28/11/2024

Con số đáng suy ngẫm

Đó là con số gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp do Viện Khoa học lao động và xã hội công bố trong bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1-2015.

  

Con số đáng suy ngẫm

 

Đó là con số gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp do Viện Khoa học lao động và xã hội công bố trong bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1-2015.



Nội dung bản tin còn cho biết trong ba tháng đầu năm, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. 

Số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000.

Điều đáng suy ngẫm ở đây chính là tại sao lao động chất lượng (dựa trên bằng cấp, với trình độ cử nhân, thạc sĩ) lại thất nghiệp? Và rồi những người được đào tạo với trình độ cử nhân, trên đại học hết lớp này đến lớp khác ra trường ấy sẽ đi đâu về đâu? 

Ai không khỏi ngậm ngùi khi có ngần ấy người lao động được ăn học đàng hoàng không có việc làm và liệu những người đứng đầu ngành giáo dục và các ngành liên quan có cảm thấy băn khoăn về điều này? 

Sự thật kinh khủng ấy chính là lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí trong khâu đào tạo, gây áp lực cho xã hội, nhất là những “nạn nhân” của con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp kể trên.

Điều cần suy ngẫm nữa là với con số thất nghiệp tăng lên so với cùng kỳ năm 2014 thì nguyên nhân là do đâu? Có cách gì khắc phục? 

Tạo công ăn việc làm là điều được đặt ra, được khuyến khích từ cơ sở, trong tất cả các ngành nghề để ai cũng có thể lao động và cống hiến, sáng tạo và cũng là không để “nhàn cư vi bất thiện”. 

Đối với những người đã đào tạo, được công nhận trình độ mà không có việc làm càng dễ dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực như hoài nghi, lo sợ, mặc cảm, đôi khi bế tắc trong cuộc sống.

Do vậy, con số này không thể dửng dưng xem như một thống kê bình thường mà cần được ưu tiên xem xét, điều chỉnh từ khâu đào tạo, tuyển sinh hằng năm, trong định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh ngay khi các em còn ngồi ở ghế nhà trường…

Có một sự thật là tâm lý hiện nay của đại đa số phụ huynh, học sinh đều muốn con em mình vào đại học bằng mọi giá, không cần biết năng lực, không cần đánh giá thị trường lao động hiện tại.

Trong khi đó, các trường đại học lại nở rộ sẵn sàng đáp ứng “thị hiếu” này bằng cách mở thêm ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển mỗi năm một tăng trong khi đầu ra thì phó mặc. 

Đó là chưa kể lớp cử nhân ra trường do không xin được việc làm, không biết làm gì nên… lại chen chân học cao học và vì thế trong đội ngũ thất nghiệp còn có tên của nhiều thạc sĩ.

Các nhà hoạch định chính sách cần có giải pháp tính toán dài lâu cho lao động trẻ và đội ngũ những lao động có đào tạo, định hướng một cách kỹ càng để không lãng phí, không khiến cho xã hội bất an thêm…

 

TẤN KHÔI