28/11/2024

Tăng hiện diện tại Syria, Nga bảo vệ lợi ích gì?

Suốt tuần qua, truyền thông quốc tế nóng lên không chỉ vì dòng người tị nạn từ Syria tràn sang châu Âu, mà còn từ việc Nga đột ngột tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria.

 

Tăng hiện diện tại Syria, Nga bảo vệ lợi ích gì?

 

Suốt tuần qua, truyền thông quốc tế nóng lên không chỉ vì dòng người tị nạn từ Syria tràn sang châu Âu, mà còn từ việc Nga đột ngột tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria.




Bé gái Syria được cứu khỏi đống đổ nát do bom ở Douma, gần thủ đô Damascus, ngày 22-8. Phe đối lập nói rằng máy bay quân đội chính phủ đã thực hiện vụ ném bom này - Ảnh: Reuters
Bé gái Syria được cứu khỏi đống đổ nát do bom ở Douma, gần thủ đô Damascus, ngày 22-8. Phe đối lập nói rằng máy bay quân đội chính phủ đã thực hiện vụ ném bom này – Ảnh: Reuters

Các thông tin quốc tế, từ phương Tây và Ả Rập, đưa khá chi tiết những động thái cụ thể của Nga tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, cả về không quân, hải quân và “cố vấn” đến khu vực duyên hải phía tây bắc Syria – đất nước chìm trong nội chiến tương tàn suốt bốn năm qua.

Thậm chí các nguồn tin truyền thông từ Libăng và Israel còn khẳng định quân đội Nga “đã thật sự tham chiến” bằng yểm trợ không quân và “lực lượng rất nhỏ bộ binh” bên cạnh quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad chống lại quân đối lập ở mặt trận tây bắc Syria.

Nga vận động liên minh

Mục tiêu chiến lược của Nga là chủ động bảo toàn lợi ích của Nga xây dựng ở Syria từ đầu thập niên 1970 đến nay. Lợi ích chiến lược ấy đang bị đe doạ khi diễn biến trên thực địa Syria chuyển theo hướng bất lợi cho chính quyền Damascus.

Nga phải giúp chính quyền Syria giữ thế cân bằng lực lượng nhằm đối trọng với phe đối lập, không để chính quyền này bị đẩy vào vị thế “dưới cơ” khi phải tham gia đàm phán để tiến tới một giải pháp chính trị dung hòa.

Chính việc Nga tăng cường “chống lưng” cho chính quyền al-Assad khiến Mỹ và đồng minh Ả Rập bực dọc vì họ muốn al-Assad “phải ra đi” để mở đường cho một giải pháp chính trị.

Bộ Ngoại giao Nga, thông qua Ngoại trưởng Lavrov và người phát ngôn bộ này, còn nói tới mục đích tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga là để triển khai kế hoạch do Tổng thống Putin đề xướng về việc hình thành một “liên minh quốc tế – khu vực chống khủng bố” có sự tham gia của chính quyền Syria cùng các bên Ả Rập khác và Iran.

Nga cho rằng việc loại chính quyền Syria ra ngoài liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu là không khách quan, bởi Nga coi quân đội của Tổng thống al-Assad là “lực lượng hữu hiệu nhất” tại Syria để chống khủng bố.

Trong tháng 8 vừa qua, Nga đã ráo riết tiếp xúc với các bên liên quan trong khu vực Trung Đông và cả Mỹ để vận động cho việc hình thành liên minh chống khủng bố có sự tham gia của chính quyền Syria.

Nhưng ý tưởng này của Nga, nếu hình thành, sẽ cạnh tranh với liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đang thực hiện các chiến dịch không kích chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq. Còn các đại diện Ả Rập thì tuyên bố rõ sẽ không tham gia bất cứ liên minh nào có al-Assad.

Điều tệ hại là Nga tiếp tục tin rằng Assad là người đáng được ủng hộ. Chiến lược ủng hộ đó sẽ thất bại

Tổng thống Mỹ BARACK OBAMA

Các kênh đối thoại quân sự (Nga – Mỹ) là rất cần thiết để tránh những sự cố bất ngờ, ngoài ý muốn

Ngoại trưởng Nga SERGEI LAVROV

Nguy cơ thảm khốc

Nhưng còn có một yếu tố tức thời khiến Nga không thể ngồi yên. Đó là những diễn biến trên thực địa Syria rất bất lợi cho vị thế của chính quyền al-Assad tại khu vực chiến lược duyên hải tây bắc đất nước. Với chính quyền Syria, khu vực này là cửa ngõ duy nhất ra Địa Trung Hải.

Với Nga, căn cứ hải quân duy nhất của Nga tại khu vực Địa Trung Hải, thiết lập từ năm 1971, đặt tại thành phố Tartus. Từ cuối tháng 3-2015, quân đối lập được sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Ả Rập đã làm chủ phần lớn tỉnh Idleb nằm cận kề Latakia.

Từ tháng 8, quân đối lập từ Idleb đã nhiều lần bắn phá vào tỉnh Latakia, uy hiếp cả quê hương của dòng họ al-Assad. Sân bay quân sự lớn nhất miền bắc Syria nằm tại tỉnh Idleb vừa rơi vào tay quân đối lập ngày 9-9.

Đáng nói là nhóm đối lập đang kiểm soát Idleb là “Jeish al-Fatah” – một tập hợp các nhóm vũ trang theo chủ thuyết Hồi giáo (cực đoan) mà mặt trận Nusra làm nòng cốt. Mặt trận Nusra là al-Qaeda tại Syria và đã bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố cùng với IS.

Bởi thế, Nga tăng cường lực lượng quân sự đến Latakia với mục đích “chống khủng bố” cũng là biện minh mà Mỹ và khối Ả Rập khó bác bỏ.

Tuy nhiên, các quân nhân Nga hiện diện tại Syria trong hoàn cảnh hiện nay sẽ đối diện với những hệ luỵ khó lường. Phản ứng đầu tiên từ lực lượng vũ trang đối lập là tuyên bố ngày 10-9 của người phát ngôn nhân danh “Hội đồng tham mưu trưởng quân đội tự do Syria”.

Tuyên bố này kêu gọi các nước Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng quốc tế ngăn chặn “sự can thiệp quân sự nguy hiểm” của Nga, đồng thời “thề sẽ biến Syria thành một nghĩa trang cho người Nga”!

Nga làm theo yêu cầu của Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích tại Diễn đàn kinh tế phương Đông, tổ chức ở Vladivostok hồi tuần trước, rằng quyết định của Nga dựa trên yêu cầu trực tiếp từ Tổng thống al-Assad.

Những yêu cầu này đã chuyển tới Nga khi giám đốc an ninh quốc gia Syria, thiếu tướng Ali Mamlouk được bí mật cử sang Matxcơva và Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi cuối tháng 6.

Trong các cuộc gặp này, Syria yêu cầu Nga thực hiện nghĩa vụ của mình theo hiệp ước hữu nghị và hợp tác ký năm 1980 và Nga đã chấp nhận sẽ ủng hộ chính quyền Syria cả về chính trị, kinh tế và quân sự.

NGUYỄN NGỌC HÙNG