Cước vận tải “ngủ quên”
Xăng dầu giảm liên tục thời gian qua, thế nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn không hề điều chỉnh lại giá cước. Tại sao?
Cước vận tải “ngủ quên”
Xăng dầu giảm liên tục thời gian qua, thế nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn không hề điều chỉnh lại giá cước. Tại sao?
Mặc dù giá xăng dầu giảm rất mạnh thời gian qua nhưng cước vận tải vẫn không giảm. Trong ảnh: bốc xếp hàng hoá trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM trưa 27-8 – Ảnh: Thanh Tùng |
Bức xúc trước tình trạng trên, Bộ Tài chính đã phải có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, các địa phương yêu cầu các hãng vận chuyển kê khai lại giá.
Không có hãng taxi hay vận tải nào nói ra, song khảo sát thực tế và tính toán của Tuổi Trẻ cho thấy những khoản tiền không nhỏ thay vì lợi cho người tiêu dùng lại đang chảy sang túi doanh nghiệp.
Cước vận tải chưa chịu giảm
So với mức giá 20.430 đồng/lít xăng hồi tháng 5-2015, thời điểm các hãng taxi đồng loạt tăng giá cước, đến nay xăng đã giảm được 1.900 đồng/lít, tương đương 9,25% (từ 20.430 đồng xuống 18.530 đồng/lít) và dầu diesel giảm được 2.460 đồng/lít, tương đương 15,5% (từ 15.880 đồng xuống 13.420 đồng/lít).
Xăng dầu giảm ở mức độ đó đương nhiên kéo theo chi phí giá thành cước vận tải đáng kể cho cả các loại xe chạy xăng lẫn chạy dầu diesel. Thế nhưng thực tế giá cước các nhà xe thời gian qua vẫn đứng yên không hề thay đổi.
Tính toán thực tế của những hãng taxi cho thấy xăng chiếm khoảng 39% tổng các loại chi phí tạo nên giá thành, tương đương khoảng 5.070 đồng/km xe chạy. Với mức giảm nói trên của giá xăng, tính ra mỗi kilômet xe chạy đã giảm được ít nhất là 466 đồng.
Thế nhưng, giá cước của taxi Vinasun tại TP.HCM từ sau đợt tăng giá đầu tháng 5 đến nay vẫn giữ nguyên 15.500 đồng/km cho xe năm chỗ chạy trong phạm vi 30km và 16.500 đồng với xe bảy chỗ.
Như vậy hiện tại 466 đồng được lợi từ xăng đang đều đặn chảy vào túi các hãng taxi trên từng kilômet xe chạy. Giả sử hành khách đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Q.1 khoảng 8km sẽ thiệt 3.728 đồng.
Vào tháng 5 khi xăng tăng giá, các hãng taxi đồng loạt tăng giá cước 500 đồng/km với lập luận nếu không tăng giá cước thì doanh nghiệp không thể bù lỗ trong thời gian dài. Nay xăng giảm trở lại nhưng chưa thấy hãng nào tính lại cho hành khách.
Không chỉ cước taxi, tình trạng “chây ì” cước cũng xảy ra ở các hãng xe khách. Theo khảo sát của Tuổi Trẻ vào ngày 26-8, rất nhiều quầy bán vé tại bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn giữ nguyên mức giá từ nhiều tháng trước đó.
Phía trước quầy vé của Hãng xe Thuận Ý, bảng niêm yết của hãng xe này cho thấy mức giá vé giường nằm là 270.000 đồng/vé cho chặng TP.HCM – Gia Lai, một trong những tuyến đông khách nhất hiện nay. Mức giá này không hề giảm so với cách đây nửa năm. Khảo sát thêm các tuyến đông khách khác như TP.HCM – Quảng Ngãi, TP.HCM – Đắk Lắk cũng cho kết quả như vậy.
Theo tính toán, chi phí dầu diesel chiếm khoảng 35% giá vé của các hãng xe khách, tương đương khoảng 450 đồng/km đường dài. Với chặng đường khoảng 600km tuyến TP.HCM – Gia Lai, dầu diesel chiếm 94.500 đồng/vé. Tính ra, nhà xe có thể giảm cho khách 14.700 đồng/vé theo mức giảm 15,5% của giá dầu diesel từ tháng 5 tới nay.
Taxi Vinasun đón khách tại nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM chiều 27-8 – Ảnh: Thuận Thắng |
Tùy trường hợp áp dụng giảm
Trong mảng vận tải hàng hoá, tình trạng ỉm đi khoản tiền đáng ra phải giảm cho khách cũng rất phổ biến. Khảo sát một chuyến xe chở 8 tấn vú sữa từ Đồng Tháp lên chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), thời điểm tháng 5 giá cước khoảng 200.000 đồng/tấn, nay vẫn vậy.
Chạy đoạn đường Đồng Tháp – Thủ Đức tiêu tốn khoảng 110 lít dầu cả đi và về, tính ra tiền dầu tốn khoảng 1.746.800 đồng theo giá cũ và 1.524.600 đồng theo giá mới. Như vậy, chuyến xe vú sữa đã giảm được ít nhất 222.200 đồng tiền dầu. Do không giảm cước vận chuyển, nhà xe hưởng lợi khoản dôi ra từ giá dầu mà đáng lẽ phải thuộc về người tiêu dùng.
Lấy một ví dụ phổ biến khác với xe chở rau củ quả từ Đà Lạt xuống chợ Thủ Đức. Cước một chuyến xe chở khoai là 600.000 đồng/tấn, không thay đổi so với cước hồi tháng 5. Đoạn đường Đà Lạt – Thủ Đức tiêu tốn mỗi xe khoảng 240 lít dầu cả đi và về. Dầu giảm 2.020 đồng/lít từ tháng 5 tới nay giúp nhà xe lợi được 484.400 đồng tiền dầu/chuyến đi về. Đó cũng chính là khoản tiền người tiêu dùng đang chịu thiệt.
Theo ông Lê Tấn Hiển – giám đốc Công ty vận tải Nam Tiến tại TP.HCM, thường trong các hợp đồng vận tải với khách hàng lớn đều có sẵn điều khoản điều chỉnh cước mỗi khi nhiên liệu biến động quá 10%. Tuy nhiên số này rất ít, chủ yếu một số tập đoàn quy mô lớn hoặc công ty đa quốc gia, còn lại hầu như không ký kết gì về việc điều chỉnh hợp đồng theo diễn biến xăng dầu.
“Với một số khách hàng lớn, khi dầu giảm tới ngưỡng này chúng tôi đã giảm giá cước theo đúng điều khoản đã ký. Với các khách hàng khác không ký trước, tùy trường hợp để áp dụng. Nếu doanh thu từ các khách hàng đó không thường xuyên hoặc nhỏ quá thì thôi, không thay đổi” – ông Hiển bộc bạch.
Dữ liệu: Hồng Quý – Đồ hoạ: Tấn Đạt |
Người tiêu dùng lãnh đủ
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM, trong cơ cấu giá thành vận tải, xăng dầu chiếm 35%. Lấy ví dụ giá cước 2.650.000 đồng/container các công ty giao nhận đang áp cho tuyến từ cảng Cát Lái về Khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM), giá cước tương ứng có thể giảm được 144.000 đồng/container nếu tính đúng với mức giảm giá dầu diesel hiện nay.
Khi được hỏi tại sao không giảm giá cước đồng loạt, công bằng với tất cả khách hàng mà chỉ làm khi bị khách hàng lớn ép, ông Hiển đề cập tới nhiều loại chi phí liên quan. “Trong cơ cấu giá thành vận tải, ngoài xăng dầu còn phải tính cả chi phí thay thế phụ tùng, săm lốp, phí bồi dưỡng bốc xếp, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm dân sự, hàng hoá, kẹt xe và cả phí làm luật…” – chủ xe này lý giải.
Các chuyên gia kinh tế tính toán giá dầu hạ không chỉ tác động tích cực giá cước vận tải mà cả các ngành có dùng phụ phẩm của dầu, điển hình là ngành nhựa và ngành phân bón – hai ngành có sản lượng tiêu thụ mạnh tại VN.
Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, từ cuối tháng 6-2015, giá bột nhựa nhập về đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ. Giá khi tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng 3,9 USD/MMBTU, thấp hơn khoảng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu những doanh nghiệp trong hai ngành này giảm giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng thì cả nền kinh tế được hưởng lợi.
* Ông NGUYỄN TIẾN THOẢ (tổng thư ký Hội Thẩm định giá VN): Giá xăng giảm 10%, cước taxi phải giảm 5% Với mức giảm giá xăng dầu trong gần hai tháng qua thì việc giá cước vận tải phải giảm tương ứng 5-7% tùy theo loại phương tiện. Đơn cử như taxi chạy xăng, chi phí nhiên liệu chiếm 35-40% trong tổng chi phí. Lẽ ra giá xăng giảm 10%, cước taxi phải giảm 5%, khoảng 700-900 đồng/km, tùy loại xe. Riêng giá dầu diesel tính từ đầu năm tới nay giảm hơn 3.500 đồng/lít, tương ứng 25% giá bán. Đây là cơ hội để giảm giá cước vận tải hàng hoá, hành khách đường dài, qua đó giảm giá hàng hoá sản phẩm của VN. Việc các doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước là không thể chấp nhận được. Để tình trạng chây ì này không tiếp diễn trong thời gian tới, theo tôi, cơ quan quản lý cần có các văn bản yêu cầu doanh nghiệp tính toán lại chi phí để giảm giá cước vận tải tương ứng với mức giảm của giá nhiên liệu. Đồng thời, các cơ quan quản lý giá, vận tải… phải phối hợp thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp vận tải. Kinh nghiệm như thời điểm cuối năm 2014, sau đợt kiểm tra giá cước tại các thành phố lớn, doanh nghiệp mới chịu giảm giá cước vận tải. Tôi muốn nhắc lại là nếu cứ để doanh nghiệp tự giác giảm giá thì rất khó. Do đó, cơ quan quản lý vận tải và giá cần phải phối hợp giám sát kiểm tra chặt chẽ và xử lý đối với trường hợp chây ì không giảm giá cước. Trách nhiệm của doanh nghiệp được nêu rất rõ trong Luật giá. Cụ thể là khi yếu tố hình thành giá thay đổi thì doanh nghiệp thay đổi giá. Nghĩa là yếu tố hình thành giá thay đổi tức là tăng hoặc giảm thì doanh nghiệp phải tăng, giảm giá cho phù hợp. Do đó, nếu doanh nghiệp không thay đổi giá là vi phạm luật. Các chi phí khác không thay đổi mà chi phí nhiên liệu giảm thì đương nhiên giá cước vận tải phải giảm. Tôi đề nghị cơ quan quản lý phải quyết liệt rà soát, kiểm tra giá cước mà doanh nghiệp kê khai lại xem có đúng không. Nghị định 89 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá nêu cụ thể cơ quan quản lý sẽ phạt tiền doanh nghiệp cố tình chây ì không giảm giá. Ngoài ra, đơn vị vi phạm còn bị tịch thu chênh lệch có được do không giảm giá phù hợp với mức giảm của yếu tố hình thành giá. |
Xử lý nghiêm nếu kê khai giá cước không đúng Ông T.L.M., chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Yên Thế (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết khi mua một xe gạch 7.500 – 8.000 viên từ Bình Dương chở về Q.Tân Bình với quãng đường dài khoảng 45km, nhà xe tính chi phí vận chuyển một viên gạch 170 đồng/viên, tương ứng từ 1,125 – 1,36 triệu đồng/chuyến. “Khi tôi bán ra một viên gạch giá 950 đồng/viên, trong đó gồm 170 đồng tiền vận chuyển. Tuy nhiên, mức giá này gần như không đổi từ đầu năm đến nay, dù giá xăng dầu đã giảm khá nhiều lần trong thời gian qua” – ông M. cho biết. Theo các doanh nghiệp kinh doanh ngành vật liệu xây dựng, một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà xe từ chối giảm giá cước là do các chi phí không tên khác vẫn không giảm (?). Trước việc chây ì giảm giá cước, ngày 25-8 Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị kiểm soát chặt giá cước vận tải. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện kê khai lại giá cước. Trên cơ sở việc kê khai này, các doanh nghiệp đánh giá tác động việc giảm giá xăng dầu để kê khai giá cước mới phù hợp với mức giảm giá xăng dầu. Trường hợp doanh nghiệp niêm yết, kê khai giá cước vận tải không đúng, cơ quan quản lý phải xử phạt nghiêm. Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 27-8, một lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Tài chính. Dự kiến ngày 28-8, Bộ GTVT sẽ có văn bản chính thức gửi các sở GTVT thực hiện yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kê khai lại giá cước. |
* Ông TẠ LONG HỶ (chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM): Khách hàng hãy thông cảm Sau khi thảo luận với các thành viên, chúng tôi quyết định vẫn giữ nguyên mức cước phí hiện nay dù rằng mức phí này đã tăng 500 đồng/km từ hồi tháng 5-2015. Trước tháng 5-2015, dù đã nhiều đợt thay đổi giá nhiên liệu nhưng các thành viên hiệp hội vẫn không thay đổi cước taxi. Cho đến thời điểm tháng 5-2015 chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá cho phù hợp với chi phí của các doanh nghiệp thành viên. Khách hàng hãy thông cảm với chúng tôi vì sau khi tính toán, các hãng taxi thành viên cho biết vẫn ở mức giá hợp lý nên chưa cần phải thay đổi giá cước. * Ông NGUYỄN VĂN THANH (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam): Chúng tôi đã khuyến cáo Hiệp hội đã có khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải cân đối lại chi phí, điều chỉnh giảm cước do giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, quyền giảm giá là của các doanh nghiệp và phụ thuộc vào thị trường. Doanh nghiệp nào không chịu giảm giá thì thị trường, khách hàng tẩy chay. Hiện tại chưa có doanh nghiệp vận tải nào chịu giảm giá cước mà chỉ mới tính toán phương án giảm. Xăng dầu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải, vì vậy nếu giá xăng dầu giảm 10% thì giá vận tải giảm tương ứng 4% là hợp lý. * Ông NGUYỄN VĂN CHÁNH (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM): Đề nghị rà soát lại phí Chúng tôi sẽ đề nghị các thành viên hiệp hội xem xét lại mức phí vận tải trong tình hình giá nhiên liệu đã được điều chỉnh sao cho phù hợp để người tiêu dùng, doanh nghiệp đều có thể hưởng lợi. Về nguyên tắc, giảm giá nhiên liệu sẽ tác động đến giá cước vận tải, tuy nhiên theo tính toán của hiệp hội, nhiên liệu chiếm 35 – 40% cước phí vận tải (tuỳ theo phương tiện cũ, mới, công suất), vì vậy nếu giá nhiên liệu giảm thì cước phí vận tải sẽ giảm theo tương ứng. |