28/11/2024

Malaysia bí mật đàm phán với Mỹ về Biển Đông

Mới đây, các quan chức Washington xác nhận đang bí mật đàm phán với chính quyền Kuala Lumpur về kế hoạch đưa máy bay quân sự của Mỹ đến Malaysia để tuần tra trên Biển Đông.

 

Malaysia bí mật đàm phán với Mỹ về Biển Đông

 

Mới đây, các quan chức Washington xác nhận đang bí mật đàm phán với chính quyền Kuala Lumpur về kế hoạch đưa máy bay quân sự của Mỹ đến Malaysia để tuần tra trên Biển Đông.


 


Máy bay quân sự của Mỹ sẽ đến Malaysia để tuần tra trên Biển Đông? Ảnh: Reuters
Máy bay quân sự của Mỹ sẽ đến Malaysia để tuần tra trên Biển Đông? Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Bloomberg, hai quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ Washington và Kuala Lumpur tăng cường đàm phán sau hàng loạt vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia trong vài tháng qua.

Washington đề nghị chính quyền Kuala Lumpur cho phép hải quân Mỹ triển khai hai máy bay do thám hiện đại P-8 Poseidon và P-3 Orion tới Malaysia, sử dụng các đường băng tại đây để tuần tra Biển Đông.

Đại diện Mỹ tham gia đàm phán có các quan chức trong Bộ chỉ huy Thái Bình Dương và trợ lý bộ trưởng Bộ Quốc phòng David Shear. Cuối năm ngoái, đô đốc hải quân Mỹ Jonathan Greenert cho biết Malaysia đề nghị Mỹ đưa máy bay chống tàu ngầm P-8 sử dụng một căn cứ quân sự ở miền đông quốc gia Đông Nam Á.

Khi đó, báo New York Times bình luận lời đề nghị của Malaysia có thể “chọc giận” Trung Quốc. Sau đó Chính phủ Mỹ và Malaysia đều thông báo chưa đạt thoả thuận nào.

Thay đổi vì bị xâm lấn

Tuy nhiên tình hình thay đổi sau khi tàu Trung Quốc nhiều lần xâm lấn lãnh thổ của Malaysia. Tháng 6-2015, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập bãi Luconia thuộc vùng biển Malaysia. Con tàu này thả neo cách bờ biển Sarawak khoảng 84 hải lý, sâu trong EEZ của Malaysia. Thay vì im lặng, Chính phủ Malaysia lên tiếng mạnh mẽ, khẳng định sẽ có các phản ứng ngoại giao. “Đây không phải khu vực có tuyên bố chồng lấn” – Bộ trưởng An ninh quốc gia Malaysia Shahidan Kassim nhấn mạnh.

Tháng trước, Malaysia cũng gửi công hàm chính thức phản đối việc các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của nước này ngoài khơi Sarawak. Chính vì vậy, chính quyền Malaysia buộc phải hợp tác với hải quân Mỹ.

Hiện các cuộc đàm phán giữa quan chức hai nước đang tập trung vào việc triển khai máy bay tuần tra Mỹ ở đảo Labuan ở phía đông Malaysia. Đây là một trong những trung tâm tài chính của Malaysia và nằm gần địa điểm Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông hơn là các vị trí quân đội Mỹ đang triển khai những chiến dịch tuần tra, ví dụ như căn cứ hải quân Clark ở Philippines.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang hỗ trợ Malaysia tăng cường năng lực kỹ thuật để giám sát và bảo vệ lãnh thổ gần Biển Đông. Các nhà quan sát cho biết Mỹ không có ý định xây căn cứ quân sự ở Malaysia, nhưng việc sử dụng lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á là một lợi thế chiến lược của Washington.

“Mỹ quan tâm đến việc có mặt tại Malaysia nhiều hơn trước đây. Vấn đề là địa điểm, chứ không phải là căn cứ” – chuyên gia Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định.

Lo ngại

Hiện Mỹ đang hoàn tất Sáng kiến an ninh hàng hải châu Á với tổng đầu tư 425 triệu USD, trong đó một phần kinh phí sẽ dành cho hoạt động tập trận, đào tạo và chia sẻ thông tin với Malaysia.

Nhà phân tích Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cũng cho biết chính quyền Kuala Lumpur đang lặng lẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

“Các chuyến bay tuần tra bằng máy bay P-8 hoặc P-3 với Mỹ hoặc Nhật sẽ có ý nghĩa quan trọng với Malaysia” – ông Cronin nhấn mạnh. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Malaysia vẫn buộc phải giữ thế cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

“Malaysia luôn chọn cách chờ xem và đàm phán ngoại giao với Trung Quốc. Lý do vì mối quan hệ gắn bó về ngoại giao và thương mại với Trung Quốc” – báo Malaysian Digest dẫn lời nhà phân tích Mohammad Zaki Ahmad thuộc ĐH Utara Malaysia.

Malaysia luôn rất thận trọng về việc tiết lộ thông tin hợp tác quốc phòng với Mỹ. Chuyên gia Bower cũng đánh giá Malaysia muốn giữ kín quan hệ hợp tác an ninh Mỹ – Malaysia. Hiện tại Malaysia vẫn có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Nước này hiếm khi chỉ trích đích danh Bắc Kinh trong các phản ứng về Biển Đông. Quân đội Malaysia cũng sẽ tham gia cuộc tập trận song phương với Trung Quốc trong tháng 9.

Người dân Philippines phản đối Trung Quốc ở Manila ngày 31-8 - Ảnh: Reuters
Người dân Philippines phản đối Trung Quốc ở Manila ngày 31-8 – Ảnh: Reuters

Philippines: “Trung Quốc đừng lừa dối”

Theo AFP, hôm qua Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố: “Trung Quốc cần phải ngừng luận điệu lừa dối rằng đang nỗ lực vì hòa bình trước khi sự hiếu chiến của họ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Trung Quốc thể hiện sự thành thật tối thiểu cũng là dừng xây dựng và quân sự hoá trên Biển Đông, không cản trở tự do hàng hải và hàng không”.

 

TRẦN PHƯƠNG ([email protected])