28/11/2024

Góc tối: Cảnh sát biển Thái Lan

Không chỉ gây ồn ào dư luận bởi vụ bắn chết một ngư dân Việt Nam, Cảnh sát biển Thái Lan cũng từng dính líu đến nhiều vụ bê bối lớn ở nước này.

 

Góc tối: Cảnh sát biển Thái Lan

 

 

Không chỉ gây ồn ào dư luận bởi vụ bắn chết một ngư dân Việt Nam, Cảnh sát biển Thái Lan cũng từng dính líu đến nhiều vụ bê bối lớn ở nước này.



Góc tối: Cảnh sát biển Thái Lan - ảnh 1Cảnh sát Thái Lan công bố các tài sản tịch thu trong cuộc điều tra hành vi nhận hối lộ nhằm vào CIB và cảnh sát biển vào cuối năm 2014 – Ảnh: Reuters

Cuối năm 2014, cảnh sát Thái Lan rúng động với vụ tham nhũng khổng lồ của Cục trưởng Cục Điều tra Thái Lan (CIB) cùng đồng phạm, với số tiền lên đến hàng trăm triệu USD. Trong đó, lực lượng cảnh sát biển là đơn vị dính líu nhiều nhất…

Làm ngơ buôn lậu dầu
Tháng 11.2014, ba sĩ quan cấp cao thuộc Cảnh sát biển Thái Lan bị điều tra trong vụ bê bối nhận hối lộ từ trùm buôn lậu dầu Sahachai Jiansermsin tại vùng biển phía nam Thái Lan. Đó là đại tá Varissiri Leelasiri, sĩ quan vùng 5; đại tá Somchat Supavuth, sĩ quan vùng 7 và đại tá Chakraphan Rattanathevamart, chỉ huy cảnh sát biển tỉnh Chon Buri. Đến tháng 12.2014, tướng Prawut Thawornsiri, người phát ngôn cảnh sát Thái Lan, thông báo cựu Chỉ huy Cảnh sát biển Thái Lan, trung tướng Bunsueb Phraitheun, thú nhận đã cùng thuộc cấp nhận hối lộ để “làm ngơ” cho buôn lậu dầu hoành hành tại vùng biển phía nam Thái Lan.
Một nguồn tin của tờ Bangkok Post cho biết, những kẻ buôn lậu dầu bị nghi hỗ trợ tài chính cho những nhóm ly khai tại miền nam Thái Lan và có hơn 30 quan chức cấp cao ở địa phương dính líu đến vụ này. Theo The Nation, mỗi tháng Bunsueb nhận “cống nạp” từ 2 – 3 triệu baht (khoảng 1,5 – 2 tỉ đồng), trong khi các đồng phạm khác nhận 12 – 13 triệu baht (khoảng 8 – 9 tỉ đồng). Để tránh bị “sờ gáy”, Bunseub hối lộ Cục trưởng Cục Điều tra trung ương (CIB) Pongpat Chayapan và Cục phó CIB Kowit Wongrungroj 153 triệu baht (khoảng 100 tỉ đồng).
Trong đợt bố ráp nhà để lùng bắt Sahachai, cảnh sát tìm thấy danh sách chứa một loạt các bí danh, biệt hiệu lạ. Chính Bunsueb đã giúp cảnh sát lần ra tên thật và chức vụ của hàng loạt cảnh sát và nhân viên an ninh có dính líu. Sau vụ này, hơn 200 sĩ quan, cảnh sát thuộc CIB và cảnh sát biển bị điều chuyển công tác.
Tiếp tay buôn người
 
 
Trừng phạt nghiêm quan chức “bảo kê” buôn người
Ngày 19.9, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cảnh cáo bất kỳ quan chức nào dùng quyền lực để “bảo kê” cho các hoạt động buôn người sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, theo The Nation.
Chủ trì cuộc họp bàn về kế hoạch phòng chống nạn buôn người và đánh bắt cá bất hợp pháp, Thủ tướng Prayut khẳng định sẽ không nương tay trong cuộc chiến với bọn buôn người. Ông yêu cầu thuộc cấp phải gấp rút soạn dự thảo quy định ngăn chặn viên chức nhà nước dính dáng đến hoạt động buôn người trước ngày 15.10 để có thể đưa vào áp dụng từ ngày 15.11.

 

Không những làm ngơ cho buôn lậu dầu, một số sĩ quan Cảnh sát biển Thái Lan cũng bị tố tiếp tay cho đường dây buôn người. Phóng viên tờ Vice năm 2013 đã có cuộc phỏng vấn với Noi, người bị cho là điều phối phần lớn các hoạt động buôn người ở bờ biển phía tây Thái Lan. Theo Noi, hầu hết những người tị nạn Rohingya (Myanmar) muốn đến đất nước Hồi giáo Malaysia bằng tàu đều phải đi ngang qua Thái. Tại đây, hầu hết đều bị cảnh sát biển bắt giữ. Sau đó, cảnh sát sẽ gọi điện báo bà trùm này biết những người tị nạn hiện đang ở đâu để đưa họ vào những lán trại trong rừng tạm trú rồi tìm đường băng qua biên giới vào Malaysia.

“Từ Myanmar, sau 12 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi cập vào bờ biển Thái Lan. Tại đây, cảnh sát biển Thái đã bắt chúng tôi và bán cho bọn buôn người”, Ismair, một người Rohingya, di cư kể.
Theo Vice, việc cảnh sát bắt tay với đường dây buôn người tị nạn trên biển không hiếm. Abu, một người Rohingya sống tại Thái, kể ông đã nhiều lần báo với cảnh sát về những khu lán trại của bọn buôn người giam giữ nạn nhân, thậm chí sẵn sàng chỉ đường cho cảnh sát. Tuy nhiên, đáp lại chỉ là một sự im lặng. “Tôi ở Bangkok, cách xa cả ngàn ki lô mét nhưng cũng biết được khu này. Trong khi đó, đồn cảnh sát chỉ cách khu lán trại này 2 km lại hoàn toàn không biết”, ông bức xúc kể.
Vô cớ bắn ngư dân
Không chỉ bắn bừa bãi vào ngư dân nước ngoài như vụ bắn tàu cá Kiên Giang (Việt Nam) ngày 11.9, cảnh sát Thái Lan cũng từng bị tố cáo nổ súng vô cớ vào cả ngư dân nước này. Tờ Khaosod dẫn lời một thuyền trưởng tàu cá Thái Lan cho hay ông từng bị một tàu tuần tra của cảnh sát bắn xối xả tại biển Andaman vào tháng 12 năm ngoái. Cụ thể, thuyền trưởng Thongbai Thamthong cho hay tàu Kao Baramee Por của ông đang đánh bắt trong vùng biển Thái Lan vào ngày 8.12.2014 thì một chiếc tàu lạ xuất hiện và bám theo. “Tôi nghĩ đó là tàu vũ trang nước ngoài… vì khu vực này từng xảy ra nhiều vụ tàu vũ trang cướp bóc ngư dân Thái Lan”, ông Thongbai nói với tờ Khaosod.
Theo viên thuyền trưởng, chiếc tàu lạ bám theo họ trong gần 2 giờ đồng hồ trước khi bất ngờ nổ súng. “Hai chiếc tàu ở cách nhau chừng nửa hải lý và bất thình lình tiếng súng vang lên. Tôi rất sợ hãi và cố gắng ẩn nấp nhưng chiếc tàu đó liên tục bắn vào tàu của tôi”, Thongbai kể lại và cho biết ông đếm được hơn 30 vết đạn trên tàu.
Sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu từ tàu của Thongbai, một tàu tuần tra của hải quân Thái Lan ở gần đó đã tiến đến can thiệp và nhanh chóng trấn áp chiếc tàu nổ súng. Theo trung tá Thaksapon Namhorm, thuyền trưởng tàu hải quân đến giải cứu, quá trình tra xét sau đó cho thấy những kẻ nổ súng hoá ra là cảnh sát Thái Lan. Những viên cảnh sát này cho biết họ đang thực hiện sứ mệnh ngăn chặn hoạt động buôn người ở biển Andaman và nhầm tàu của Thongbai là tàu của bọn buôn người.
Thongbai nói ông rất phẫn nộ trước hành động của cảnh sát. “Nếu họ muốn lên tàu và kiểm tra, tôi sẽ để họ lên, nhưng họ không đưa ra bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào cho chúng tôi, không giống như quân đội hoặc những cơ quan khác… Tôi nghĩ đó là hành động rất lạ. Rất khả nghi. Họ sử dụng bạo lực quá mức. Nếu tàu hải quân không đến cứu, tôi sẽ gặp rắc rối lớn”, ông nói.
Phải giải trình vụ bắn tàu cá VN
Theo tờ The Nation ngày 19.9, Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan yêu cầu các đơn vị liên quan phải làm rõ việc Cảnh sát biển Thái Lan bắn chết ngư dân Việt Nam trên tàu cá, trước những thông tin trái ngược về vụ việc.
Trong khi đó, Tổng trưởng Cảnh sát quốc gia, tướng Somyot Poompangmuang cũng cho biết đã yêu cầu chỉ huy Cảnh sát biển Thái Lan phải giải trình rõ ràng và chính xác những gì đã xảy ra bởi những thông tin hiện có từ đơn vị này không đề cập bất cứ điều gì đến việc có người bị bắn chết.
Trước đó, Cảnh sát biển Thái Lan cho rằng họ chỉ bắn cảnh cáo từ cách xa 100 m khi tàu cá Việt Nam định đâm vào. Tuy nhiên, những ngư dân sống sót cáo buộc cảnh sát Thái đã dùng loa đe dọa “sẽ bắn chết”. Ngoài ra trước khi thả, cảnh sát Thái còn đánh một số ngư dân Việt Nam và tịch thu toàn bộ thiết bị liên lạc.

Xuân Trang