29/11/2024

Vì sao Đức rộng tay đón người tị nạn?

Từ đầu năm 2015, nước Đức đã tiếp nhận hơn 450.000 người tị nạn. Thành phố Munich đang báo động vì quá tải.

 

Vì sao Đức rộng tay đón người tị nạn? 

 

Từ đầu năm 2015, nước Đức đã tiếp nhận hơn 450.000 người tị nạn. Thành phố Munich đang báo động vì quá tải. 




Người tị nạn nghỉ tạm tại nhà ga trung tâm ở Munich - Ảnh: Reuters
Người tị nạn nghỉ tạm tại nhà ga trung tâm ở Munich – Ảnh: Reuters

Câu hỏi lớn đang được đặt ra là nước Đức sẽ xử lý cuộc khủng hoảng có quy mô chưa từng thấy này như thế nào?

Mới chỉ vài tháng, hình ảnh nước Đức trên trường quốc tế đã thay đổi tích cực chóng vánh. Hồi đầu năm, giới truyền thông khu vực và quốc tế chỉ trích chính quyền Thủ tướng Angela Merkel là “độc tài kinh tế của Liên minh châu Âu (EU)” vì ép Hi Lạp phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng cùng khổ. Nhưng hiện tại, Đức được ca ngợi là “nhà lãnh đạo đạo đức của châu Âu” về cuộc 
khủng hoảng tị nạn.

Thủ tướng Merkel được người tị nạn Syria gọi là “mẹ Merkel”. Hình ảnh người dân thành phố Munich chào đón người tị nạn một cách nồng ấm, tặng quà và hàng cứu trợ cho họ xuất hiện tràn ngập trên các trang báo khắp thế giới.

Tuy nhiên, rất nhiều chính trị gia, chuyên gia chính trị – xã hội trong và ngoài nước Đức băn khoăn với câu hỏi chính quyền Berlin sẽ phải làm gì để tiếp nhận số người tị nạn khổng lồ và giúp họ 
hoà nhập xã hội?

Hành động mạnh mẽ

Hồi cuối tháng 8, chính phủ Đức và Áo mở cửa biên giới cho 10.000 người tị nạn bị mắc kẹt ở Hungary. Không lâu sau, Thủ tướng Merkel thông báo sẽ chi 6 tỉ euro để trang trải chi phí tiếp đón người tị nạn.

Phó thủ tướng Sigmar Gabriel tuyên bố Đức đủ sức đón nhận 500.000 người tị nạn mỗi năm trong vài năm tới. Những hành động mạnh mẽ này ảnh hưởng lớn tới chính sách của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực 
như Anh, Mỹ và Úc.

Tạp chí The Atlantic dẫn lời một số chuyên gia nhận định nước Đức có nhiều lợi thế trong việc tiếp nhận người tị nạn.

Thứ nhất, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu với tăng trưởng ổn định và thặng dư thương mại cao. Thứ hai, chủ nghĩa cực hữu, phát xít mới và bài Hồi giáo không phát triển mạnh ở Đức như một số quốc gia châu Âu khác.

Cũng đã có một vụ tấn công trại tị nạn hay vài chính trị gia cảnh báo văn hoá Đức bị đe doạ, nhưng sự phản đối làn sóng tị nạn tại Đức không mạnh 
như nhiều nước khác.

Chuyên gia Kathleen Newland thuộc Viện Chính sách nhập cư (Mỹ) nhận định rất nhiều người Đức vẫn còn bị ám ảnh và xấu hổ với quá khứ phát xít.

“Bây giờ là lúc người Đức muốn chứng minh rõ ràng rằng nước Đức không còn như xưa nữa” – chuyên gia Newland khẳng định. Đức cũng có kinh nghiệm tiếp nhận người tị nạn. Kể từ Thế chiến II, Đức từng tiếp nhận vài làn sóng người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ, 
Nam Tư cũ và Iran.

Một lý do thực tế hơn là dân số Đức đang suy giảm vì tỉ lệ sinh quá thấp. Theo dự báo, khoảng 30% dân số Đức sẽ vượt qua tuổi 65 vào năm 2060. Số người ở tuổi lao động có thể giảm 1/3 còn 34 triệu. Trong vài năm qua, các ngành công nghiệp ở Đức liên tục kêu do thiếu công nhân.

Trong khi đó, thống kê của Văn phòng nhập cư và tị nạn Đức cho thấy 50% số người tị nạn vào Đức từ đầu năm 2015 dưới 25 tuổi. Người tị nạn có thể giúp nền kinh tế Đức lấp những khoảng trống trong thị trường lao động.

Sự hòa nhập

Trên thực tế, người nhập cư đã có đóng góp lớn vào nền kinh tế Đức. Thập niên 1950, làn sóng nhập cư từ Ý và Nam Âu giúp nước Đức tái thiết nền kinh tế, phục hồi nhanh sau chiến tranh.

Trong các thập kỷ sau, hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức, rất nhiều người làm việc trong các công ty công nghiệp, giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Thủ tướng Merkel khẳng định nếu những người tị nạn từ Trung Đông hoà nhập nhanh, được đưa vào nhà trường và lực lượng lao động một cách thuận lợi thì đây là “cơ hội” của nước Đức.

Mới đây, Liên đoàn Chủ lao động Đức kêu gọi chính phủ cho phép người tị nạn đăng ký tham gia chương trình học nghề và tập sự tại các doanh nghiệp Đức. Tập đoàn công nghiệp Siemens AG cho biết đang xem xét mở chương trình học nghề và tập sự cho người tị nạn.

“Sự hòa nhập vào xã hội Đức luôn được thực hiện hiệu quả qua thị trường lao động” – chuyên gia về di cư Orkan Koesemen của Tổ chức Bertelsmann Foundation khẳng định.

Nhà khoa học chính trị Hajo Funke của ĐH Tự do ở Berlin dự báo hệ thống giáo dục của Đức sẽ phải cải tổ toàn diện để thích ứng với dòng người tị nạn. Ví dụ chương trình học, quy chế tuyển sinh… sẽ phải có nhiều thay đổi lớn.

Đầu tiên, Thủ tướng Merkel kêu gọi người tị nạn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, cần phải lập tức học tiếng Đức. Bà cho rằng người tị nạn không nên sống bó buộc, cô lập trong cộng đồng của riêng mình mà nên cởi mở với người bản xứ, mở rộng mối quan hệ.

Trên báo Liberation, nhà kinh tế Pháp nổi tiếng Thomas Piketty kêu gọi các nước châu Âu cần học tập Đức, bởi làn sóng tị nạn dù là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội phục hồi nền kinh tế châu lục.

Đức tái lập kiểm soát biên giới

Theo AFP, hôm qua chính quyền Đức tuyên bố tái lập kiểm soát biên giới với Áo để hạn chế dòng người tị nạn.

Nguyên nhân do thành phố Munich báo động đã rơi vào tình trạng quá tải do gần 15.000 người tị nạn đến đây trong hai ngày cuối tuần. Mới đây, hàng chục nghìn người dân các nước Tây và Trung Âu ra đường biểu tình ủng hộ người tị nạn. Nhưng ở Đông Âu, các cuộc biểu tình phản đối làn sóng tị nạn cũng bùng lên.

SƠN HÀ