hình trường học mới. Năm học 2015 – 2016 có hơn 1.600 trường THCS ở 62 tỉnh/thành phố trong phạm vi cả nước tự nguyện đăng ký triển khai mô hình trường học mới từ lớp 6.

Nhằm đáp ứng thực tế đó, nhất là nguyện vọng của những học sinh đã học tiểu học theo mô hình trường học mới, từ năm học 2014 – 2015 Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo sáu tỉnh triển khai thực nghiệm thành công mô hình ở 48 lớp 6 của 24 trường THCS.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

Mô hình trường học mới tại Việt Nam

Mô hình trường học mới ở bậc tiểu học hay THCS đều có điểm chung là phát huy tính chủ động, tự học, tự quản của học sinh theo nhóm trong một lớp hoặc theo cặp trong nhóm. Vai trò của giáo viên chuyển đổi từ giảng giải, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn học sinh học cá nhân, học theo nhóm…

Việc đánh giá học sinh sẽ trên tinh thần theo sát quá trình học tập, khích lệ sự tiến bộ và phát huy thế mạnh của cá nhân học sinh, đa dạng hoá các kênh đánh giá: giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá học sinh và cha mẹ học sinh đánh giá học sinh…

 

VĨNH HÀ thực hiện ([email protected])