‘Mù’ tiếng Anh vẫn học tăng cường
Có nhiều học sinh do bị đẩy vào những lớp hoặc chương trình học vượt quá sức nên dưới sức ép của giáo viên và nhà trường buộc phải đi học thêm 2 – 3 nơi.
‘Phải học thêm vì… bị ép?’ – Kỳ 2: ‘Mù’ tiếng Anh vẫn học tăng cường
Có nhiều học sinh do bị đẩy vào những lớp hoặc chương trình học vượt quá sức nên dưới sức ép của giáo viên và nhà trường buộc phải đi học thêm 2 – 3 nơi.
Học thầy để cải thiện điểm số, học trung tâm để lấy kiến thức
Quy định chung đầu vào của lớp tiếng Anh tăng cường bậc THCS là phải đáp ứng một trong 2 yêu cầu: học sinh (HS) đã theo học chương trình tiếng Anh tăng cường tiểu học hoặc phải có chứng chỉ Flyers. Tuy nhiên, nhiều HS không đáp ứng những yêu cầu này mà vẫn học lớp tăng cường.
|
Ông T., giáo viên Trường THCS Bình An (Q.2, TP.HCM), cho biết: “Hiện nay nhiều HS không có cả 2 điều kiện đó nhưng vẫn được vào lớp tiếng Anh tăng cường. Với những trường hợp này trường liên tục đòi bổ sung chứng chỉ. Chính điều này tạo ra áp lực buộc chúng tôi phải nhắc đi nhắc lại với phụ huynh khiến họ chạy vạy cho con học thêm khắp nơi nhằm bổ sung đủ những chứng chỉ này để không bị đẩy ra khỏi lớp tăng cường”.
Một giáo viên dạy chương trình tiếng Anh tăng cường lớp 6 nhìn nhận: “Quy định chung là một chuyện còn trên thực tế có HS chưa nói vững một câu tiếng Anh nhưng vẫn được học lớp tiếng Anh tăng cường”. Giáo viên dạy lớp tăng cường một trường THCS cho biết: “Chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ phía nhà trường nên thường xuyên phải nhắc đi nhắc lại với phụ huynh và HS để yêu cầu các em bổ sung cho được chứng chỉ, có thể từ đó dồn áp lực khiến phụ huynh phải cho con đi học thêm ở nhiều nơi”.
Bà T., một phụ huynh Trường THCS Bình An, nói rõ: “Thấy con mình học yếu lại liên tục bị các thầy đòi chứng chỉ để được học lớp tăng cường nên tôi đành cho con học thêm nhiều nơi cùng lúc. Một chương trình tiếng Anh căn bản để cải thiện điểm số trên lớp, một chương trình để bổ sung chứng chỉ”. Cũng theo bà T., học thêm ở thầy trên lớp không có hiệu quả thật sự nên tiếp tục đăng ký cho con học tiếng Anh ở trung tâm để có thêm kiến thức. Đó là chưa kể tới việc khi đã có chứng chỉ Flyers thì trường lại đòi thêm các chứng chỉ khác. Cứ như vậy tình trạng học thêm còn dài dài. Điều này vừa gây tốn kém cho chúng tôi vừa khiến con cái cũng bị quay cuồng với việc học thêm”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chị P., một phụ huynh cho con tham gia chương trình tiếng Anh tăng cường ở Trường THCS Bình An (Q.2) mà không đủ điều kiện đầu vào, phân trần: “Lúc đầu tôi muốn cho con vào học lớp tiếng Anh tăng cường vì nghĩ ở lớp đó con sẽ có điều kiện học tốt hơn. Khả năng tiếng Anh của con sẽ được cải thiện nhanh chóng. Vì vậy tôi đã tìm mọi cách để con được vào học lớp này. Tuy nhiên, khi con học được một năm thì tôi thấy chương trình học quá nhiều bất cập. Lại thêm sức ép từ việc bổ sung bằng cấp… Gồng mình đưa đón con học thêm nhiều nơi suốt một năm qua tôi thật sự mệt mỏi mà thấy hiệu quả chả tới đâu. Nếu bây giờ được chọn lại tôi thà cho con học chương trình bình thường ngay từ đầu”.
Trường nói thực hiện theo phòng, phòng nói sẽ kiểm tra
Ngày 21.9, trao đổi với PV Thanh Niên về việc Trường THCS Bình An nhận HS không đủ điều kiện vào lớp tiếng Anh tăng cường, bà Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tôi thực hiện theo văn bản kế hoạch tuyển sinh của quận. Có gì thì liên hệ với phòng giáo dục”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó phòng Giáo dục Q.2, lại cho rằng tuyển sinh HS chương trình tăng cường tiếng Anh phòng thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Sở. Điều kiện tuyển sinh có tiêu chí rõ ràng, các trường căn cứ vào đó để tiếp nhận HS.
Theo kế hoạch tuyển sinh của quận thì HS hoàn thành chương trình tiểu học tiếng Anh tăng cường ở các trường tiểu học trên địa bàn quận đạt yêu cầu và có điểm kiểm tra cuối năm từng kỹ năng từ 6 trở lên sẽ được tiếp tục học tiếng Anh tăng cường ở cấp THCS. Chương trình này cũng dành cho HS có chứng chỉ Flyers đạt từ 10/15 khiên hoặc TOEFL Primary Step 2 đạt 3/5 huy hiệu. Bà Thu Hằng cũng cho hay tất cả HS chương trình tiếng Anh tăng cường đều có học bạ riêng của chương trình này. Từ phản ánh của Báo Thanh Niên, bà Hằng cho biết phòng sẽ tìm hiểu và trả lời cụ thể.
Dạy thêm nhiều năm mới nộp đơn xin phép khi báo phát hiện
Báo Thanh Niên số ra ngày 21.9 có phản ánh trường hợp ông T. (giáo viên Trường THCS Bình An, Q.2, TP.HCM) bị phụ huynh tố cáo ép HS học thêm. Bà Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi thành phố có quy định về dạy thêm – học thêm, trường đều thông tin để giáo viên biết các điều kiện để đăng ký. Trong năm học 2014 – 2015, trường chỉ nhận được đơn đề xuất xin dạy thêm của một giáo viên. Còn trong năm học 2015 – 2016, trường có thông báo sẽ tiếp nhận đơn của giáo viên trong tháng 9. Sáng nay, sau khi Báo Thanh Niên thông tin về việc tổ chức dạy thêm của giáo viên tiếng Anh thì giáo viên này vừa nộp đơn”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay theo quy định việc dạy thêm – học thêm ngoài nhà trường, giáo viên phải thực hiện theo đúng thủ tục, quy trình. Giáo viên có trách nhiệm phải đăng ký hoạt động này với UBND phường, xã đồng thời cũng phải báo cáo với hiệu trưởng để quản lý thông tin.
|
Lam Ngọc – Bích Thanh