Ý đồ của Trung Quốc khi xây 3 đường băng ở Trường Sa
Trung Quốc phải xây thêm đường băng thứ 3 tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm hoàn thành tham vọng lâu dài của mình, đó là trở thành một thế lực biển xanh thực thụ, theo nhận định của một quan chức quân sự Trung Quốc.
Ý đồ của Trung Quốc khi xây 3 đường băng ở Trường Sa
Trung Quốc phải xây thêm đường băng thứ 3 tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm hoàn thành tham vọng lâu dài của mình, đó là trở thành một thế lực biển xanh thực thụ, theo nhận định của một quan chức quân sự Trung Quốc.
Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) mới đây cho biết ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 8.9 cho thấy Trung Quốc đang xây thêm đường băng thứ 3 ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lần này là tại Đá Vành Khăn.
Ông Greg Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS, cho biết các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy bức tường bao bọc một diện tích dài khoảng 3.000 m, giống với công trình đường băng mà Bắc Kinh đang tiến hành phi pháp tại Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi thuộc Trường Sa.
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 16.9 dẫn lời một quan chức hải quân đã nghỉ hưu và yêu cầu giấu tên của Trung Quốc cho biết các đường băng trên sẽ giúp hải quân nước này phá vỡ thế kìm kẹp mà quân đội Mỹ đã duy trì tại Biển Đông, với sự giúp đỡ của các đồng minh trong vùng là Philippines và Úc.
“Nếu quân đội Trung Quốc muốn giành lấy uy thế về hải quân tại Biển Đông (trong trường hợp có chiến tranh), thì hải quân cần phải chiếm được quyền kiểm soát vùng trời quần đảo Trường Sa, vốn là cửa ngỏ duy nhất để hải quân Trung Quốc tiến vào Tây Thái Bình Dương”, ông này cho hay.
Quan chức hải quân Trung Quốc này còn bình luận thêm rằng những đường băng mà Bắc Kinh xây dựng trái phép tại Biển Đông sẽ có lợi ích rất lớn cho các cơ sở quân sự của Trung Quốc tại đảo Hải Nam, cực nam nước này.
South China Morning Post cũng dẫn lời các chuyên gia an ninh cho hay 3 đường băng, chiều dài mỗi đường băng khoảng 3 km, đủ cho cả máy bay quân sự lẫn dân sự hoạt động, sẽ giúp Bắc Kinh có khả năng vươn xa đến vùng biển Đông Nam Á, nơi đang có nhiều tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với các quốc gia trong khu vực.
Ông Nghê Lạc Hùng, một chuyên gia hải quân tại Thượng Hải, cho rằng 3 đường băng trên sẽ cho phép quân đội Trung Quốc triển khai sức mạnh trên khắp Biển Đông và có thể chính thức tiến vào các vùng biển thuộc châu Á – Thái Bình Dương.
Hoàng Uy