Chủ tịch Quốc hội: Luật dược 10 năm không tác dụng gì
Với 90% nguyên liệu chế biến thuốc và 50% thuốc phải nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Luật dược ra đời 10 năm dường như không có tác dụng gì, ngành dược vẫn thế”.
Chủ tịch Quốc hội: Luật dược 10 năm không tác dụng gì
Với 90% nguyên liệu chế biến thuốc và 50% thuốc phải nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Luật dược ra đời 10 năm dường như không có tác dụng gì, ngành dược vẫn thế”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng “Luật dược 10 năm cũng không có tác dụng gì” – Ảnh: Việt Dũng |
Ông Hùng đã bình luận như trên sau khi nghe bộ trưởng Bộ Y tế trình bày dự án Luật dược (sửa đổi) ngày 18-9.
Trước đó sáng cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày và thảo luận báo cáo giám sát kết quả hội nhập kinh tế quốc tế từ khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
“Chết trên đống thuốc”
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến “phải báo cáo cho Quốc hội biết tình trạng sản xuất thuốc tây và thuốc đông y của VN như thế nào, bây giờ nếu ban hành luật này thì tương lai sẽ ra sao?
Chứ qua mười năm thực hiện luật này rồi mà chưa bứt phá được gì cả, ngành dược vẫn thế, người VN vẫn chết trên đống thuốc, vẫn phải nhập tới 50% thuốc tiêu dùng, trong khi những cái sản xuất được thì 90% nguyên liệu là nhập khẩu”.
Nhận xét “không có ngành nào ở nước ta phát triển chậm như ngành dược, nói là có 180 doanh nghiệp sản xuất nhưng chắc chỉ là 180 cái bàn bào chế mà thôi”, ông Hùng đòi hỏi dự án luật này phải mở ra được chiến lược phát triển ngành dược, chứ không chỉ là đưa ra các quy định về cấp phép, tiêu chuẩn hành nghề, phí nọ phí kia…
“Phải trình Quốc hội được dự thảo luật mà tới đây mở ra cơ hội làm ăn cho mọi người, từ trồng, sản xuất, chế biến, phân phối thuốc. Quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh thuốc rất dễ dàng, trên cơ sở quy định rõ ràng các điều kiện sản xuất, kinh doanh” – ông nói.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: “Thị trường thuốc ở VN phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nước ta phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% thuốc để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nguồn dược liệu ở VN rất phong phú, đa dạng, kể cả các dược liệu quý hiếm, chất lượng tốt, nhưng chúng ta chưa khai thác được thế mạnh này.
Nếu VN có chính sách ưu tiên đủ mạnh cho việc nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc generic, thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc độc quyền, kể cả văcxin, sinh phẩm y tế thì sẽ có tính khả thi cao, không những phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu”.
Đề nghị bảo hiểm y tế chi trả thuốc cổ truyền
Bà Mai đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về ưu tiên phát triển thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; nuôi trồng dược liệu làm thuốc, các quy định đặc thù nhằm sử dụng thuốc nam được thu hái và nuôi trồng tại VN; gìn giữ và nâng cao các bài thuốc gia truyền quý và bài thuốc do cơ sở y học cổ truyền sản xuất.
Các quy định về thử lâm sàng và đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền dân tộc cần công khai, minh bạch, tránh cơ chế xin cho, tạo điều kiện cho y học cổ truyền phát triển như cho phép lưu hành, không cần thử lâm sàng các bài thuốc cổ truyền đã sản xuất, lưu hành và sử dụng trên 10 năm có hiệu quả và không có khiếu nại về chất lượng của thuốc, các loại thuốc cổ truyền mới sử dụng, có chứng minh kết quả tốt trên số lượng bệnh nhân nhất định…
Ưu tiên đưa các dạng thuốc cổ truyền vào danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Cho rằng dự luật chưa đúng tầm mức vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị “Cần quy định về quy hoạch các vùng thuốc cổ truyền VN, phải đầu tư nghiên cứu khoa học.
Ở quê tôi (Gia Lai) có những cặp vợ chồng lấy nhau mười năm không có con, đến gặp lương y của đồng bào là xong ngay, có đến ba con trai. Tôi nghĩ rằng các bài thuốc dân gian gắn với kiến thức của các lương y, nếu không nghiên cứu, duy trì thì khi các lương y này già, chết đi thì sẽ mất”.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đồng tình: “Đúng là tiềm năng thuốc cổ truyền rất lớn, nhiều bệnh chữa tây y không được nhưng khi về chữa thuốc gia truyền lại khỏi”.
Ông Sơn cho rằng nếu luật quy định là các loại thuốc này phải được bộ trưởng Bộ Y tế công nhận thì mới được bào chế, sử dụng thì rất khó bởi vì có nhiều người giữ bí quyết các bài thuốc.
“Phải có chính sách để đông y được khuyến khích để phát triển mạnh lên, bên ngoài người ta cứ nói rằng người VN sống trên đống thuốc mà không biết dùng thuốc” – ông Sơn bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến để nâng cao chất lượng từng điều luật trong dự thảo này, trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10.
Bài học gì sau 8 năm gia nhập WTO? Sáng cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày và thảo luận báo cáo giám sát kết quả hội nhập kinh tế quốc tế từ khi VN gia nhập WTO. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết việc trở thành thành viên WTO giúp VN mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao năm 2007. Nhưng ngay sau đó, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã dẫn đến sụt giảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2008-2011. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2007-2014 (5,94%) thấp hơn giai đoạn 2001-2006 (7,27%). Thảo luận nội dung báo cáo giám sát, phần lớn ý kiến đề nghị đi sâu vào phân tích những mặt được và hạn chế của quá trình hội nhập, từ đó rút ra các bài học cụ thể, hữu ích cho giai đoạn thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chuẩn bị gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới đây. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng câu hỏi lớn nhất cần đặt ra là tại sao VN không phát huy được lợi thế (ví dụ nông nghiệp, du lịch, nguồn lao động) và cho rằng “nguyên nhân chính là cải cách chưa đạt yêu cầu”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý điều quan trọng nhất là việc rút kinh nghiệm WTO cho TPP tới đây thế nào, thực hiện các FTA thế nào, cần phải làm rõ. “Điều tôi lo lắng nhất là chúng ta chưa sẵn sàng cho việc tham gia TPP” – ông bày tỏ. Rồi ông nêu băn khoăn: “Gia nhập WTO tám năm rồi, chúng ta thấy sự tiến bộ, phát triển của ta có gần lại với các nước đã phát triển không, hay khoảng cách lại xa hơn? Phải trả lời câu hỏi này. Tôi lấy ví dụ Luật doanh nghiệp vừa rồi mới sửa xong, mới đáp ứng được yêu cầu hội nhập, vậy thì làm sao mình cứ tự khen là hoàn thiện thể chế tốt được. Chúng ta cứ đề nghị các nước công nhận là nền kinh tế thị trường nhưng câu hỏi lớn nhất là chúng ta tự hỏi mình đã là nền kinh tế thị trường chưa?”. |