Thái Lan truy quét cảnh sát buôn người
Cuộc chiến chống buôn người của Thái Lan ngày càng quyết liệt hơn với quyết định thuyên chuyển công tác 32 sĩ quan cảnh sát dính líu đến đường dây buôn người Rohingya.
Thái Lan truy quét cảnh sát buôn người
Cuộc chiến chống buôn người của Thái Lan ngày càng quyết liệt hơn với quyết định thuyên chuyển công tác 32 sĩ quan cảnh sát dính líu đến đường dây buôn người Rohingya.
Ngày 21.9, Hội đồng cảnh sát Thái Lan quyết định thuyên chuyển công tác 32 sĩ quan cảnh sát vì lý do trên. Tổng trưởng cảnh sát Thái Lan Somyot Poompunmuang không tiết lộ danh tính cũng như chức vụ của những người này mà chỉ cho biết họ thuộc Cục Điều tra trung ương (CIB) và lực lượng cảnh sát tỉnh ở vùng 8 và 9. “Có thể sẽ còn nhiều sĩ quan nữa bị truy nã”, ông nói.
CIB là đơn vị cảnh sát chính có nhiệm vụ giám sát Lực lượng phòng chống tội phạm và Đơn vị chống buôn người trên toàn quốc. Trong khi đó, Cảnh sát vùng 8 và vùng 9 quản lý các tỉnh phía nam Thái Lan, đặc biệt những vùng giáp với biển Andaman – nơi tập trung rất đông tàu thuyền của những người Hồi giáo thiểu số Rohingya vượt biển từ Myanmar để đến Thái hoặc Malaysia.
Việc thuyên chuyển các sĩ quan nói trên đến các vị trí “ngồi chơi xơi nước” nhằm phục vụ cuộc điều tra do đích thân Phó tổng trưởng Cảnh sát quốc gia Aek Angsananont đứng đầu. Hồi tháng 5, cảnh sát đã phát hiện những khu mộ tập thể và lán trại của bọn buôn người tại miền nam Thái Lan, giáp biên giới Malaysia. Tiếp đó, hàng ngàn người Rohingya đã bị bọn buôn người bỏ rơi trên vùng biển Adaman (giáp ranh với Thái Lan, Malaysia và Indonesia) trong tình trạng kiệt quệ.
Các vụ việc trên làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên thế giới, với nhiều lời chỉ trích nhằm vào giới chức Thái Lan vì đã lơ là trước hoạt động buôn người. Trong nỗ lực xua tan những lời chỉ trích, Thái Lan liên tục phát động chiến dịch truy quét gắt gao bọn tội phạm này.
Theo The Nation, đến nay có tổng cộng 150 nghi phạm liên quan đến đường dây buôn người bị truy nã, với 90 người đã bị bắt, bao gồm cả tướng Manas Kongpan, tham mưu cấp cao của quân đội Hoàng gia Thái; Banjong Pongphon, cựu thị trưởng Padang Besar (thuộc tỉnh Songkhla ở biên giới Thái-Malaysia) và Pajjuban Angchotiphan, cựu quan chức cấp cao tỉnh Satun. “61 người khác đang lẩn trốn, trong đó 20 người đã trốn ra nước ngoài”, nguồn tin nói.
Trước đó, ngày 20.9 Toà án Na Thawi (tỉnh Songkhla) cũng chuẩn y lệnh truy nã ba sĩ quan lục quân và một sĩ quan hải quân với cùng cáo buộc. Bốn người này là đại tá Natsit Maksuwan, Phó chỉ huy Lực lượng an ninh nội địa (Isoc) tại tỉnh Satun, đại úy Wisut Bunnag và đại úy Santhat Phetnoi thuộc Isoc tỉnh Chumphon, trung tá Kampanat Sangthongchin, chỉ huy Lực lượng hải quân vùng 3 (vùng biển Andaman).
Theo trang Phuketwan, Kampanat bị cáo buộc nhắm mắt làm ngơ đối với hoạt động buôn người ở vùng biển Andaman và tống tiền các cảnh sát bị phát hiện tiếp tay cho những kẻ buôn người. Tuy nhiên, trả lời tờ Bangkok Post qua điện thoại, đại tá Natsit cho biết ông có đầy đủ bằng chứng chống lại cáo buộc.
Malaysia bắt “nghi phạm áo vàng” đánh bom Bangkok
Truyền thông Malaysia vừa cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ một người được cho là nghi phạm áo vàng trong vụ đánh bom Bangkok. Trước đó, cảnh sát Malaysia đã tạm giữ hai người Malaysia và một người Pakistan vì liên quan đến đường dây buôn người. Những người này khai với cảnh sát họ đã giúp hai nghi phạm đánh bom trốn sang Malaysia. Tối 19.9, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ ba người, một trong số đó được cho là nghi phạm áo vàng, người bị camera an ninh ghi lại cảnh mang theo một ba lô chứa bom tại đền thờ Erawan trước khi xảy ra vụ nổ vào ngày 17.8. Một số nguồn tin cho hay nghi phạm này đã thú nhận mình là kẻ đặt bom sau 2 ngày thẩm vấn.
Theo tờ The Nation, quá trình điều tra còn cho thấy một số cảnh sát Malaysia có thể dính líu đến việc hỗ trợ nghi phạm ở Malaysia.
|
Lam Yên
(Văn phòng Bangkok)