26/12/2024

Bí ẩn tung tích thái tử Ả Rập Xê Út

Thái tử Mohammed bin Salman vắng bóng sau vụ nổ súng nghi liên quan đến âm mưu đảo chính ở thủ đô Riyadh hồi tháng trước.

 

Bí ẩn tung tích thái tử Ả Rập Xê Út

Thái tử Mohammed bin Salman vắng bóng sau vụ nổ súng nghi liên quan đến âm mưu đảo chính ở thủ đô Riyadh hồi tháng trước.
 
 
 
 
Thái tử Mohammed bin Salman họp báo cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris ngày 10.4  /// Reuters

Thái tử Mohammed bin Salman họp báo cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris ngày 10.4   REUTERS

 
 
Suốt vài tuần liền kể từ vụ nổ súng bên ngoài hoàng cung ở thủ đô Riyadh, thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman chưa hề xuất hiện trước công chúng, dẫn đến nhiều đồn đoán rằng đó là một vụ đảo chính khiến ông bị thương hoặc thậm chí đã thiệt mạng. Cho đến hôm qua, hoàng gia vẫn chưa đưa ra thông tin gì sau hàng loạt bài báo đưa ra giả thuyết về tung tích của vị thái tử 33 tuổi có nhiều chính sách mạnh tay và gây tranh cãi.
 

Trước đó, mạng xã hội đăng nhiều hình ảnh về vụ nổ súng tại khu vực hoàng cung vào khoảng 20 giờ ngày 21.4. Các đoạn phim cho thấy nhiều tiếng súng nổ khắp khu vực trong suốt 30 giây, dẫn đến nghi ngờ rằng đây là một vụ đảo chính. Hãng thông tấn Ả Rập (SPA) sau đó dẫn lời cảnh sát tuyên bố lực lượng an ninh chỉ bắn hạ một thiết bị bay không người lái xâm phạm khu vực cấm và Quốc vương Salman không có mặt tại cung điện vào thời điểm đó. Tuy nhiên, SPA không đề cập gì đến thái tử.

 
Theo Đài PressTV, vụ việc xảy ra vào thời điểm ngay sau khi ông Mohammed kết thúc chuyến công du nước ngoài nhằm củng cố các mối quan hệ và khẳng định vị thế của người nối ngôi. Kể từ đó, truyền thông nhà nước Ả Rập Xê Út chưa từng đưa hình ảnh mới của ông. Điều bất thường nhất là thái tử Mohammed cũng không thấy xuất hiện trong chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Riyadh vào ngày 28.4.
 

Vài ngày sau vụ nổ súng, truyền thông Ả Rập Xê Út đăng hình ảnh ông Mohammed gặp gỡ các quan chức trong và ngoài nước tại khu nghỉ dưỡng Qiddiya gần Riyadh. Tuy nhiên, thời gian cuộc gặp không được nêu rõ càng làm dấy lên nghi vấn đây là “chiêu” nhằm dẹp bỏ những lời đồn về tình trạng của thái tử. Mới đây nhất, ngày 16.5 tờ The Wall Street Journal đăng bài xã luận được cho là do thái tử chấp bút, nhưng hình ảnh đăng kèm lại là khi ông công du London vào ngày 7.3.

 
Một số nguồn tin trong khu vực cho rằng vụ tấn công ngày 21.4 được thực hiện với vũ khí hạng nặng và ông Mohammed đã được đưa đến hầm trú ẩn quân sự gần đó. Tờ Daily Times thậm chí loan tin ông bị trúng 2 phát đạn và “có khả năng tử vong”. Trong khi đó, một số nhóm đối lập tại Riyadh còn nói hiện nhiều thành viên hoàng gia bị cho là đối thủ của thái tử như hoàng thân Muhammad bin Nayef và các anh em họ đã bị cấm xuất cảnh. Bên cạnh đấu tranh nội bộ, ông Muhammad cùng một số gương mặt cấp cao tại Ả Rập Xê Út cũng bất đồng về chính sách cứng rắn của thái tử đối với Yemen và Qatar.
 
Kể từ lúc được Quốc vương Salman phong làm thái tử vào tháng 6.2017, ông Mohammed một mặt ra sức củng cố vị thế, loại bỏ các đối thủ, mặt khác tiến hành cuộc cải cách lớn nhằm hiện đại hóa đất nước và cởi mở hơn về mặt xã hội như cho phép phụ nữ lái xe và gỡ bỏ lệnh cấm mở rạp phim. Vị thái tử kiêm bộ trưởng quốc phòng này còn tiến hành chiến dịch mạnh tay nhằm chống tham nhũng và thay đổi trạng thái cân bằng quyền lực tại Ả Rập Xê Út khi bất ngờ bắt giữ và giam lỏng “nhóm thiểu số thao túng” gồm 11 hoàng thân, hàng chục cựu bộ trưởng cùng các trùm tài phiệt và buộc họ trả lại tài sản bị cho là tham nhũng. Bên cạnh đó, ông Mohammed còn công bố dự án “Tầm nhìn 2030” nhằm phát triển kinh tế theo hướng giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ. Theo giới phân tích chính trị khu vực, những bước đi táo bạo này đã khiến nhiều thế lực truyền thống vô cùng bất mãn, bao gồm cả giới giáo sĩ Hồi giáo Wahhabi – một trụ cột rất hùng mạnh trong vương triều.
 
 
KHÁNH AN