29/11/2024

Phải học dù cảnh đời gian khó

Hai cô cậu ấy vừa trở thành tân sinh viên và xuất sắc đứng thứ hạng cao của hai trường đại học mà mình nộp xét tuyển.

 

Phải học dù cảnh đời gian khó

 

Hai cô cậu ấy vừa trở thành tân sinh viên và xuất sắc đứng thứ hạng cao của hai trường đại học mà mình nộp xét tuyển.



Ly đang úp bánh tráng thuê cho hàng xóm kiếm tiền trang trải việc học - Ảnh: LÊ TRUNG
Ly đang úp bánh tráng thuê cho hàng xóm kiếm tiền trang trải việc học – Ảnh: LÊ TRUNG

“Hoàn cảnh nhà Ly hết sức khó khăn, thế nhưng em vẫn giữ một tinh thần lạc quan, nỗ lực học tập, lại là cô học trò ngoan hiền

Thầy Đoàn Công Hoà (chủ tịch Hội khuyến học Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ)

Khó khăn mới biết phấn đấu

“Mồ côi nên phải học gấp đôi bạn bè”, đó là quả quyết từ lúc nhỏ của cậu học trò Nguyễn Phú Bình (thôn Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam). Bình vừa là tân sinh viên ngành sư phạm toán Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng.

“Mình không biết cha nhưng lại có một người mẹ tuyệt vời”. Nhà Bình cách Trường THPT Nông Sơn 3km, mặc dù đã có cây cầu Nông Sơn nối liền đôi bờ sông Thu Bồn, nhưng hằng ngày bạn vẫn qua đò đi bộ đến trường bởi chiếc xe đạp cà tàng duy nhất trong nhà đã hỏng từ lâu.

Thỉnh thoảng bạn bè trong trường xì xào chuyện không biết cha, Bình bỏ mặc ngoài tai coi như không nghe thấy. Tính Bình ít nói, lại không biết trêu đùa nên cũng không có nhiều bạn bè, toàn thời gian đến trường Bình chăm chú vào việc học.

Bình chia sẻ gia đình các bạn có điều kiện, lại có cả cha mẹ nên không phải lo lắng, còn bản thân mồ côi nên cố học gấp đôi người khác, sau này ra trường kiếm một việc làm ổn định để chăm sóc mẹ và ông ngoại.

Cả gia đình gồm hai mẹ con và ông ngoại đều sống nhờ nghề làm nhang trầm của mẹ. Năm tháng trước, trong lúc trộn bột làm nhang, mẹ Bình bị máy cuốn cắt đứt lìa cổ tay phải. Dù đã được phẫu thuật nối tay nhưng không còn khả năng vận động như trước.

Từ đó, Bình thành lao động chính trong nhà, mỗi ngày cặm cụi làm nhang kiếm được khoảng 50.000 đồng, đủ cho hai mẹ con và ông ngoại mua bó rau, con cá sống qua ngày. Giờ Bình sắp nhập học, bà Ánh loay hoay không biết xoay xở đâu ra tiền cho con ăn học. Nhiều đêm nằm ngủ, nghe con tâm sự bà chỉ biết khóc thầm.

“Nó nói ngây ngô lắm, kêu tôi cứ cho nó đi học, nếu khó khăn quá thì nó ăn cơm với nước mắm cũng được. Khi nào mẹ ra thăm mang rau lang, rau muống cho con để dành luộc, nấu canh mà ăn. Con đi học rồi đi làm thêm phụ vào tiền ăn ở” – bà Ánh nghẹn ngào.

Vốn đam mê làm bác sĩ nhưng sợ học lâu, tốn nhiều học phí nên Bình đăng ký học ngành sư phạm để đỡ tiền học cho mẹ.

“Hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ đó mà mình biết phấn đấu để vượt qua. Dù chưa hình dung được những gì đang chờ đợi phía trước nhưng mình đã sẵn sàng tâm lý cho các tình huống khó khăn nhất” – Bình tâm sự.

Bình hiện là lao động chính trong nghề làm nhang trầm của gia đình - Ảnh: T.LỰC
Bình hiện là lao động chính trong nghề làm nhang trầm của gia đình – Ảnh: T.LỰC
“Tôi có ấn tượng mạnh với Bình vì hoàn cảnh đặc biệt và tinh thần ham học của em. Trong trường có rất nhiều bạn khó khăn, nhưng biết vượt khó vươn lên như Bình thì không phải em nào cũng làm được. Em là học sinh giỏi, có sở trường với các môn khoa học tự nhiên
Thầy Nguyễn Ngọc Sáng (phó hiệu trưởng Trường THPT Nông Sơn)

Cô học trò úp bánh tráng thuê

Với 27,25 khối C, cô học trò Nguyễn Thị Thanh Ly (Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vừa trở thành tân sinh viên có số điểm cao nhất ngành báo chí Trường đại học Khoa học Huế. Niềm vui lan toả cả một xóm nghèo cạnh cánh đồng đang vào mùa lúa chín.

Buổi trưa nắng gắt, men theo con đường đất len lỏi giữa cánh đồng lúa chín vàng đến căn nhà cấp bốn tuềnh toàng của Ly tại khu 1, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. “Con bé ở bên nhà hàng xóm úp bánh tráng thuê kiếm ít tiền mua sách vở chuẩn bị nhập học cháu à!” – mẹ Ly (bà Phan Thị Hiền) chỉ tay qua ngôi nhà hàng xóm chất đầy bánh tráng nói.

Ly, một cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn đang thoăn thoắt đôi tay úp bánh tráng vào khuôn đem phơi. Làn da rám nắng, khuôn mặt trái xoan nở một nụ cười hiền hậu. “Ba mẹ lo nhiều rồi, những cái nhỏ mình phải tự lo thôi” – Ly tâm sự.

Gia đình Ly là hộ cận nghèo. Ba làm nghề thợ hồ, mỗi ngày phơi nắng cháy da cũng chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng. Mẹ hằng ngày thức dậy từ 2g sáng cắt rau muống, bó từng bó để bán ngoài chợ. Và cũng đều đặn cứ khoảng 3g sáng mỗi ngày là cô học trò nhỏ ấy thức dậy đạp xe chở rau bỏ chợ phụ mẹ bán rồi mới về học bài. Ba mẹ tất bật đi làm, Ly đảm đương tất cả công việc nhà rồi phải lo cho em trai 4 tuổi ăn uống, tắm rửa.

“Con bé thi điểm cao, cả nhà mừng lắm nhưng lo cũng không ít, chắc tui phải cầm sổ đỏ vay tiền cho cháu ăn học” – ông Nguyễn Minh Tâm, ba của Ly, nói. Bà Đoàn Thị Chín, chủ cơ sở bánh tráng nơi Ly làm thêm, nhận xét: “Con bé ngoan, vừa siêng làm lại học giỏi”.

“Trước mắt mình sẽ úp bánh tráng thuê phụ ba mẹ tiền nhập học. Sau này mình sẽ tìm hiểu nghề, tập viết báo. Mình muốn trở thành một phóng viên giỏi” – Ly nói về ước mơ của mình. 

 

TẤN LỰC – LÊ TRUNG