29/11/2024

Sài Gòn ‘quên’ nước mưa

TP.HCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng thực hiện các dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập như dự án Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ, dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm…

 

Sài Gòn ‘quên’ nước mưa

 

TP.HCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng thực hiện các dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập như dự án Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ, dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm…



Trận mưa tối 15.9 khiến nước ngập lênh láng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Trận mưa tối 15.9 khiến nước ngập lênh láng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thế nhưng tình trạng ngập sau những trận mưa lớn vẫn xảy ra bởi các dự án này mới đưa vào sử dụng đã lạc hậu.

 
 
Sài Gòn ‘quên’ nước mưa - ảnh 2

 

Chừng nào mà trách nhiệm xã hội trong việc gây ra ngập (đô thị hoá, san lấp kênh rạch, bê tông hoá…) vẫn chưa được xem xét để bồi hoàn lại cho kinh phí chống ngập thì tính bền vững về tài chính của các dự án chống ngập vẫn sẽ còn bấp bênh

 

Sài Gòn ‘quên’ nước mưa - ảnh 3
 

 

PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM

 

 
Điển hình như năm 2014, TP xảy ra 2 trận mưa lớn với lượng mưa khoảng 100 mm, đỉnh triều tại TP lên mức kỷ lục 1,68 m đã vượt quá thiết kế của hầu hết công trình chống ngập hiện hữu. Hay trận mưa ngày 15.9 vừa qua, nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm Q.1, Q.5, nơi đã thực hiện dự án Cải thiện môi trường nước, lắp đặt cống lớn, vẫn bị ngập sâu. Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, giải thích do vũ lượng mưa quá lớn (142 mm), vượt gần gấp đôi tần suất thiết kế cống nên ngập xảy ra.
Chủ yếu lo đê bao và cống kiểm soát triều ven sông
Để giải bài toán chống ngập, TP.HCM cùng với Bộ NN-PTNT đã và đang thực hiện quy hoạch 1547 từ năm 2008, chủ yếu là hệ thống đê bao và cống kiểm soát triều ven sông Sài Gòn.
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng các đề xuất trong quy hoạch đó không mang tính khả thi. Chẳng hạn, những người quy hoạch lúc đó đề xuất xây dựng hệ thống đê bao, hệ thống cống khép kín loại lớn… kéo dài từ thượng nguồn sông Sài Gòn đến Long An. Hệ thống công trình có quy mô cực lớn như vậy nhưng với kinh phí đầu tư chỉ hơn 11.000 tỉ đồng thì không thể thực hiện được. “Đây là đề xuất thiếu tính thực tiễn, dự toán kinh phí đầu tư nhỏ để dễ được phê duyệt. Bởi sau khi tính toán lại, đề án này phải tốn ít nhất trên 60.000 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần lúc quy hoạch mới có thể thực hiện được. Với kinh phí lớn như vậy sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài, do đó phải chờ Quốc hội duyệt thông qua. Nhưng đây cũng chỉ là con số tính toán, còn thực tế triển khai chắc chắn sẽ tăng lên”, ông Phi nhận định.

 
 

Ngập nước, kẹt xe

 
Trận mưa chiều 19.9 đã khiến nhiều đường tại các quận 1, 10, Tân Bình, Gò Vấp (TP.HCM), Bình Tân, 12 bị ngập, dẫn đến kẹt xe nghiêm trọng, giao thông hỗn loạn. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại các đường Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu, Lê Lai trong khu phố Tây (Q.1) nước dâng cao hơn 20 cm, xe cộ lưu thông khó khăn, khách du lịch phải thu mình ngồi trong các hàng quán. Mưa lớn cũng làm nước ngập đường Lê Hồng Phong, kẹt xe nghiêm trọng tại nút giao cầu vượt Nguyễn Tri Phương, 3 Tháng 2 (Q.10); đường Lạc Long Quân (Q.11), Âu Cơ (Q.Tân Phú), Võ Thành Trang, Hồng Đào, Phan Sào Nam, Ni Sư Huỳnh Liên (Q.Tân Bình), Kinh Dương Dương (Q.Bình Tân), An Dương Vương (Q.8), Nguyễn Văn Quá (Q.12), Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp)… ngập 20 – 30 cm, có nơi nước tràn vào nhà dân. Người đi đường phải rất vất vả vượt qua các đoạn ngập để về nhà, hàng nghìn xe máy chen lấn chật cứng trên đường. Đặc biệt, kẹt xe nghiêm trọng xảy ra trên đường Trường Chinh, Cộng Hoà (Q.Tân Bình), Nguyễn Kiệm, Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), hàng nghìn phương tiện chen nhau, leo lên cả vỉa hè khiến giao thông hỗn loạn.

 
Đình Mười

 
TS Phạm Sanh cũng đánh giá không cao các giải pháp chống ngập của TP sắp tới. Chẳng hạn, việc xây dựng 8 cống thủy lợi và đê bao sẽ tốn kinh phí không dưới 40.000 tỉ đồng. Những giải pháp này nặng về mục tiêu thủy lợi, trong khi TP.HCM không chỉ ngập do triều mà một phần lớn ngập do mưa. Vì vậy, bài toán bế tắc hiện nay là đường cống thoát nước mưa chứ không phải thiếu cửa ngăn triều. “Phải hết sức cẩn thận để không thảy ra 50.000 – 60.000 tỉ đồng nhưng người dân chờ 10 năm, 20 năm, cuối cùng vẫn ngập, lúc đó rất khó ăn nói”, ông Phạm Sanh khuyến cáo và cho rằng giải pháp trên sẽ không giải quyết được ngập mà “giống cho người bệnh uống thuốc bổ chứ không uống thuốc trị bệnh. Thuốc bổ vẫn còn nhưng bệnh không hết. Vì vậy, phải uống đúng thuốc mới khỏi bệnh”.
Để “trị” ngập úng triền miên và ngày càng nặng, theo ông Phạm Sanh, phải xem lại toàn bộ giải pháp chống ngập trong đô thị lâu nay, cường độ lượng mưa hiện nay có đúng với số liệu dự báo trước đây chưa. Về cống thoát nước, cần xem lại quy định tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đã lạc hậu đến đâu. Bởi lâu nay, mỗi khi TP ngập, chưa từng thấy Bộ Xây dựng lên tiếng trong khi đây là bộ chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về thoát nước đô thị. “Giải pháp của TP.HCM vẫn đang loay hoay xoay quanh ngoài đô thị như cống ngăn triều, đê, trong khi bài toán mưa trong đô thị không thấy Bộ Xây dựng có ý kiến. Bộ Xây dựng cần trả lời câu hỏi tiêu chuẩn thiết kế cống thoát nước mưa chỉ có trên 90 mm có còn phù hợp không, vì đã có những trận mưa trên 100 mm? Đặc biệt, thiết kế chu kỳ ngập cống hiện chỉ có 5 năm trong khi cường độ mưa 10 – 20 năm tới dự báo sẽ ra sao?”, ông Sanh nói.
Phải buộc dự án gây ngập góp vốn chống ngập
PGS-TS Hồ Long Phi cho rằng việc TP cần một số vốn đầu tư rất lớn trong thời gian tới để nâng cấp công trình chống ngập là cần thiết. Tuy nhiên, nguồn vốn dự kiến chưa có gì chắc chắn và đòi hỏi thời gian để thu xếp đàm phán. Thông thường, các nguồn vốn ODA sẽ khó có thể đàm phán nhanh trong vòng 1 năm, do đó việc triển khai khó có thể theo đúng tiến độ. Mặt khác, nguồn vốn từ xã hội chưa đóng vai trò đáng kể trong vốn đầu tư và mới chỉ dừng lại ở hình thức đề xuất đổi đất lấy hạ tầng. “Chừng nào mà trách nhiệm xã hội trong việc gây ra ngập (đô thị hoá, san lấp kênh rạch, bê tông hoá…) vẫn chưa được xem xét để bồi hoàn lại cho kinh phí chống ngập thì tính bền vững về tài chính của các dự án chống ngập vẫn sẽ còn bấp bênh”, ông Phi phân tích.
Ông Phi đề xuất TP nên ban hành chính sách để huy động “vốn” từ các dự án đã và sẽ “tham gia” vào quá trình gây ngập do làm giảm mặt phủ không thấm của TP. Việc xả rác thải hay chặn bít hệ thống thoát nước sẽ phải bị phạt nặng và bổ sung vào kinh phí chống ngập. Ngoài ra, việc chống ngập phải được triển khai song song với công tác cải thiện mặt phủ thấm nước bằng cách cải tạo vỉa hè, công viên, hẻm dùng vật liệu cho phép thấm…
Doanh nghiệp đề xuất đầu tư chống ngập
Theo ông Võ Minh Khương, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Trung tâm điều hành chống ngập TP.HCM, do phải đầu tư đồng bộ cùng lúc nên cần một lượng vốn rất lớn, trong khi tài khóa tới không còn vốn ODA. Còn về kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT thì không khả thi do đây là công trình mang tính chất dân sinh, không thể thu phí như dự án hạ tầng. Do đó, hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) là hình thức phù hợp nhất hiện nay. Để khuyến khích nhà đầu tư, ông Khương cho biết TP sẽ đồng ý ký hợp đồng BT, với hình thức hoàn vốn là 15% trả bằng đất và 85% trả bằng tiền trong 10 năm. Đã có 20 nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên chỉ có 1 nhà đầu tư có số vốn lên tới 10.000 tỉ đồng là đạt yêu cầu của TP. Trước mắt, do hạn chế về kinh phí, TP chỉ tập trung xây dựng các tuyến đê bao xung yếu. Hiện vẫn còn 117/149 km đê bao ven sông Sài Gòn và các cống ngăn triều lớn chưa được xây dựng và TP vẫn đang tìm kiếm vốn đầu tư.
Một trong những dự án được TP chọn để triển khai theo hình thức BT là dự án kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP, do Tập đoàn Trung Nam đề xuất với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 10.000 tỉ đồng (chưa kể lãi vay trong quá trình thi công). Ông Vũ Hoàng Tuệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết nếu dự án này được thực hiện sẽ giúp chống ngập cho địa bàn các quận huyện như: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè và Hóc Môn.
Quyết định 1547 được ban hành tháng 10.2008, phê duyệt quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM, thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai các dự án khu vực bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè, chia làm 3 đợt. Đợt 1 xây dựng 6 cống lớn: Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Thủ Bộ, kênh Hàng và các cống nhỏ. Đợt 2 xây dựng 2 cống lớn Rạch Tra, Vàm Thuật và các cống nhỏ khác liên hoàn với các tiểu dự án hệ thống thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn; nạo vét tuyến trục Rạch Tra – An Hạ – Nam Sài Gòn và tuyến trục Vàm Thuật – Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên. Đợt 3 xây dựng 4 cống: Bến Nghé, Tân Thuận, Bến Lức, kênh Xáng Lớn, mở thông cống An Hạ hiện hữu; xây dựng hoàn chỉnh tuyến đê bao và các cống nhỏ dưới đê khác. Giai đoạn 2 giải quyết khu vực ngã ba sông Đồng Nai – Sài Gòn.
Đình Mười

 

Khôi phục các sông, kênh rạch đã bị lấp
Sài Gòn ‘quên’ nước mưa - ảnh 4

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn (ảnh), tình trạng ngập úng tại Hà Nội và TP.HCM, thậm chí ở các tỉnh vùng cao, miền núi như Đồng Nai, Bình Dương hay Đà Lạt không phải do thiên tai mà chính là do… nhân tai, bởi vì tốc độ đô thị hoá làm cho diện tích bê tông hoá tăng cao.

* Nhưng muốn phát triển không thể tránh khỏi tình trạng đô thị hoá. Vậy làm sao để có thể phát triển bền vững, thưa ông?
– Kinh nghiệm cho thấy, nếu nước chảy trên đất hay cỏ thì chảy chậm và một phần nước sẽ thẩm thấu xuống đất nên tình trạng chảy nhanh, đổ dồn nước (gây ra ngập nặng) ít xảy ra. Để phát triển bền vững, tránh tình trạng ngập lụt, khi xây dựng, thực hiện quy hoạch phải tính đến sự cân bằng của tốc độ thoát nước. Không phải cứ làm cống thì sẽ không bị ngập. Chỗ nào đất có độ dốc, tốc độ thoát nước nhanh thì cống hoặc mương thoát nước phải lớn và kết nối với hồ chứa điều tiết đủ dung lượng ở vùng thấp. Việc này phải có quy hoạch và làm theo quy hoạch, chứ không phải làm theo cảm tính. Quy hoạch dự án không nên tham xây dựng nhiều quá mà phải dành tỷ lệ đất cho công viên, cây xanh phù hợp ít nhất 30 – 40% trên tổng diện tích sàn xây dựng, thay vì trên diện tích chiếm đất. Tức là một tổ hợp nhà cao 50 tầng trên diện tích 20 ha, phải đảm bảo dành diện tích xanh gấp 10 lần một tổ hợp nhà cao 5 tầng cùng trên diện tích 20 ha đó.
* Thực tế tại TP.HCM chúng ta cũng đã xây dựng cống thoát nước, phát triển đô thị theo quy hoạch nhưng tại sao ngập ngày càng nghiêm trọng?
-Giải quyết ngập là bài toán kỹ thuật, không phải cảm tính. Cụ thể căn cứ vào các dữ liệu thống kê thực tế về mưa và thuỹ triều để tính toán theo mô hình khoa học. Do vậy, ngập xảy ra là do tính toán chưa chuẩn hoặc thiếu sót, chưa khoa học, thiếu sự phối hợp đa ngành (quy hoạch, thủy lợi, giao thông, hạ tầng). Chúng ta cũng làm cống thoát nước mưa, ngăn triều cường… nhưng đã không tính đúng, tính đủ và thậm chí là sai lệch số liệu về nước mưa, triều cường, lũ nên khi xây dựng xong thì lạc hậu, không đáp ứng được kịp nhu cầu thoát nước, từ đó gây ngập.
* Như vậy các địa phương cần phải làm gì để giảm ngập và tiến tới xóa ngập?
– Việc trước tiên cần làm hiện nay là khoanh vùng các vùng thấp, làm hồ điều tiết có cống dẫn nước đảm bảo dẫn nước để không gây ngập. Nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. Bởi lẽ, nước từ vùng cao đổ xuống vùng thấp nên việc giải quyết ngập ở vùng thấp chỉ là xử lý phần ngọn. Để xử lý tận gốc cần giải quyết từ nguồn nước làm ngập. Các khu không ngập thường ở vùng cao, bị bê tông hoá cao mới dẫn nước thoát nhanh làm ngập vùng thấp lân cận. Do vậy, biện pháp căn cơ là phải rà soát tất cả các khu đô thị ở vùng cao có diện tích bê tông hoá mặt đất cao gần đó, để có giải pháp điều tiết phù hợp lượng nước đổ về vùng thấp. Chẳng hạn như làm thêm các mảng xanh, thảm cỏ trên lề đường, vỉa hè… đào lại các sông, kênh, rạch đã bị lấp, tổ chức các khu vực tích nước tạm thời để thoát dần dần ra sông. Tại sao tại các khu đô thị mới ở nam Sài Gòn – nhiều nơi thuộc vùng thấp (nền 1,8 – 2 m) nhưng không ngập, trong khi các nơi khác nền cao hơn 2 m tại bờ tây sông Sài Gòn lại vẫn ngập? Đó là do quy hoạch nam Sài Gòn đã có tính toán hợp lý về mảng xanh, hồ điều tiết, hệ thống cống thoát nước tại chỗ cho khu đô thị.
Đình Sơn (ghi)

 

Đình Mười – Đình Sơn