28/11/2024

Nỗ lực trên đường hội nhập

Từ thu nhập bình quân đầu người chỉ 97 USD năm 1989, đến năm 2014 con số này đã vượt ngưỡng 2.000 USD, tăng 21 lần trong 25 năm. Cũng từng ấy năm, quy mô của nền kinh tế tăng 30 lần, từ 6,5 tỉ USD lên 200 tỉ USD.

 

Nỗ lực trên đường hội nhập

 

 

Từ thu nhập bình quân đầu người chỉ 97 USD năm 1989, đến năm 2014 con số này đã vượt ngưỡng 2.000 USD, tăng 21 lần trong 25 năm. Cũng từng ấy năm, quy mô của nền kinh tế tăng 30 lần, từ 6,5 tỉ USD lên 200 tỉ USD.



Sau 30 Đổi mới, kinh tế VN được đánh giá là đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Trò chuyện với Thanh Niên, TS Trần Đình Thiên (ảnh), Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận định:
Thành tựu quan trọng nhất của kinh tế VN đó chính là thay đổi phương thức phát triển, chuyển từ phát triển cổ truyền, theo kiểu tự cung tự cấp, kế hoạch hóa tập trung sang phương thức thị trường. Đây là phương thức cởi trói, giải phóng nguồn lực, cho phép người dân phát huy được năng lực của mình. Năm 1986 VN chuyển sang hẳn phương thức này – một lựa chọn mang tính cách mạng. Thứ hai, VN từ một quốc gia đóng kín, chuyển sang mở cửa hội nhập, hoà vào dòng chảy chung phát triển của nhân loại, tiếp cận phát triển của thế giới, tiếp thu sức mạnh nguồn lực của bên ngoài phục vụ cho quá trình phát triển. Cái này rất quan trọng, vì chúng ta biết rằng trong thế giới hiện đại nếu một mình thì không thể nào phát triển được. Mở cửa và hội nhập là động lực của VN vì có không gian và cạnh tranh để phát triển. Có thể nói, dù còn nhiều điều chưa hài lòng, nhưng quỹ đạo tiến lên của nền kinh tế là rất rõ ràng. Chúng ta đang tận hưởng thành quả thu nhập cao lên rất nhiều, quyền đối với tài sản, với đời sống của mình tăng lên; đói nghèo lùi nhanh. Đấy là những thành tựu cơ bản mà tôi có thể kể ra.
Từ chỗ thiếu ăn, hàng hóa VN nay đã xuất khẩu ra khắp thế giới
* Giai đoạn 30 năm qua sau Đổi mới sẽ khác với thời kỳ phát triển 30 năm tới trong hội nhập, theo ông làm thế nào để kinh tế VN tối đa hoá những cơ hội, lợi thế mà hội nhập mang lại?
– 30 năm qua là chúng ta phát triển theo kiểu cởi trói, mở cửa đi ra với thế giới. Chúng ta chủ động nhiều với cuộc chơi, có khả năng tự mình tháo gỡ những cái mà ta bị bó buộc để phát triển. Còn giai đoạn tới đây VN phát triển trong môi trường hội nhập quốc tế. Nghĩa là vào sân chơi của thế giới, không phải của riêng mình. Cuộc chơi này mang tính thời đại rất cao, gắn với quy tắc chơi có cam kết, có điều kiện cao hơn rất nhiều. Quy tắc cuộc chơi do thế giới đặt ra cho nên sẽ khác nhiều. Chúng ta không phải muốn hành xử như thế nào cũng được, mà phải tuân theo luật lệ. Hơn nữa, VN cũng bình đẳng với mọi quốc gia, cạnh tranh sòng phẳng. Điều kiện cũng khó hơn, bởi tư thế gia nhập bình đẳng nhưng vị thế của VN thấp hơn nhiều nước. Họ đi trước, chưa kể nhiều mặt VN còn tụt hậu. Cuộc chơi này không phải ngang bằng về tương quan sức mạnh, buộc chúng ta phải nỗ lực hơn rất nhiều để đáp ứng yêu cầu hội nhập, nếu không sẽ bị tụt lại.

 
 

5 triển vọng của phát triển

 
Trong bài phát biểu về thành tựu và vấn đề của phát triển kinh tế xã hội VN sau 30 năm Đổi mới, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, đề ra năm triển vọng, định hướng phát triển dài hạn 2016 – 2030. Thứ nhất, VN trở thành nước mạnh về nông nghiệp. Thứ hai, VN trở thành một trung tâm chế tạo mới của thế giới. Thứ ba, nhân lực và khoa học công nghệ của VN vào top 3 ASEAN trước 2025. Thứ tư, phát triển hệ thống đô thị thông minh, quản lý thông minh. Thứ năm, VN trở thành nước mạnh về du lịch.

 

 
Ví dụ, nông nghiệp của VN là thế mạnh. Nhưng nông nghiệp của ta có trình độ thấp, chưa cao. Những tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đáp ứng được. Vì thế, muốn cạnh tranh, muốn hưởng được lợi thế của hội nhập phải thay đổi thể chế để doanh nghiệp (DN) tư nhân vươn lên. Hiện nay, các thể chế còn trói buộc DN rất nhiều. Nhưng đồng thời phía DN cũng phải tự mình nâng cao năng lực, chứ không thể theo phong cách được chăng hay chớ, có cơ hội thì tận dụng, không thì thôi.
* Trong bối cảnh đó, ông có những đề xuất chính sách và gợi ý định hướng nào cho kinh tế VN?
– Đề xuất quan trọng nhất của tôi là VN cần phải có chiến lược phát triển DN tư nhân cho đúng tầm, đúng yêu cầu của hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Hiện DN VN còn yếu và bị những rào cản thể chế cản trở. Cho nên chúng ta phải tập trung nâng cao sức mạnh cho DN. Chiến lược phát triển lực lượng DN phải gồm những điểm quan trọng: Thứ nhất, có một chính sách hỗ trợ DN, cởi trói cho DN tư nhân; Thứ hai, tạo điều kiện để DN có môi trường cạnh tranh tự do. Còn định hướng của DN VN là phải có công nghệ, bắt được chuỗi giá trị của thế giới, gắn kết với thị trường thế giới.

N.Trần Tâm 
(thực hiện)