Cùng Tuổi Trẻ khám phá Metro TP.HCM
Diện mạo TP.HCM đang thay đổi khá nhanh, đặc biệt là từ khi triển khai dự án metro. Những gì đang diễn ra sau những lá chắn trước Nhà hát TP hay dưới tầng ngầm trước chợ Bến Thành?
Cùng Tuổi Trẻ khám phá Metro TP.HCM
Diện mạo TP.HCM đang thay đổi khá nhanh, đặc biệt là từ khi triển khai dự án metro. Những gì đang diễn ra sau những lá chắn trước Nhà hát TP hay dưới tầng ngầm trước chợ Bến Thành?
Phố ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành |
Với sự giúp đỡ của Ban quản lý dự án metro, của các kiến trúc sư, Tuổi Trẻ mời bạn đọc cùng khám phá dự án này.
Đi từ đầu đường Nguyễn Hữu Cảnh – Nhà máy Ba Son (Q.1, TP.HCM) đến cầu Sài Gòn và chạy dọc xa lộ Hà Nội đến Suối Tiên, mọi người đều nhìn thấy hình hài của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang lớn dần sau ba năm khởi công (tháng 8-2012).
Công nhân làm việc hối hả ở tuyến metro trên cao Bến Thành – Suối Tiên – Ảnh: Hữu Khoa |
Công nhân làm việc hối hả ở tuyến metro trên cao Bến Thành – Suối Tiên – Ảnh: Hữu Khoa
Trong tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, tuyến đi trên cao dài 17,1km, trong đó xây dựng năm chiếc cầu đặc biệt gồm cầu metro Sài Gòn, Rạch Chiếc, Điện Biên Phủ, Văn Thánh và cầu vượt xa lộ Hà Nội.
Metro trên cao
Đi trên xa lộ Hà Nội những ngày này, chúng tôi thấy hình ảnh rõ nét nhất là những trụ cầu metro vươn cao chạy từ cầu Sài Gòn lên đến Suối Tiên.
Chỉ vài năm nữa sẽ có những đoàn tàu tốc độ cao chạy trên cao đưa người dân từ trung tâm TP.HCM đến những khu đô thị hiện đại, Đại học Quốc gia, khu du lịch, bến xe Miền Đông mới ở Suối Tiên.
Lần đầu tiên bước trên những nhịp dầm metro dài khoảng 350m trên xa lộ Hà Nội, chúng tôi cảm nhận quy mô xây dựng tuyến metro rất đồ sộ với các thiết bị thi công bằng công nghệ mới.
Trên mặt nhịp dầm cầu là một dàn máy khổng lồ dài vài chục mét điều khiển chiếc cẩu nâng mỗi đốt dầm nặng 42 tấn và ghép các nhịp dầm lại với nhau.
Theo ông Chu Sơn Bình – phó giám đốc Ban quản lý dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, các đốt dầm được kết dính với nhau bằng keo epoxy và căng 24 bó cáp với sức ép lên đến 7.000 tấn.
Do sử dụng thiết bị hiện đại nên ở công trường đoạn này chỉ có khoảng 15 công nhân ghép các đốt dầm. Thế nhưng để đẩy nhanh tiến độ, liên danh nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) – Cienco 6 (VN) đã triển khai đồng loạt ba mũi thi công lắp đặt nhịp cầu metro ở Q.2, Q.9 và Thủ Đức.
Trong đó, lắp ghép nhanh các nhịp dầm đoạn từ đường Thảo Điền kết nối với cầu metro bắc qua sông Sài Gòn. Ông Bình cho biết sở dĩ nhịp dầm hình chữ U là do tuyến có hai chiều metro đi và về và các cánh dầm vươn cao ở hai bên nhịp dầm nhằm giảm độ ồn của đoàn tàu chở khách.
Theo ông Bình, với tiến độ thi công này, đến năm 2017 sẽ hoàn thành lắp đặt toàn bộ nhịp dầm cầu của tuyến trên cao.
Nhà ga hiện đại
Công trình có nhiều công nhân thi công tấp nập và rộn ràng nhất là ở nhà ga Thảo Điền. Đến công trường gần giữa trưa, dưới ánh nắng gay gắt và nóng bức, hơn 80 kỹ sư và công nhân Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình đang vận chuyển những thanh sắt, khung sắt vào vị trí.
Chỉ huy trưởng công trình cho biết các công nhân đang làm công đoạn gia cố sắt để chuẩn bị đổ sàn bêtông thứ hai của nhà ga rộng 26m và dài 130m. Đây là 1 trong 14 nhà ga (11 nhà ga trên cao và 3 ga ngầm) của tuyến metro số 1.
Là đơn vị đảm nhận thi công 6/11 nhà ga trên cao và đang chuẩn bị tham gia đấu thầu thi công 4 nhà ga khác, ông Lê Tấn Đạt – chỉ huy trưởng công trình – cho biết các nhà ga có tiến độ thi công 12 tháng, riêng ga Thảo Điền thi công 8 tháng. Để đảm bảo tiến độ ga Thảo Điền, nhà thầu thi công ba ca.
Trong tuyến metro số 1, ga Bến Thành là nhà ga trung tâm kết nối với các tuyến metro khác và nhà ga Suối Tiên là nhà ga cuối, trong đó ga Suối Tiên được xem là cửa ngõ huyết mạch ở phía đông TP.HCM đi các tỉnh.
Trong tương lai, từ nhà ga này sẽ xây dựng một tuyến metro kéo dài đến sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Ga Suối Tiên cũng là điểm đến bến xe Miền Đông mới, dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2015 và hoàn thành năm 2018.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam từ Hà Nội đến TP.HCM cũng sẽ được đặt tại Suối Tiên. Như vậy hành khách đi từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung về TP.HCM đến ga Suối Tiên sẽ tiếp tục đi metro để vào trung tâm TP.HCM nhanh chóng.
Để hành khách không bị nhàm chán và lầm lẫn giữa nhà ga này với nhà ga khác, Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết mỗi nhà ga đều có kiến trúc khác nhau và được đánh số thứ tự. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, trong số ba nhà ga ngầm, ga Bến Thành là ga trung tâm và là ga trung chuyển hành khách vì kết nối với một số tuyến metro khác.
Trong 11 nhà ga trên cao, nhà ga Tân Cảng là nơi đón lượng hành khách nhiều nhất với hơn 154.000 lượt hành khách/ngày, kế đến là ga Suối Tiên đón gần 147.000 lượt khách/ngày, ga Rạch Chiếc gần 107.000 lượt hành khách/ngày…
Với sự hình thành của tuyến metro số 1, diện mạo giao thông cũng như diện mạo đô thị mới của TP.HCM bắt đầu hình thành.
8 tuyến metro 1 – Tuyến metro số 1: Bến Thành (Q.1) – Suối Tiên (Q.9) dài 19,7km. Nghiên cứu trong tương lai sẽ nối dài tới Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. 2 – Tuyến metro số 2: Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) – quốc lộ 22 – bến xe An Sương – Trường Chinh – nhánh nối vào depot Tham Lương – Cách Mạng Tháng Tám – Phạm Hồng Thái – Lê Lai – Bến Thành – Thủ Thiêm (Q.2) dài 48km. 3 – Tuyến metro số 3a: Bến Thành (Q.1) – Phạm Ngũ Lão – ngã sáu Cộng Hòa – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – depot Tân Kiên – ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh) chiều dài khoảng 19,6km. Nghiên cứu trong tương lai kéo dài kết nối Tân An (tỉnh Long An). 4 – Tuyến số 3b: Ngã sáu Cộng Hòa (Q.3 – Q.10) – Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh – quốc lộ 13 – Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) dài khoảng 12,1km. Nghiên cứu kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). 5 – Tuyến metro số 4: Thạnh Xuân (Q.12) – Hà Huy Giáp – Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm – Phan Đình Phùng – Hai Bà Trưng – Bến Thành – Nguyễn Thái Học – Tôn Đản – Nguyễn Hữu Thọ – khu đô thị Hiệp Phước (Nhà Bè), dài 36,2km. 6 – Tuyến metro số 4b: Ga công viên Gia Định (Q.Gò Vấp) – kết nối với tuyến số 4 – Nguyễn Thái Sơn – Hồng Hà – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – Trường Sơn – công viên Hoàng Văn Thụ – ga Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) – kết nối với tuyến metro số 5, chiều dài 5,2km. 7 – Tuyến metro số 5: Bến xe Cần Giuộc mới (Q.8) – quốc lộ 50 – Tùng Thiện Vương – Phù Đổng Thiên Vương – Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) – kết nối với tuyến metro số 1, dài 25km. 8 – Tuyến metro số 6: Bà Quẹo (Q.Tân Bình) – Âu Cơ – Lũy Bán Bích – Tân Hòa Đông – vòng xoay Phú Lâm (Q.6) dài 5,6km. Tuyến này kết nối giữa hai tuyến metro số 2 và số 3a. |
* HỒ THỊ QUỲNH PHƯƠNG (sinh viên năm 4 khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM): Đi lại sẽ thuận tiện hơn Vì hai năm cuối sinh viên chủ yếu học ở cơ sở 2 (đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1) nên tôi chọn xe buýt để đi học mỗi ngày, phải đi 2 chuyến xe tôi mới đến trường được, nhưng nhiều lúc đường kẹt, trên xe quá đông sinh viên… nên khá mệt mỏi. Đọc thông tin về tuyến đường sắt trên cao đã khởi công và dự kiến sẽ xong vào năm 2018, tôi rất mừng vì lúc đó việc đi lại của mình và đặc biệt là các sinh viên sau này sẽ thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian đi lại.
Vừa ngồi tàu vừa ngắm thành phố* PHẠM HOÀI SƠN (sinh viên năm 2 ngành công nghệ thông tin, CĐ Phát thanh truyền hình II): Điều làm tôi thấy thích nhất là khi tuyến đường sắt trên cao này hoàn thành, tôi sẽ được ngồi tàu ngắm thành phố từ trên cao. Đồng thời, nhà ga ngầm ở khu vực Nhà hát thành phố và chợ Bến Thành khi hoàn thành sẽ có trung tâm thương mại, chúng tôi lại có thêm một địa chỉ để tham quan, chụp ảnh. Tuyến metro là một biểu tượng cho sự phát triển văn minh của TP.HCM trong tương lai gần.
Giải pháp giao thông hữu hiệu* Ông HUỲNH NGỌC CHÂU (50 tuổi, nhà ở đường Trần Khắc Chân, Q.1): Hiện nay, tình trạng giao thông của TP.HCM khá lộn xộn, gây mệt mỏi và mất thời gian cho người dân khi đi lại. Tôi và gia đình thường đi làm bằng xe máy, chuyện kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Vì vậy, khi theo dõi thông tin về công trình này, tôi cảm thấy đây là công trình thuận tiện cho giao thông, là một giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn giao thông của thành phố. Người lớn tuổi như tôi cũng thấy khoẻ hơn nếu đi lại bằng metro. * HOÀNG TRUNG BƯỞU (26 tuổi, kỹ sư xây dựng): Làm đẹp bộ mặt đô thị Tôi làm việc trong lĩnh vực xây dựng, tôi thấy đây là công trình có một số kỹ thuật thi công hiện đại như hệ cầu trượt để lắp đặt, công tác căng cáp, dầm trụ cầu theo phương ngang thay vì phương dọc nên dễ dàng vận chuyển…Tôi đã từng đi metro ở Singapore, rất tiện lợi. Tôi mong tuyến metro sau khi hoàn thành sẽ cải thiện đáng kể những vấn đề về giao thông hiện nay, làm bộ mặt đô thị đẹp và hiện đại hơn. |