28/11/2024

Vũ khí hạt nhân bí mật của Nga

Giới chức Mỹ đang theo dõi sát sao thông tin về chương trình phát triển tàu ngầm không người lái của Nga.

 

Vũ khí hạt nhân bí mật của Nga

 

Giới chức Mỹ đang theo dõi sát sao thông tin về chương trình phát triển tàu ngầm không người lái của Nga.


 


Tàu ngầm hạt nhân là vũ khí lợi hại của Nga - Ảnh: The Moscow TimesTàu ngầm hạt nhân là vũ khí lợi hại của Nga – Ảnh: The Moscow Times
Trang Washington Free Beacon dẫn lời giới chức Mỹ cho biết thiết bị không người lái dưới nước (UUV) của Nga, một khi sẵn sàng để triển khai, sẽ được trang bị những đầu đạn với kích cỡ siêu lớn, có khả năng thổi bay những hải cảng được sử dụng làm căn cứ cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của quân đội Mỹ.
Lầu Năm Góc được cho là đang theo dõi sát sao chương trình tuyệt mật của Nga và đã đặt tên cho nó là “Kanyon”.
Sóng thần hạt nhân
Việc phát triển UUV nói trên được xem là bằng chứng mới nhất cho nỗ lực xây dựng và phát triển năng lực của quân đội Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và phương Tây đang trong thời kỳ căng thẳng.
Theo ông Mar Schneider, cựu chuyên viên về chính sách hạt nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin vào năm ngoái đã khẳng định Nga có những chương trình hiện đại hoá hạt nhân chiến lược bí mật “vốn sẽ được công bố vào một thời điểm thích hợp”. Tháng 6 năm nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học trung ương Nga Lev Klyachko xác nhận với Hãng tin RIA-Novosti rằng các UUV “đang được phát triển” ở nước này.
Các quan chức Mỹ am hiểu chương trình Kanyon cho biết loại vũ khí mà Nga đang ra sức chế tạo có thể được hình dung như một “thiết bị tấn công dạng tàu ngầm tự động”, được trang bị đầu đạn với sức nổ lên đến hàng chục megaton (1 megaton tương đương 1 triệu tấn chất nổ TNT). Một vụ nổ bằng vũ khí hạt nhân có kích cỡ như trên có thể gây ra thiệt hại khổng lồ trên những khu vực rộng lớn. “Loại UUV đó là một tàu ngầm không người lái có tốc độ cao và phạm vi hoạt động rộng, cho phép tấn công bí mật các mục tiêu từ xa”, một quan chức Mỹ cho biết.
Chuyên gia phân tích hải quân Norman Polmar cho rằng Kanyon có thể được phát triển dựa trên ngư lôi hạt nhân T-15 thời Liên Xô mà ông từng đề cập trong cuốn sách được xuất bản hồi năm 2003 có tên gọi Cold War Submarines (tạm dịch: Những tàu ngầm thời Chiến tranh lạnh). Theo ông, cả hải quân Nga hiện nay và hải quân Liên Xô trước đây đều là những nhà sáng chế các hệ thống vũ khí dưới nước cự phách. “Các nỗ lực này bao gồm những quả ngư lôi tiên tiến nhất. Trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên hạt nhân, người Liên Xô đã bắt đầu chế tạo một loại ngư lôi khổng lồ để tấn công các thành phố và cảng ven biển”, ông Polmar nói.
Ngư lôi T-15 dài hơn 22 m với đường kính 1,5 m. Loại vũ khí này, nếu được khai oả ở độ sâu 6.000 m, có thể tạo nên trận sóng thần đủ sức cuốn trôi toàn bộ bờ đông hoặc tây của Mỹ xuống đáy đại dương.
Công nghệ tương lai
Trong một bài phát biểu hồi tháng 4, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Marbus đã đánh giá cao các hệ thống không người lái, coi đó là một ưu tiên trong các loại vũ khí tương lai của Mỹ. “Dù công nghệ không người lái không mới, nhưng tác động tiềm tàng của chúng đối với phương thức hoạt động của chúng ta gần như không thể đo đếm”, ông nói.
Bộ phận chiến tranh tàu ngầm thuộc hải quân Mỹ cũng khẳng định UUV sẽ phải trở thành một phần của lực lượng tàu ngầm tương lai của Mỹ. Theo họ, UUV cho phép tiếp cận các khu vực bị phong toả bằng các bộ cảm biến và vũ khí mang tính cách mạng, cung cấp những năng lực độc nhất vô nhị và mở rộng tầm hoạt động của các hệ thống vũ khí hiện hữu, đồng thời giảm rủi ro trở thành mục tiêu bị tấn công.
Với những công năng ưu việt như thế, chương trình Kanyon của Nga rõ ràng không thể nằm ngoài tầm chú ý của giới chức quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, chuyên san The Diplomat dẫn lời chuyên gia quân sự Mỹ Bill Gertz cho rằng phải mất nhiều năm Nga mới có thể thử nghiệm loại vũ khí này. Theo ông, công nghệ UUV chưa phát triển đến độ “chín muồi” như công nghệ máy bay không người lái (UAV). Lý do chính là việc liên lạc với UUV khó hơn nhiều so với UAV. Các đại dương không “thân thiện” với tín hiệu vô tuyến, trong khi tín hiệu âm thanh di chuyển với tốc độ chậm hơn nhiều so với sóng vô tuyến. Hậu quả là UUV phải vận hành gần như hoàn toàn tự động, chính điều này đặt ra không ít thách thức về mặt kỹ thuật cho các nhà chế tạo.
Giới chức quốc phòng Mỹ chưa công khai bình luận về chương trình Kanyon, nhưng Lầu Năm Góc đầu tháng này cho biết họ đang theo dõi sát sao một tàu hải quân Nga di chuyển dọc bờ biển phía đông nước Mỹ. Tàu Yantar thực hiện hoạt động do thám dưới nước, thu thập những thông tin tình báo có thể được sử dụng để hỗ trợ một hệ thống vũ khí như UUV hạt nhân.
Trong nỗ lực hiện đại hoá lực lượng hạt nhân chiến lược, Nga còn sở hữu tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lớp Borey và tên lửa phóng từ tàu ngầm Bulava.
Hai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũng đang được triển khai, song song với việc phát triển thêm 3 ICBM mới, bao gồm “hậu duệ” của SS-18 hiện được xếp vào loại ICMB lớn nhất thế giới.
Một oanh tạc cơ chiến lược cũng đang trong quá trình phát triển, và có tin Nga đã lên kế hoạch nối lại sản xuất dòng oanh tạc cơ Tu-160 Blackjack. Ngoài ra, Moscow cũng đang chế tạo tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân KH-101, có thể tấn công các mục tiêu tại Mỹ từ những khu vực phóng nằm trong không phận Nga, theoThe Washington Free Beacon.

 

Trùng Quang