28/11/2024

Khi dự án khởi nghiệp đi vào thực tế

Lần thứ ba tổ chức, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội LHTN VN TP.HCM) và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đã quyết định “lăn” bánh xe cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

 

Khi dự án khởi nghiệp đi vào thực tế

 

Lần thứ ba tổ chức, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội LHTN VN TP.HCM) và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đã quyết định “lăn” bánh xe cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trên phạm vi toàn quốc.



Nhóm tác giả đoạt giải nhất với “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” đang được ông Đỗ Thanh Năm (bìa phải) tư vấn để bắt cặp thầy - trò trong dự án “Mỗi doanh nhân - một người thầy” - Ảnh: Q.L.
Nhóm tác giả đoạt giải nhất với “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” đang được ông Đỗ Thanh Năm (bìa phải) tư vấn để bắt cặp thầy – trò trong dự án “Mỗi doanh nhân – một người thầy” – Ảnh: Q.L.

Điều quan trọng là các dự án đã bắt đầu đi vào thực tế chứ không chỉ dừng lại ở ý tưởng ban đầu.

“Không phải ai cũng thành doanh nhân nhưng hãy nuôi dưỡng ước mơ ấy ngay khi là một sinh viên mới ra trường hay ở độ tuổi đôi mươi. Hi vọng tương lai sẽ được kết nạp các bạn làm đội ngũ doanh nhân kế thừa trong tổ chức doanh nhân trẻ của thành phố chúng ta

Ông NGUYỄN THU PHONG 
(chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM)

Làm sao thuyết phục người mua dự án?

“Làm sao thuyết phục bệnh viện mua dự án?” là câu hỏi giám khảo Nguyễn Tuấn Quỳnh (Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM) dành cho Nguyễn Khoa Tuấn Anh (TP.HCM).

Tuấn Anh xây dựng dự án “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” với lập luận: “Bệnh nhân không phải chen lấn chờ đợi mà hoàn toàn có thể biết được số thứ tự của mình khi truy cập vào hệ thống bằng tin nhắn điện thoại để chọn giờ đến khám hợp lý”.

Tuấn Anh tự tin trả lời giám khảo: “Sẽ thông qua đối tác chia sẻ lợi nhuận, dự án hoàn toàn khả thi vì nguồn thu từ ba nguồn: bệnh viện, tin nhắn và quảng cáo sản phẩm và hiện nhóm đã đưa dự án được vào hai bệnh viện rồi”.

Bạn Lê Hồ Thanh Thảo (TP.HCM) cho biết việc tạo ra thức ăn chăn nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen của mình đang làm đã cung cấp sản phẩm phục vụ cho người nuôi chim cảnh và sắp tới là thức ăn cho cá, gia cầm.

“Tôi muốn tìm nhà đầu tư tâm huyết với nông nghiệp vì muốn hình thành doanh nghiệp xã hội vì khi dự án phát triển sẽ liên quan đến xử lý rác thải, tác động đến môi trường chứ vốn chỉ là một phần thôi” – Thảo nói.

Nhiều tác giả có dự án thuộc các lĩnh vực đa dạng, gắn với thực tế như “Cà phê sáng tạo – nghĩ điên, làm chất” của nhóm bạn Trần Thanh Tùng (TP.HCM), “Ứng dụng quản lý điều trị bệnh tiểu đường Zinmed” của nhóm tác giả Chử Đức Hoàng (Hà Nội)…

Tìm được điểm chung

Ngay trong lúc chấm thi, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM Nguyễn Tuấn Quỳnh đã quyết định nhận đỡ đầu cho dự án “Hồn Việt” của bạn Nguyễn Thanh Hoàng đến từ Đà Nẵng. Những sản phẩm lưu niệm từ giấy của nhóm Hoàng làm thủ công, đẹp mắt với hình ảnh động. Hiện anh chàng truyền nghề cho các bạn trẻ ở những trung tâm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật và tạo việc làm cho các bạn này khi nhận đơn hàng gia công.

“Hi vọng nhóm chúng tôi tìm được nhà đầu tư để có thể trang bị máy móc vì chỉ có vậy mới đáp ứng được đơn hàng lớn, hạ giá thành sản phẩm thêm nữa” – Hoàng nói và quá bất ngờ trước lời đề nghị của giám khảo Tuấn Quỳnh. Thanh Hoàng chia sẻ: “Tôi thấy có thêm động lực để theo đuổi đam mê đời mình”.

Thí sinh vừa kết thúc thi tài, ông Đỗ Thanh Năm (Công ty Win-Win) đã chủ động đi tìm nhóm tác giả dự án “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” để bàn chuyện hỗ trợ.

Ông Năm lắng nghe thêm và chỉ ra cho các bạn những điểm mạnh sẵn có và cách nào để dự án có tính thuyết phục cao hơn. “Các bạn nên chọn từng phần của dự án để tiếp cận và hiện thực hoá, thậm chí cần tính toán giai đoạn đầu sẽ tiếp cận bệnh viện nào là khả thi nhất rồi cùng bàn những bước tiếp theo” – ông Năm nói với nhóm tác giả.

Trong khi đó, tác giả Lê Trần Ngọc Diệp của dự án “Nước dừa đóng hộp” đã nhận được lời đề nghị làm thầy – trò từ ông Lê Trung Nam (Công ty cổ phần dược phẩm Hoa Thiên Phú).

“Mục tiêu là hoàn thiện sản phẩm theo như mong ước của bạn là không có chất bảo quản nên giai đoạn đầu tôi sẽ đầu tư chứ chưa đặt vấn đề hợp tác. Bạn có thể trở thành một chuyên viên của phòng nghiên cứu tại công ty vì ở đó có đầy đủ thiết bị sẽ phục vụ tốt cho việc nghiên cứu của bạn” – ông Nam đề nghị.

14 cặp thầy – trò đã tìm được điểm chung đặt nền móng cho sự hợp tác ban đầu như thế.

* 60 dự án nổi bật

Từ 536 dự án đăng ký dự thi sau sáu tháng, ban tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp 2015 đã chọn được 60 dự án nổi bật vào bán kết

* 3 lĩnh vực

Các dự án thuộc ba lĩnh vực: công nghệ, sản phẩm – dịch vụ, nông nghiệp – y tế – giáo dục. Mỗi dự án có hai phút để thuyết phục ban giám khảo trước khi được chọn vào số 10 dự án xuất sắc nhất (tám dự án đến từ TP.HCM, hai dự án còn lại đến từ Hà Nội và Đà Nẵng).

* Giải thưởng cao

– Giải nhất (50 triệu đồng): “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” của Nguyễn Khoa Tuấn Anh và nhóm bạn đến từ TP.HCM.

– Giải nhì (30 triệu đồng): “Ứng dụng quản lý điều trị bệnh tiểu đường Zinmed” của Chử Đức Hoàng cùng nhóm bạn đến từ Hà Nội.

– Giải ba (15 triệu đồng): “Thức ăn chăn nuôi từ ấu trùng ruồi lính đen” của Lê Hồ Thanh Thảo.

Ban tổ chức cũng trao một số giải phụ khác.

* Học bổng ĐH Úc trị giá 300 triệu đồng

Tưởng Trần Mai Vân đoạt suất học bổng toàn phần thạc sĩ quản trị kinh doanh của ĐH Western Sydney (Úc) trị giá 300 triệu đồng thông qua liên kết với Viện Đào tạo quốc tế (ĐH Kinh tế TP.HCM).

 

QUỐC LINH