28/11/2024

Cảnh báo mua nhầm tin khủng bố “đểu”

Phía an ninh Anh đã chi tới 2.000 bảng để mua những báo cáo về hành tung của các nghi phạm khủng bố. Việc chi trả tốn kém này đang gây bão dư luận vì thiếu hiệu quả.

 

Cảnh báo mua nhầm tin khủng bố “đểu”

 

Phía an ninh Anh đã chi tới 2.000 bảng để mua những báo cáo về hành tung của các nghi phạm khủng bố. Việc chi trả tốn kém này đang gây bão dư luận vì thiếu hiệu quả.



 

Cảnh sát Anh bảo vệ tại London - Ảnh: AFP
Cảnh sát Anh bảo vệ tại London – Ảnh: AFP

Khi họ bắt đầu vung tiền thì mọi người đều sẵn sàng vì chút lợi mà phanh phui tội lỗi hoặc bịa ra mọi chuyện

Phát ngôn viên Salman Farsi

Theo báo Guardian, Cục An ninh Anh (MI5) đang trả tiền cho các nguồn tin là những người Hồi giáo. Họ được mời tham gia các nhiệm vụ do thám ngắn hạn nhằm hỗ trợ MI5 ngăn cản và triệt phá các âm mưu khủng bố do những lực lượng Hồi giáo cực đoan tiến hành ngay trong lòng nước Anh.

Một nguồn tin nói họ biết đã có trường hợp gần đây được MI5 trả tới 2.000 bảng Anh (3.107 USD) chỉ để tiến hành theo dõi các hoạt động liên quan tới một nhà thờ Hồi giáo trong sáu tuần.

Tuy nhiên việc dùng tiền để thu thập tin tức thật ra là hợp pháp vì nằm trong chương trình có tên Pursue (săn lùng), đang làm dấy lên những cảnh báo về tình trạng cơ quan an ninh có thể sẽ chỉ thu được những kiểu thông tin bị “thêu dệt” do động cơ kiếm chác của các nguồn tin không trung thực.

Ông Salman Farsi, phát ngôn viên của nhà thờ Hồi giáo Đông London, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất nước Anh, cảnh báo: “Chúng tôi muốn an ninh quốc gia được bảo vệ nhưng cũng như mọi thứ khác, vẫn cần sự giám sát phù hợp và cần đảm bảo mọi thứ được thực thi đúng đắn. Nếu đã đưa tiền ra để đổi chác, vậy đâu là sự thẩm tra và giám sát để đảm bảo việc ai đó không thêu dệt ra các thông tin? Tiền bạc có thể gây sai lệch”.

Cũng theo phát ngôn viên Farsi, cơ quan an ninh Anh nên tham khảo các bài học từ chương trình chống khủng bố trước đó của chính phủ có tên gọi Prevent (phòng ngừa) được triển khai từ sau các vụ đánh bom ngày 7-7-2005 tại London.

Lần đó, bất chấp việc chính phủ đổ ra cả chục triệu bảng Anh và hàng trăm sáng kiến, tất cả đều bị chỉ trích vì không đạt những mục tiêu đã đề ra.

Phát biểu trong chương trình Today của Đài BBC Radio 4, tổng giám đốc MI5 Andrew Parker cảnh báo các âm mưu tấn công khủng bố nước Anh đang ở mức báo động nhất trong ba thập kỷ khi chỉ trong vòng 12 tháng qua, cơ quan chức năng đã triệt phá sáu âm mưu tấn công kiểu này.

Các thông báo sau đó cho biết MI5 và các cơ quan chống khủng bố khác đang theo dõi hơn 3.000 nghi phạm Hồi giáo cực đoan sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công tại Anh.

Con số này đã tăng vọt kể từ năm 2013 cùng với sự trỗi dậy của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria. Hơn 700 công dân Anh được cho là đã gia nhập các tổ chức thánh chiến trong khu vực và 300 người có thể đã hồi hương.

Tháng trước, Sở Cảnh sát thủ đô London thông báo trong 12 tháng (tính tới tháng 3-2015), Anh đã tiến hành 299 vụ bắt giữ các trường hợp tội phạm liên quan khủng bố, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức kỷ lục tính từ thời điểm bắt đầu thu thập dữ liệu các vụ việc này vào tháng 9-2001.

Huấn luyện 
quân đội Syria: 
cỗ máy xài tiền

Các thượng nghị sĩ Mỹ đã không thể tin vào tai mình khi tại phiên điều trần ngày 16-9 của Uỷ ban Quân vụ thượng viện, tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, tướng Lloyd Austin, cho biết với 500 triệu USD đổ ra, quân đội Mỹ chỉ đào tạo được 4 – 5 binh sĩ Syria có khả năng chiến đấu chống IS.

Kế hoạch đào tạo binh sĩ chống IS cho Syria là sáng kiến của chính quyền Tổng thống Obama nhằm giúp Syria giành lại các phần lãnh thổ đã bị IS chiếm mất. Cuối năm 2014, Lầu Năm Góc ước tính chương trình này sẽ giúp Syria đào tạo được khoảng 5.000 binh sĩ chống IS.

Tuy nhiên bà Christine Wormuth – thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách chính sách – thừa nhận kết quả của chương trình “khiêm tốn” hơn rất nhiều so với kỳ vọng.

Thượng nghị sĩ Claire McCaskill giễu cợt về chương trình huấn luyện binh sĩ cho Syria khi cho rằng có lẽ Bộ Quốc phòng cần phải huy động thêm 600 triệu USD nữa để có tiền cho công tác huấn luyện số binh sĩ mà “có thể đếm được trên đầu ngón tay ngón chân” đó.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ McCain, chủ tịch Uỷ ban Quân vụ thượng viện, thì gọi chiến lược đào tạo binh sĩ của chính quyền Mỹ tại Syria là “một thất bại hoàn toàn”.

 

D.KIM THOA ([email protected])