Nỗi lòng của Kiệt “chạy thận”
Trong căn nhà nhỏ ở rìa xóm 6, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), ông Lưu Đức Thuận (58 tuổi) ngồi nhìn chăm chăm vào con trai út.
Nỗi lòng của Kiệt “chạy thận”
Trong căn nhà nhỏ ở rìa xóm 6, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), ông Lưu Đức Thuận (58 tuổi) ngồi nhìn chăm chăm vào con trai út.
Lưu Tuấn Kiệt sửa lại chiếc máy vi tính cũ mà chị gái Hà Giang được Trường ĐH Y dược Huế tặng năm 2009 để chuẩn bị cho những năm đại học sắp tới – Ảnh: Lam Giang |
Năm 2007 ba mạ từng bán nhà một lần để lấy tiền chữa bệnh cho các anh chị. Sau đó Ngân hàng Ngoại thương biết hoàn cảnh cả nhà phải đi ở nhờ nên thương tình bỏ tiền ra chuộc nhà lại cho. Bây giờ bán nhà thì chắc chắn ba mạ không còn chỗ ở. Làm răng con có thể cầm đồng tiền đó mà đi học cho yên lòng mạ ơi! |
Bộ quần áo của ông chưa ráo hết mồ hôi vì phải chăn bò trên cánh đồng khô nỏ trong cái nắng cuối tháng 8 chang chang.
Ông đang vừa mừng vừa lo khi Lưu Tuấn Kiệt (Trường THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình), con trai út “mạnh khoẻ nhất” của cả gia đình “chạy thận”, đã đậu Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Cả nhà đều chạy thận
Ông Thuận và bà Trần Thị Nương có sáu đứa con. Ban đầu tất cả đều khoẻ mạnh bình thường. Đến năm 2004, bỗng nhiên ba người con đầu – anh, chị của Kiệt – lần lượt phát sinh căn bệnh thận. Từ đó ông bà thay nhau đưa con đi hết Bệnh viện Trung ương Huế rồi đến Bệnh viện Việt Nam – Cuba Đồng Hới.
Chạy chữa lâu cũng hết tiền, năm 2007 ông bà đành bán nhà lấy tiền lo cho con. Bà Nương ngậm ngùi: “Vậy mà vẫn không chữa được bệnh nên cả ba đứa chúng nó lần lượt ra đi”.
Ông Thuận trầm ngâm nhìn ra cánh đồng. Ông cho biết: “Ba đứa còn lại là Lưu Thị Hà Giang, Lưu Thị Thuý và Kiệt cũng đang mang trong người căn bệnh thận như các anh chị. Nhưng vì cả ba được khám và kịp thời phát hiện bệnh nên còn thời gian để chữa trị.
Con Thúy bệnh đang nặng dần, phải chạy thận nhân tạo liên miên rồi, không biết nó còn ở với vợ chồng tui được bao lâu nữa. Chỉ còn con Giang và thằng Kiệt là chỗ bấu víu, hi vọng cuối cùng của cuộc đời vợ chồng tui”.
May mắn là Giang và Kiệt dù bị bệnh, phải vừa học vừa đi chữa bệnh ở các bệnh viện nhưng vẫn học rất giỏi. Năm ngoái, suất học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã giúp Giang kịp nhập học đại học (xem bài “Cô bé chăn bò trúng tuyển trường luật”, báo Tuổi Trẻ 28-7-2014).
Hiện Giang là sinh viên luật thương mại của Trường đại học Luật TP.HCM, vừa học vừa đi làm thêm để sống.
“Có ai đó giúp đỡ tiền bạc thì dành gửi cho con Giang một ít và tập trung chạy thận cho con Thúy, mong con ở được trên đời với ba mạ ngày mô tốt ngày đó” – bà Nương ứa nước mắt nhìn thân hình đã phù thũng của Thuý vừa cố gắng nhỏm dậy khỏi giường để chào khách.
Tâm sự của Kiệt
“Cứ mỗi khi nhìn em là ba mạ lại ứa nước mắt. Mạ cứ lo em bệnh tật như rứa thì sau ni biết mần việc chi. Mà quả thật sức em rất yếu, chắc do căn bệnh thận gây ra. Thỉnh thoảng ngồi với em, mạ lại cầm tay nói mi yếu ớt quá, chắc không mần được việc chi nặng nhọc mà ăn.
Thấy mạ lo, lại biết sức khoẻ của mình nên em nghĩ với mình thì không có chi hơn là học cho giỏi để sau ni vô đại học kiếm một ngành nghề chi đó phù hợp. Hơn nữa khi đi chữa bệnh, bác sĩ cũng nói sức khoẻ em không thể làm việc nặng được nữa.
Vì vậy, những ngày đi Huế hay vô Đồng Hới điều trị bệnh em đều mang theo sách vở để học. Ban đầu luôn bị ba mạ nạt cho, nói là đã đi chữa bệnh mà còn học hành mần chi cho nhọc người. Nhưng nhờ rứa mà cả ba năm học THPT em đều đạt học sinh giỏi.
Trước ngày hai cha con cơm đùm gạo bới đi thi THPT quốc gia 2015 ở Huế, ba có hỏi: nếu đậu đại học mà ba mạ không lo nổi tiền học thì mần răng? Em cũng không biết nữa. Thi khối A được 23 điểm, em nộp đơn nguyện vọng 1 vô nhóm ngành vật lý kỹ thuật – cơ kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và nhà trường vừa có thông báo trúng tuyển.
Em sẽ chọn học chuyên ngành kỹ thuật y sinh vì mong ước của em là sau này được làm việc cho một công ty hay cơ sở chuyên ngành y tế hoặc kỹ thuật y tế. Ba anh chị của em đã mất vì căn bệnh thận. Chị Giang, chị Thuý cũng vì căn bệnh thận mà khiến ba mạ ngày đêm héo hon. Nay chỉ còn lại em là con trai, em muốn là chỗ dựa cho ba mạ và cả chị Giang, chị Thúy sau này…
Nhưng nếu em đi học thì ba mạ phải chạy vay từng đồng để vừa lo chữa bệnh cho ba đứa con, lại vừa nuôi chị Giang và em đi học tận Sài Gòn. Hôm qua em nói với mạ là thôi sẽ ở nhà học nghề sửa máy tính kiếm tiền giúp ba mẹ.
Nghe em nói rứa thì mạ khóc, nói để bán nhà lần nữa lấy tiền cho em đi học. Em lại càng buồn, vì năm 2007 ba mạ từng bán nhà một lần để lấy tiền chữa bệnh cho các anh chị. Sau đó Ngân hàng Ngoại thương biết hoàn cảnh cả nhà phải đi ở nhờ nên thương tình bỏ tiền ra chuộc nhà lại cho.
Bây giờ bán nhà thì chắc chắn ba mạ không còn chỗ ở. Làm răng con có thể cầm đồng tiền đó mà đi học cho yên lòng mạ ơi!”